Tỉnh sẽ là thành phố trung ương đứng top 4 tăng trưởng cao nhất 2023, quy mô kinh tế cao nhất lịch sử

Dy Khoa |

Năm 2023, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh này ước tăng 10,35%. Tỉnh này dự kiến lên thành phố trung ương vào năm 2030.

Hồi đầu tháng 12/2023, tại Kỳ họp thứ 12 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa khóa VII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, tỉnh này thông báo: Năm 2023, GRDP của tỉnh Khánh Hòa ước tăng 10,35%, là năm thứ 2 dẫn đầu các tỉnh khu vực miền Trung.

Nhờ đó, GRDP của tỉnh giai đoạn 2021 - 2023 tăng 8,14%; quy mô kinh tế lần đầu tiên vượt 100.000 tỷ đồng; thu ngân sách ước đạt 18.320 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2022. Toàn tỉnh thu hút được 17 dự án đầu tư ngoài ngân sách, tổng số vốn đăng ký hơn 100.000 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 12/2023, Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2023. Con số không thay đổi. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (GRDP) năm 2023 ước đạt 60.158 tỷ đồng, tăng 10,35% so với năm 2022, qua đó đưa Khánh Hòa trở thành tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP xếp thứ 4 cả nước.

Theo đó, thu ngân sách nhà nước ước đạt 18.230 tỷ đồng, vượt 18% so với kế hoạch, trong đó thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 2.710 tỷ đồng, vượt 36,52%; thu nội địa đạt 15.520 tỷ đồng, vượt 15,3%.

Tỉnh sẽ là thành phố trung ương đứng top 4 tăng trưởng cao nhất 2023, quy mô kinh tế cao nhất lịch sử- Ảnh 2.

Nha Trang là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Khánh Hoà.

Theo báo cáo kinh tế xã hội 2023 đăng trên Cổng thông tin Cải chính hành chính tỉnh Khánh Hòa, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,35%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 14,64%; khu vực dịch vụ tăng 10,3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,82%.

Cơ cấu nền kinh tế Khánh Hòa năm 2023 như sau: Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11%; ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 32,23%; ngành dịch vụ chiếm 47,56%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,21% (cơ cấu tương ứng của năm 2022 là: 11,4%; 32,11%; 46,64%; 9,85%).

Ngành du lịch tiếp tục đóng vai trò mũi nhọn trong nền kinh tế tỉnh Khánh Hòa. Cụ thể: Doanh thu du lịch năm 2023 ước đạt 31.778 tỷ đồng, gấp 2,27 lần so với năm 2022; số lượt khách lưu trú ước đạt 7 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế đạt 2,1 triệu lượt, tăng 7 lần so với cùng kỳ.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước được 1.750,1 triệu USD, tăng 5,94% so năm 2022, cụ thể: Kinh tế tư nhân 1.032,8 triệu USD, tăng 7,74%; kinh tế nhà nước được 60,7 triệu USD, tăng 26,18%; kinh tế tập thể 1,9 triệu USD, giảm 15,21%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được 654,6 triệu USD, tăng 1,81%.

Trong năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước được 1.310,2 triệu USD, giảm 17,73% so năm 2022. Cụ thể: Kinh tế nhà nước 104,9 triệu USD, tăng 30,71%; kinh tế tư nhân 449,9 triệu USD, tăng 6,29%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 755,4 triệu USD, giảm 30,64%.

Năm 2030: Khánh Hoà sẽ là thành phố trung ương, có 1,4 triệu người

Hồi tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 thành thành phố trực thuộc trung ương; quy mô dân số toàn tỉnh khoảng 1,4 triệu người.

Khánh Hòa cũng sẽ trở thành trung tâm kết nối vùng và là cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.

Về định hướng phát triển, Khánh Hòa sẽ khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế cho phát triển với kinh tế biển là nền tảng, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Phát triển đột phá các vùng trọng điểm: khu vực vịnh Vân Phong, TP Nha Trang, khu vực vịnh Cam Ranh.

Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Mục tiêu đến năm 2030, cùng với tỉnh trở thành thành phố trực thuộc trung ương, Khánh Hòa còn là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế. Trong đó, khu kinh tế Vân Phong, đô thị Cam Lâm trở thành địa bàn động lực phát triển mới của tỉnh và vùng Nam Trung Bộ.

Theo quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tất cả huyện của tỉnh, từ miền núi đến hải đảo đều sẽ trở thành đô thị từ loại V trở lên.

Khi đó, Khánh Hòa sẽ có hai đô thị loại I là TP Nha Trang và đô thị Cam Lâm. TP Cam Ranh vẫn là đô thị loại II. Thị xã Ninh Hòa sẽ thành đô thị loại III. Hai huyện Diên Khánh, Vạn Ninh sẽ trở thành đô thị loại IV. Còn các huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và huyện đảo Trường Sa đều trở thành đô thị loại V.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa, Khánh Hòa là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam, giáp với tỉnh Phú Yên về hướng Bắc, tỉnh Đắk Lắk về hướng Tây Bắc, tỉnh Lâm Đồng về hướng Tây Nam, tỉnh Ninh Thuận về hướng Nam và Biển Đông về hướng Đông; có mũi Hòn Ðôi trên bán đảo Hòn Gốm huyện Vạn Ninh, là điểm cực Ðông trên đất liền của nước ta.

Diện tích tự nhiên của Khánh Hòa, cả trên đất liền và hơn 200 đảo và quần đảo là 5.197 km2. Bờ biển dài 385 km với nhiều cửa lạch, đầm, vịnh, nhiều đảo và vùng biển rộng lớn. Ðặc biệt, Khánh Hòa có Trường Sa là huyện đảo, nơi có vị trí kinh tế, an ninh quốc phòng trọng yếu.

Khánh Hòa có bờ biển dài và nhiều hòn đảo lớn nhỏ cùng nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh... Tỉnh này còn có khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình 26⁰C, có hơn 300 ngày nắng trong năm và nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng khác.

Bên cạnh đó, Khánh Hòa còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, đặc biệt tài nguyên biển có nhiều loại hải sản quý hiếm có thể khai thác, nuôi trồng, chế biến xuất khẩu với khối lượng lớn, có yến sào, là nguồn nguyên liệu đặc biệt để xuất khẩu và bào chế các sản phẩm bổ dưỡng quý hiếm cho con người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại