Các tình nguyện viên Mỹ của tổ chức Peace Corps trong lễ tuyên thệ - Ảnh: THANH HIỀN
"Tôi xin hứa sẽ chia sẻ văn hóa đất nước mình với một trái tim và tâm hồn cởi mở. Tôi xin hứa sẽ bồi dưỡng những hiểu biết về con người Việt Nam với tinh thần đổi mới, sự nhạy cảm và tôn trọng văn hóa", các tình nguyện viên đồng loạt tuyên thệ dưới sự dẫn dắt của bà Carol Spahn - người vừa được bổ nhiệm là tổng giám đốc thứ 21 của Chương trình Hòa bình (Peace Corps).
Chín tình nguyện viên ra mắt trong trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam, thể hiện "sự tôn trọng sâu sắc với ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam", gây ấn tượng mạnh với những người tham dự sự kiện.
Họ đều đã tốt nghiệp đại học và trải qua khóa đào tạo 10 tuần về ngôn ngữ, văn hóa, chính sách, hệ thống giáo dục và các kỹ năng giảng dạy tiếng Anh, sau đó sẽ được phân công về chín trường trung học phổ thông tại Hà Nội. Họ cũng sẽ trực tiếp sinh sống tại địa bàn cùng những hộ gia đình người Việt để học hỏi và hòa nhập với văn hóa Việt Nam.
Đại diện nhóm tình nguyện viên đầu tiên của chương trình phát biểu đầy xúc động, rành rọt bằng tiếng Việt, sau khi thực hiện lễ tuyên thệ: "Chúng tôi sẽ tiếp tục học ngôn ngữ và văn hóa. Chúng tôi là giáo viên tiếng Anh nhưng cũng là học trò trên đất nước Việt Nam".
Phát biểu tại lễ tuyên thệ, ông Nguyễn Tiến Dũng - phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế của Bộ Giáo dục và Đào tạo - khẳng định ưu tiên của giáo dục Việt Nam là tiếng Anh, vì vậy ông hoan nghênh tinh thần và ý nghĩa của Peace Corps tại Việt Nam.
"Sự hợp tác ở quy mô nhỏ nhưng mang ý nghĩa rất lớn với giáo dục Việt Nam", ông Dũng chia sẻ.
Kết thúc lễ tuyên thệ, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hưng và bà Carol Spahn cùng thực hiện nghi lễ đánh cồng chiêng.
Trả lời Tuổi Trẻ Online tại buổi gặp gỡ báo chí sau đó, bà Carol Spahn cho biết nhóm tình nguyện viên sẽ đồng giảng dạy với các giáo viên Việt Nam, tuân thủ giáo trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
"Đồng thời sẽ có những phương pháp giảng dạy mới được đưa vào. Họ sẽ chú trọng việc dạy phát âm, giúp học sinh phân biệt sự khác biệt giữa tiếng Anh - Anh và Anh - Mỹ. Nhưng quan trọng nhất là gia tăng tương tác và tăng cường sự tham gia của học sinh theo nhiều cách khác nhau, làm sao để tiếng Anh có thể thực sự đi vào đời sống".
Bà Spahn một lần nữa khẳng định sứ mệnh xuyên suốt của Peace Corps là thúc đẩy hòa bình và tình hữu nghị giữa các quốc gia. Với tinh thần đó, trong năm 2023, chương trình sẽ tiếp đón thêm 20 tình nguyện viên và mở rộng hoạt động giảng dạy tại Hà Nội và TP.HCM.
Chương trình Hòa Bình (Peace Corps) ra đời tại Mỹ năm 1961, đến nay đã có lịch sử hơn 60 năm, có mạng lưới hơn 240.000 người đã và đang là tình nguyện viên trên toàn thế giới.
Ngày 27-10-2022, nhóm tình nguyện viên Peace Corps đầu tiên tới Việt Nam với trọng tâm là giảng dạy tiếng Anh theo hiệp định thực thi được ký kết vào năm 2020 giữa hai chính phủ Việt Nam và Mỹ.