Tính năng đặc biệt của tiêm kích Su-30MK2 Việt Nam: "Độc nhất vô nhị" - Tinh hoa công nghệ

Trà Khánh |

Để sử dụng được tính năng hết sức đặc biệt này, các phi công tiêm kích Su-30MK2 Việt Nam phải có kỹ năng thực sự điêu luyện và phối hợp với nhau nhịp nhàng.

Lấy chiến đấu cơ tiếp dầu cho chiến đấu cơ

Hầu hết những người đam mê công nghệ hàng không dân sự lẫn quân sự đều biết rằng để tăng tầm tác chiến cho các chiến đấu cơ không quân các nước thường sử dụng tới các máy bay tiếp dầu trên không, đây cũng gần như cách phổ biến nhất. Tuy nhiên, vẫn còn một cách khác.

Cụ thể, bên cạnh việc sử dụng máy bay tiếp dầu một số quốc gia cường quốc về công nghệ hàng không như Nga, Mỹ và Trung Quốc còn phát triển cả khí tài mở rộng cho phép các chiến đấu cơ tiếp cho nhau trên không.

Tính năng đặc biệt của tiêm kích Su-30MK2 Việt Nam: Độc nhất vô nhị - Tinh hoa công nghệ - Ảnh 1.

Máy bay Su-30MKI của Ấn Độ tiếp dầu cho nhau trên không.

Trong đó, đi đầu trong công nghệ này chính là Liên Xô hay Nga sau này, khi hầu hết các máy bay chiến đấu của MiG hoặc Sukhoi đều được thiết kế để mang theo khí tài mở rộng nói trên với tên mã là – UPAZ.

Dĩ nhiên, những chiếc Sukhoi Su-30MK2 của Không quân Nhân dân Việt Nam cũng được thiết kế để mang theo UPAZ, ngoài ra chúng cũng được trang bị cần tiếp dầu trên không. Đây cũng là một trong các tính năng kỹ thuật không thể thiếu trên các dòng máy bay chiến đấu thế hệ 4 và 4++ Nga.

Cũng cần nhắc lại rằng, Su-30MK2 là dòng chiến đấu cơ duy nhất của Việt Nam được trang bị cần tiếp dầu trên không.

Trong khi chưa được trang bị máy bay tiếp dầu trên không thì Không quân Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng Su-30MK2 với UPAZ để tiếp tiếp dầu trên không cho chiếc Su-30MK2 khác trong những tình huống đặc biệt.

Tính năng đặc biệt của tiêm kích Su-30MK2 Việt Nam: Độc nhất vô nhị - Tinh hoa công nghệ - Ảnh 3.

Máy bay Su-30MK2 của Việt Nam trong một nhiệm vụ bay. Ảnh: Quân đội Nhân dân.

Giả định trong một tình huống bất ngờ trên không, một số chiếc Su-30MK2 không đủ nhiên liệu để quay trở lại căn cứ hay hạ cánh xuống sân bay gần nhất, thì một chiếc Su-30MK2 ở vị trí gần nhất hoàn toàn có thể lập tức xuất kích bay tiếp dầu cho đồng đội với khí tài UPAZ.

Tuy nhiên, để thực hiện được nhiệm vụ này lại đòi hỏi người phi công phải có kinh nghiệm cũng như kỹ năng điều khiển máy bay tốt, bởi tiếp dầu trên không luôn là một thử thách lớn đối với bất kỳ phi công chiến đấu nào trên thế giới, kể cả ở Mỹ hay Nga.

Điển hình như trong một nhiệm vụ hỗ trợ trên không cho phi đội Su-30SM của Không quân Nga với máy bay tiếp dầu Il-78. Các phi công Su-30SM phải điều khiển máy bay phối hợp một cách nhịp nhàng với máy bay Il-78 trong khi vẫn duy trì tốc độ 500-600 km/giờ ở độ cao 5.000m trong suốt thời gian tiếp dầu.

Tính năng đặc biệt của tiêm kích Su-30MK2 Việt Nam: Độc nhất vô nhị - Tinh hoa công nghệ - Ảnh 4.

Một pha tiếp dầu trên không giữa tiêm kích Su-30SM và máy bay IL-78 của Không quân Nga. Ảnh: RT.

Cũng cần phải lưu ý là quá trình kết nối cần tiếp dầu từ chiến đấu cơ vào phễu bơm dầu của máy bay tiếp dầu diễn ra hoàn toàn thủ công dựa trên sự phối hợp của phi công với nhân viên kỹ thuật hàng không. Máy móc chỉ giúp một phần nhỏ trong quá trình này.

Các yêu cầu kỹ thuật này cũng không ngoại lệ với những chiếc Su-30MK2 của Việt Nam, khi các phi công chiến đấu của chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ tiếp dầu cho trên không. Tuy nhiên, có lẽ ở Việt Nam các phi công của chúng ta dường như chưa thử nghiệm tính năng này do chưa thực sự cần thiết.

Đối với các phi công chiến đấu kỳ cựu trên thế giới tiếp dầu trên không gần như là một nhiệm vụ mà họ phải thực hiện hàng ngày và đây cũng là thử thách quan trọng giúp họ chứng minh khả năng làm chủ máy bay của mình.

