Vũ khí hỗ trợ bộ binh hiệu quả
Từ năm 1971, súng phóng lựu liên thanh AGS-17 bắt đầu xuất hiện trong biên chế quân đội Liên Xô. Nhờ khối lượng nhẹ chỉ 31kg, tốc độ bắn lý thuyết lên tới 400 phát/phút và bắn lựu đạn cỡ nòng 30mm nổ văng mảnh, AGS-17 nhanh chóng được binh sĩ tin dùng vì tính hiệu quả khi áp chế bộ binh, vô hiệu hóa hỏa điểm và các phương tiện bọc thép nhẹ.
AGS-17 được thiết kế để bắn cầu vồng qua vật cản và các mục tiêu ở độ cao lớn hơn vị trí đặt súng, khiến súng trở thành một trong những vũ khí hiệu quả nhất của Liên Xô (Nga) tại chiến trường đồi núi Afghanistan và Chechnya. Từ khi được đưa vào trang bị, AGS-17 là vũ khí không thể thiếu trong các ụ súng, trên xe cơ giới và cả trên trực thăng.
Súng phóng lựu liên thanh AGS-40 khai hỏa. Ảnh RIA Novosti
Cho đến nay, AGS-17 vẫn được sử dụng rộng rãi trong quân đội Nga cũng như hàng chục quốc gia khác. Phiên bản cải tiến sâu AGS-30 của súng có khối lượng chỉ 16kg, đủ nhẹ để một người lính mang vác.
Mặc dù vậy, súng có nhược điểm ở đầu đạn cỡ 30mm thiếu sức công phá, lực giật lớn khiến độ tản mát khi bắn cao. Để chống lại độ giật, xạ thủ phải cố định giá ba chân của súng bằng bao cát hoặc ghìm súng bằng cách "tì" thân mình lên tay cầm của bộ cò.
Để khắc phục những nhược điểm trên, kể từ năm 1980 thiết kế súng phóng lựu liên thanh TKB-0314, tiền thân của AGS-40 đã ra đời nhưng do sự sụp đổ của Liên Xô, dự án bị đình trệ đến cuối những năm 1990 và hoàn thiện vào năm 2017.
Những cải tiến từ phức tạp đến đơn giản
So với tiền nhiệm AGS-17, AGS-40 có khối lượng 46kg do sử dụng cỡ đạn lớn và uy lực hơn. Súng bắn lựu đạn 7P39 cỡ nòng 40mm không vỏ đạn, được thiết kế dựa trên lựu đạn VOG-25 của họ súng phóng lựu kẹp nòng GP gắn trên tiểu liên AK.
Lựu đạn không vỏ có lợi thế chi phí thấp hơn do vỏ đạn không thể tái sử dụng, đồng thời súng có cấu tạo đơn giản hơn do không cần cơ chế hất vỏ đạn thường thấy. So với lựu đạn có vỏ cỡ 30mm cũ, đạn 7P39 có đầu nổ lớn hơn và thuốc phóng nhiều hơn, giúp AGS-40 có tầm bắn tối đa lên đến 2500m.
Xạ thủ quan sát mục tiêu và điều chỉnh đường ngắm thông qua kính ngắm PAG-17 và thước ngắm cơ khí dự phòng. Súng được trang bị kính ngắm đêm.
Điểm độc đáo của AGS-40 đến từ một cải tiến tưởng như không thể đơn giản hơn, đó là một băng ghế có thể tháo rời được gắn lên giá ba chân của súng làm chỗ ngồi cho xạ thủ.
Nhờ sáng kiến rất "dễ chịu" này, xạ thủ vẫn có thể ghìm súng khi bắn bằng khối lượng cơ thể, giúp giảm độ giật mà không cần sử dụng vật nặng như bao cát.
Ngoài ra, do không phải dùng thân mình để "chế ngự" khẩu súng phóng lựu trong tư thế dễ gây mỏi mệt như yếu lĩnh bắn AGS-17 hoặc AGS-30, xạ thủ cảm thấy dễ chịu hơn, duy trì hỏa lực lâu hơn và cần ít không gian hơn để tác xạ.
Băng ghế này là ý tưởng đúc rút ra từ kinh nghiệm tác chiến vùng đồi núi, đặc biệt tại Afghanistan. Do thường xuyên phải đối mặt với kẻ địch tấn công từ các vị trí cao trên triền núi, binh sĩ Liên Xô sử dụng rộng rãi trọng liên NSV cỡ nòng 12,7mm và KPV cỡ 14,5mm để đối phó.
Trọng liên được đặt trên giá súng chuyên dụng cho phòng không tầm thấp, có góc nâng nòng cao và chỗ ngồi cho xạ thủ, dùng khối lượng cơ thể để giúp giảm phần nào độ rung của giá súng khi bắn.
Tự động hóa
Tương tự như các tiền nhiệm, AGS-40 có thể được gắn lên tháp pháo các loại xe thiết giáp, ụ súng trên xe cơ giới, cửa trực thăng hoặc trên giá súng gắn ngoài cánh trực thăng vũ trang.
Bước sang thế kỷ 21, sự phát triển ngày càng nhanh của các phương tiện chiến đấu không người lái như robot, ụ súng điều khiển từ xa và tháp pháo không người, súng phóng lựu liên thanh trở thành một trong những vũ khí chống bộ binh hiệu quả nhất do có tầm bắn xa, duy trì khả năng chế áp lâu và diện tích sát thương rộng hơn súng máy.
Tháng 2-2016, tập đoàn Kalashnikov cho ra mắt ụ súng điều khiển từ xa MBDU, trong đó AGS-40 là một trong số 5 cấu hình vũ khí có thể lắp đặt trên tháp pháo này. MBDU cho phép xạ thủ có thể tác xạ vũ khí bằng tay trong trường hợp thiết bị trục trặc hoặc nguồn điện bị cắt đứt.