Pháo binh Thổ sẽ biến TP Sirte ở Libya thành một "Saraqeb mới"?
Tháng 2/2020, "chảo lửa" Idlib đã chứng kiến cuộc phản công ồ ạt của các nhóm phiến quân và khủng bố dưới hỏa lực yểm trợ của pháo binh, máy bay không người lái (UAV) và các cuộc tấn công bất ngờ của F-16 Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào cường kích Su-24 của quân chính phủ Syria.
Trước Thỏa thuận Moscow được Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ký kết vào ngày 5/3, Ankara ước tính đã "loại khỏi vòng chiến đấu" 3.138 binh sĩ, 102 xe tăng và 72 hệ thống pháo binh của Quân đội Arab Syria (SAA) trong các hoạt động quân sự từ 3/2/2020 tại tây bắc Syria.
Ngoài hỏa lực từ các tên lửa MAM-L của UAV, pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ là yếu tố then chốt giúp các tay súng đối lập tiến chiếm liên tiếp "cánh cửa" al-Nayrab hôm 20/2, 2 "chốt phòng ngự sau cùng" Afis và Jawbas và cuối cùng là thị trấn chiến lược Saraqeb vào ngày 27/2.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) khai hỏa hệ thống pháo phản lực tầm xa T-300 trong hoạt động quân sự tại tỉnh Idlib, Syria.
Mặc dù tất cả các nỗ lực kể trên của phe đối lập đã bị đảo ngược sau thất bại tại Saraqeb vào đêm ngày 29/2, đây là lần đầu tiên pháo binh Thổ "ghi điểm" kể từ sau các hoạt động quân sự tại Cyprus (đảo Síp) vào năm 1974.
Tại Idlib, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) đã triển khai ít nhất là 3 hệ thống pháo binh là pháo tự hành T-155 Firtina 155 mm, pháo phản lực T-122 Sakarya 122 mm và T-300 Kasirga 300 mm.
Về số lượng, có thể ước tính con số hàng trăm hệ thống đã được triển khai dọc theo chiến tuyến Saraqeb với ưu thế áp đảo so với pháo binh Syria - trong tổng số 4.440 xe quân sự của TAF được triển khai tại Idlib mà tổ chức SOHR có trụ sở tại Anh ước tính kể từ đầu tháng 2/2020.
Các cáo buộc của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) rằng TAF đã vận chuyển các loại pháo hạng nặng tới Libya những tháng gần đây cho thấy bước đi này có thể sẽ dẫn đến một "Saraqeb mới" tại Sirte, nơi cuộc quyết chiến giữa LNA và lực lượng do Ankara hậu thuẫn đang tiếp diễn.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ ồ ạt vận chuyển các loại pháo hạng nặng tới Libya có biến Thành phố cảng Sirte thành một "Saraqeb mới" hay không?
Bắc Phi sẽ là "mồ chôn" quân Thổ?
Việc pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ "lấn lướt" đối thủ Syria tại mặt trận Saraqeb được cho là phụ thuộc rất nhiều yếu tố chính trị Nga - Thổ, tình thế khó khăn của Damascus cũng như ưu thế về quân sự của TAF so với SAA đầu năm 2020.
Rõ ràng SAA có những hạn chế nhất định trong việc công khai tấn công vào các cứ điểm của TAF ở miền bắc Syria ở giai đoạn trước ngày 20/2. Damascus không muốn một cuộc chiến mới nổ ra với quốc gia thành viên NATO ở phía bắc và vẫn để "cửa" cho việc khôi phục quan hệ.
Mặc dù từ đầu năm 2020 tuyên bố về các cuộc đấu pháo đã được cả hai phía đưa ra, nhưng rõ ràng cuộc đối đầu thực sự chỉ nổ ra đặc nhiệm, xe bọc thép và pháo binh TAF công khai "vai kề vai" phiến quân công kích al-Nayrab.
Tuy nhiên cho tới lúc đó, cả SAA lẫn lực lượng Nga cũng đã tỏ ra kiềm chế và chỉ nhằm vào các xe tăng, xe bọc thép uy hiếp mặt trận. Điều này diễn ra trong bối ảnh Ankara tiếp tục "cào mặt ăn vạ" với Mỹ, Liên minh Châu Âu và NATO sau các "đòn đau" mà họ đã phải nhận ở Idlib.
Tính tới thời điểm kết thúc giao tranh ở Idlib vào ngày 6/3 - khi lệnh ngừng bắn được thực thi, pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ được cho là gần như không bị thiệt hại trong giao tranh.
Nhưng chiến trường Sirte ở Libya không phải là "sân khấu" Idlib, khi các "diễn viên" gồm 4 thế lực chính là Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Iran đã công khai tiến hành "cuộc chiến ủy nhiệm".
Sáng 11/6, Quân đội Ai Cập tiếp tục bổ sung một lượng lớn xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) M1 Abrams tới khu vực biên giới với miền đông Libya.
Một phương án can thiệp quân sự như ở Idlib của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) sẽ là một "cuộc phiêu lưu" tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khi Quân đội Ai Cập, UAE, Arab Saudi, Jordan và có thể là Không quân Pháp có thể bất ngờ can thiệp.
Các tiêm kích MiG-29, cường kích Su-24 "không xác định danh tính" ở căn cứ quân sự al-Jufra cũng sẽ là mối đe dọa không nhỏ với pháo tự hành của Thổ Nhĩ Kỳ gần Sirte. Rõ ràng "vai diễn" của Nga - Thổ ở Libya đang đảo ngược nếu so với Syria.
Quãng đường từ Misrata, "thành trì" án ngữ tây bắc Libya tới Sirte là gần 300 km, và việc những chiếc T-155 Firtina cơ động cách Sirte khoảng 30 km (tầm bắn tối đa của hệ thống này) được cho là "mồi ngon" cho các lực lượng hậu thuẫn LNA.
Sirte đang là "mồ chôn" của UAV Thổ Nhĩ Kỳ, và với việc pháo tự hành được tăng cường tại mặt trận này, nhiều khả năng một kịch bản tương tự có thể tái diễn.
Một cuộc không kích của lực lượng LNA nhằm vào nhóm dân quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn gần Sirte, Libya.