Giải mã khí tài giúp chiến đấu cơ Nga tiếp dầu cho nhau

Về cơ bản khí tài tiếp dầu của các dòng chiến đấu cơ Nga thường được bố trí ở bụng máy bay, đây cũng là một trong những vị trí máy bay có thể gắn các pod dầu mở rộng (ngoài ra có thể gắn ở hai bên cánh). Hiện tại, Không quân Nga đang sử dụng chủ yếu các mẫu khí tài tiếp dầu như UPAZ, UPAZ-1 và PAZ-MK.

Các mẫu khí tài UPAZ, UPAZ-1 và PAZ-MK có thể được tích hợp lên trên nhiều mẫu chiến đấu cơ khác nhau do Nga chế tạo, thậm chí là cả máy bay tiếp dầu chuyên dụng. Điều khá đặc biệt là, các khí tài này còn có thể tiếp dầu cho cả các máy bay chiến đấu NATO.

Tính năng đặc biệt của tiêm kích Su-30MK2 Việt Nam: Độc nhất vô nhị - Tinh hoa công nghệ - Ảnh 6.

Máy bay Su-27K của Không quân Nga thử nghiệm bộ khí tài tiếp dầu UPAZ-1 cho một chiếc Su-30. Ảnh: ausairpower.net.

Trong số khí tài tiếp dầu trên chỉ có duy nhất PAZ-MK dành riêng cho các máy bay MiG-29K, còn UPAZ và UPAZ-1 có thể được tích hợp lên trên Su-27, Su-30, MiG-29 và MiG-35. Hiện vẫn chưa rõ Sukhoi Su-57 có thể mang theo khí tài này hay không.

Về khả năng tiếp nhiêu liệu, bộ khí tài UPAZ và UPAZ-1 có tốc độ truyền dầu tối đa lên đến 2,900 lít/phút hoặc với tốc độ trung bình 1,600 lít/phút. Mặc dù có kích khá nhỏ (không lớn hơn các thùng dầu phụ) thế nhưng UPAZ có thể triển khai hệ thống dây tiếp dầu dài từ 26-28m.

Theo các tài liệu khai thác từ hãng Sukhoi, máy bay tiêm kích Su-27SK và Su-30MK2 có thể mang theo tối đa 9,400 kg nhiên liệu phản lực (12,000 lít dầu). Số lượng dầu có thể tăng thêm nếu chúng mang thêm 2 thùng dầu phụ đeo dưới cánh loại PTB-2000 (mỗi thùng có dung tích 2,150 lít dầu).

Như vậy, một chiếc Su-30MK2 không trang bị đầy tải vũ khí hoàn toàn có thể mang theo tối đa gần 16,000 lít dầu. Và chỉ cần một nửa số dầu này, một chiếc Su-30MK2 đã có thể hoạt động thêm hơn 4 giờ trên không với tầm hoạt động lên đến hơn 3.000km.

Tính năng đặc biệt của tiêm kích Su-30MK2 Việt Nam: Độc nhất vô nhị - Tinh hoa công nghệ - Ảnh 7.

Trong vòng khoanh đỏ là vòi tiếp dầu trên máy bay Su-30MK2 (số hiệu 8589) của Không quân Việt Nam. Ảnh: QPVN.

Với bộ khí tài UPAZ quá trình tiếp dầu giữa những chiếc Su-30MK2 chỉ diễn ra trong vòng từ 2-3 phút kể từ khi kết nối thành công.

Về phương diện kỹ thuật, quy trình tiếp dầu từ chiến đấu cơ sang chiến đấu cơ đã được Nga và nhiều nước trên thế giới hoàn thiện. Trong đó, quá trình thử nghiệm bộ khí tài UPAZ đều được tiến hành trên những chiếc Su-27 và Su-30, cá biệt có trường hợp Ấn Độ thử nghiệm tiếp dầu với UPAZ từ Su-30MKI sang tiêm kích Mirage 2000 (do Pháp chế tạo).

Từ một số ví dụ trên có thể thấy, Su-30MK2 của Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được nhiệm vụ tiếp dầu cho những chiếc Su-30MK2 khác trong cùng phi đội. Dù vậy, để có thể mang theo các bộ khí tài UPAZ và UPAZ-1, Su-27SK hoặc Su-30MK2 của Việt Nam phải trải qua quá trình nâng cấp nhỏ.

Về cơ bản quá trình nâng cấp sẽ đưa các ống dẫn dầu từ thùng chứa tới các điểm treo thùng dầu phụ ở hai cánh và thiết bị tiếp dầu trên không ở dưới bụng máy bay. Riêng với Su-27SK nó phải thay càng đáp chính loại KN-41 đi kèm lốp 017A nếu muốn thực hiện nhiệm vụ tiếp dầu trên không.

Mặc dù, có thể sử dụng Su-27SK hay Su-30MK2 cho nhiệm vụ tiếp dầu trên không bằng bộ khí tài mở rộng UPAZ thế nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế trước mắt. Nếu Không quân Việt Nam muốn phát huy tối đa sức mạnh của các phi đội Su-30MK2 thì việc đầu tư và sớm đưa vào trang bị các máy tiếp dầu là cần thiết.

Với một máy bay tiếp dầu chuyên dụng, không quân của ta không chỉ có thể thực hiện hỗ trợ trên không cho chỉ một mà nhiều chiến đấu cơ, từ đó giúp lực lượng này có thể bảo vệ tốt mọi vùng trời và biển đảo của tổ quốc bất cứ lúc nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại