Nghệ An là tỉnh rộng nhất Việt Nam với một thành phố, 3 thị xã và 17 huyện. Với dân số 3,41 triệu người (số liệu năm 2021), tỉnh này đứng thứ 4 trong các tỉnh đông dân nhất cả nước (chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Thanh Hoá). Hiện tỉnh có 47 dân tộc cùng chung sống.
Trong tỉnh Nghệ An có Cửa Lò - thị xã nhỏ nhất Việt Nam với 29 km2. Sắp tới, thị xã vùng biển sẽ cùng 6 xã của huyện Nghi Lộc được sáp nhập vào thành phố Vinh, giúp thành phố này mở rộng diện tích lên gấp 2 lần.
Để nối thành phố Vinh với Cửa Lò, tạo điều kiện phát triển kinh tế sau sáp nhập, Nghệ An đầu tư 2.800 tỷ đồng làm con đường dài 10,8 km. Đây là đại lộ 8 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/h. Mặt đường rộng 95m, có nơi được mở rộng lên đến 160m.
Nghệ An có mức thu nhập bình quân là 3,095 triệu đồng/người/tháng, đứng thứ 45 trên 63 tỉnh, thành nhưng lại thuộc top 5 tỉnh có tỷ lệ người mua xe cao nhất (số liệu năm 2021). Theo Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Nghệ An, đến tháng 1/2023 toàn tỉnh đang quản lý 171.588 xe ô tô các loại. Như vậy, trung bình cứ 20 người Nghệ An thì có một người sở hữu ô tô. Trong ảnh là một cảnh ùn tắc ô tô vào giờ tan tầm ở thành phố Vinh.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí cuối năm 2022, Chủ tịch UBND thành phố Vinh Trần Ngọc Tú nhận định nguyên nhân chính gây ra tình trạng ùn tắc giao thông là do tốc độ mua sắm ô tô của người dân thành phố. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng như đường sá chật hẹp, thiếu bãi đỗ xe càng khiến việc ùn tắc trở nên rõ ràng hơn.
Để giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông, thời gian qua UBND tỉnh Nghệ An đã không cho xây dựng thêm các khu chung cư ở khu vực trung tâm thành phố Vinh. Vì thế, giá nhà ở khu vực trung tâm tăng khá cao. Giá chung cư dự án Vinhomes khu B Quang Trung hiện ở mức 26 triệu đồng/m2. Còn giá shophouse dao động từ 200 triệu đồng đến 400 triệu đồng mỗi m2.
Nhiều dự án bất động sản rộng từ vài chục đến hàng trăm ha, được xây dựng ở các vùng ven thành phố Vinh như Vinh Riverside, khu đô thị và nhà ở xã hội Hưng Hoà… Trong ảnh là biệt thự tại dự án Vinh Heritage, có giá từ 40 - 50 triệu đồng/m2.
Trong những năm qua, Nghệ An có tốc độ phát triển kinh tế khá cao. Giai đoạn 2016-2020 là 7,2%, năm 2022 là 9,08%. Thu ngân sách năm 2022 là 20.370 tỷ đồng, vượt 35,6% so với dự toán điều chỉnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,49 tỷ USD. Quy mô nền kinh tế của tỉnh đứng thứ 12 cả nước.
Về cơ cấu kinh tế năm 2022, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 30,39%; khu vực dịch vụ chiếm 41,80%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 23,03%.
Nhờ mở cửa lại du lịch, đón khách quốc tế và tổ chức các chương trình kích cầu, năm 2022 Nghệ An đã đón 6,79 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú ước đạt 4,45 triệu lượt. Doanh thu du lịch ước đạt 5.670 tỷ đồng, gấp 4,08 lần so với năm 2021. Trong ảnh là bờ biển của thị xã Cửa Lò.
Là tỉnh rộng nhất Việt Nam nên khoảng cách đi từ thành phố Vinh đến huyện xa nhất (Kỳ Sơn) lên đến hơn 200 km. Trong những năm gần đây, kinh tế của của khu vực phía Tây Nghệ An dần khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2013 - 2019 ước đạt 7,3%. Doanh thu du lịch tăng 2,2 lần trong giai đoạn 2015-2019. Trong ảnh là Mường Lống (Kỳ Sơn), địa điểm săn mây thu hút giới trẻ trong vài năm gần đây.
Miền Tây Nghệ An cũng được đầu tư một số dự án lớn. Tiêu biểu là hồ Bản Mồng (Quỳ Hợp) có tổng mức đầu tư 3.700 tỷ đồng, phục vụ tưới tiêu cho 188 km2 đất nông nghiệp của 5 hyện, thị. Thân đập chính bằng bê tông dài 221m, cao 45 m, có nhà máy thuỷ điện công suất 45 MW.