Tỉnh sát vách Hà Nội tăng trưởng kinh tế cao gấp 2 lần bình quân cả nước, GRDP đạt gần 210.000 tỷ

Pha Lê |

Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế xã hội của tỉnh đặt ra trong năm 2024 đều đã được hoàn thành.

Bắc Giang hoàn thành nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội

Mới đây, đồng chí Mai Sơn - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã chủ trì hội nghị thường kỳ UBND tỉnh tháng 11/2024.

Theo thông tin từ hội nghị, năm 2024, trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức, song tình hình kinh tế của tỉnh tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cả năm ước đạt 13,87% (gấp gần 2 lần bình quân chung cả nước - ước đạt gần 7%), nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Có 15/18 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch.

Quy mô GRDP không ngừng mở rộng, đạt 209,15 nghìn tỷ đồng, vượt 0,2% kế hoạch. Với quy mô này, Bắc Giang đứng đầu khu vực Trung du miền núi phía Bắc. GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 4.400 USD, tăng 11,4%, bằng 98% kế hoạch. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực.

Chỉ số sản xuất (IIP) cả năm tăng 30,0%. Giá trị sản xuất (GTSX) đạt trên 705.200 tỷ đồng, vượt 5,9% kế hoạch. GTSX nông, lâm nghiệp và thủy sản toàn ngành ước giảm 4,4%. Các hoạt động dịch vụ phục hồi và phát triển mạnh mẽ, GTSX toàn ngành ước tăng 11,6%, đạt trên 63.510 tỷ đồng.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả năm đạt 64.000 tỷ đồng, tăng 13,3% so với năm 2023. Tổng giá trị xuất, nhập khẩu ước đạt 60 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2023, riêng xuất khẩu đạt 33 tỷ USD tăng 20,4%.

Công nghiệp là ngành kinh tế có nhiều tiềm năng của tỉnh. Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) được đặc biệt quan tâm, trong năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư 2 KCN mới và 2 KCN mở rộng nâng tổng số KCN của tỉnh đến nay là 10 KCN với diện tích 2.464,04ha.

Các KCN hầu hết tập trung ở thị xã Việt Yên, các huyện Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lạng Giang... Ngoài các KCN trên, hiện nay tỉnh Bắc Giang dự kiến quy hoạch một số khu, cụm công nghiệp khác, tập trung ở thị xã Việt Yên và các huyện Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lạng Giang... Mục tiêu đến 2030 tỉnh có 27 KCN diện tích khoảng 9.000 ha và 69 CCN diện tích gần 3.000 ha.

Về thu hút vốn đầu tư, tháng 10/2024, tỉnh Bắc Giang thu hút được 125,75 triệu USD tổng vốn đầu tư quy đổi, bằng 78,1% cùng kỳ. Trong đó, cấp mới 9 dự án FDI vốn đăng ký 91,98 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn 3 dự án trong nước và 7 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn bổ sung lần lượt là 116 tỷ đồng và 29,13 triệu USD.

Lũy kế 10 tháng đầu năm, tỉnh thu hút đạt trên 1,8 tỷ USD, bằng 81,8% cùng kỳ; trong đó cấp mới 21 dự án DDI với số vốn đăng ký 12.900,7 tỷ đồng, gấp 2,3 lần; 63 dự án FDI với số vốn đăng ký 459,18 triệu USD, bằng 30,5% cùng kỳ.

Trong năm, tỉnh đã tạo việc làm mới cho hơn 33.150 lao động, vượt 2,9% kế hoạch; cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch mạnh theo hướng hiện đại. Chất lượng nguồn nhân lực từng bước được cải thiện. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78%, tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp văn bằng, chứng chỉ đạt 34%, đạt 100% kế hoạch...

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tỉnh vẫn còn tồn tại những vấn đề cần được giải quyết. Năm 2024 tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh không đạt mục tiêu đề ra. Kinh tế tăng trưởng cao song chưa bền vững; sản xuất công nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; công tác thu hút đầu tư tiếp tục giảm so cùng kỳ.

Công tác đầu tư công còn chậm, công tác giải ngân gặp nhiều khó khăn; sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng thời tiết, thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề, làm giảm sản lượng các sản phẩm nông nghiệp cũng như thu nhập của người nông dân và mục tiêu tăng trưởng năm 2024 của ngành; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn xảy ra sai phạm.

Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại

Bắc Giang thuộc khu vực Đông Bắc Việt Nam, nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (thuộc Hành lang xuyên Á Nam Ninh - Singapore), tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên; liền kề "Tam giác kinh tế phát triển" Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước được phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, đến năm 2030 Bắc Giang đặt ra mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Bắc Giang trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng; dịch vụ phát triển đa dạng có bước đột phá.

Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc; Toàn Bắc Giang sẽ hình thành 29 đô thị. Trong đó có 1 đô thị loại I (thành phố Bắc Giang), 4 đô thị loại IV, 26 thị trấn là đô thị loại V. Quy hoạch 23 khu đô thị - dịch vụ gắn với quy hoạch các khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, thể thao.

Về kinh tế, phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 15 - 16%. Cơ cấu kinh tế năm 2030 với ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 66 - 67% (công nghiệp chiếm 60%); ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 6 - 7%; ngành dịch vụ chiếm 24 - 25% và thuế sản phẩm 2-3%. GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 9.800 USD (giá hiện hành).

Đến năm 2050, Bắc Giang là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững. Phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sinh thái, tổ chức sản xuất với các khu, cụm công nghiệp tập trung, chuyên nghiệp; dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại, tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế; nông nghiệp sạch, chất lượng, hiệu quả. Tổ chức không gian phát triển khoa học; hệ thống đô thị hiện đại, thông minh; khu vực nông thôn phát triển hài hòa; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại