Tình “mẹ con” Thanh Hương - Tú Chinh

Khương Xuân |

Giải điền kinh VĐQG 2016 kết thúc cuối tuần qua tại sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội) đã ghi dấu ấn khi “nữ hoàng tốc độ” 19 tuổi Lê Tú Chinh giành 2 HCV cá nhân cự ly 100m, 200m, đồng thời góp sức vào 2 HCV nội dung tiếp sức của đoàn TP.HCM.

Mất mẹ năm lên 6 tuổi, ba một mình quần quật làm lụng nuôi ba chị em Lê Tú Chinh khôn lớn. Tám năm qua, cô bé mồ côi mẹ như đã gặp được "người mẹ thứ hai" là HLV Nguyễn Thị Thanh Hương khi theo tập điền kinh.

Cô - trò đều mồ côi mẹ

Nhiều người rất xúc động khi chứng kiến Lê Tú Chinh giành HCV cho đoàn TP.HCM ở nội dung 100m. Lý do bởi đã 21 năm trôi qua, kể từ năm 1995 khi HLV Nguyễn Thị Thanh Hương giành HCV, điền kinh TP.HCM mới có VĐV tái lập thành tích này. Vì vậy, tấm HCV dù chỉ ở giải VĐQG nhưng có ý nghĩa rất lớn với điền kinh TP.HCM và đội tuyển quốc gia.

Nó đánh dấu một chặng đường mới, một nhân tố mới xuất hiện ở nội dung 100m, 200m - cự ly được coi là "nữ hoàng của nữ hoàng" của môn điền kinh. Kể từ cuối năm 2014, sau khi "nữ hoàng tốc độ" Vũ Thị Hương giải nghệ thì điền kinh VN mới xuất hiện một nhân tố triển vọng thay thế.

Sinh năm 1997 tại TP.HCM, Lê Tú Chinh mồ côi mẹ năm 6 tuổi. Cô bé lớn lên bằng tình yêu thương, chăm sóc của cha và hai chị gái. Ba Chinh chỉ là người làm công cần mẫn kiếm tiền nuôi ba đứa con thơ.

Năm Chinh học lớp 5 tại Trường tiểu học Tuy Lý Vương (quận 8), HLV Thanh Hương đã chọn được Chinh trong một lần đến trường tìm kiếm VĐV điền kinh cho thể thao thành phố. Lúc đó Tú Chinh không biết rằng HLV của mình chính là nhà vô địch quốc gia cự ly 100m, 200m từ năm 1995 và cũng mất mẹ giống mình.

HLV Thanh Hương chia sẻ: "Thời điểm đó tôi là HLV điền kinh và được thể thao thành phố tăng cường về quận 8 hỗ trợ công việc. Tình cờ phát hiện và tuyển em đi tập điền kinh, nhưng khi đó bé Chinh chưa biết điền kinh là gì và cơ thể cũng rất gầy yếu.

Khi bắt đầu vào huấn luyện, tôi mới biết Chinh mất mẹ, vì thế càng thêm thương bé do cùng hoàn cảnh với tôi. Tôi không còn mẹ từ 13 tuổi nên nhận biết được nhiều thứ. Chinh hiền lành, ít nói, 8 năm qua hai cô trò đã đi bên nhau giống như hai mẹ con vậy".

Gia đình khó khăn nên Tú Chinh rất chăm chỉ học văn hóa và tập luyện. Thường các VĐV thể thao sau khi được tuyển chọn vào tuyến năng khiếu sẽ chuyển về ăn ở, tập luyện tại Trung tâm Thể thao thành phố nhưng Tú Chinh được tạo điều kiện để về nhà.

Như vậy thay vì phải ăn ở trung tâm, Tú Chinh đã tiết kiệm được tiền ăn mang về nhà giúp cha và các chị. Tú Chinh thậm chí cũng không học bổ túc văn hóa mà vẫn theo học văn hóa hệ chính quy ở Trường THPT Nguyễn Thị Định đến hết cấp III và luôn đạt học lực khá.

Khổ luyện để lo cho gia đình

Nhiều năm qua TP.HCM không có nhân tài ở môn điền kinh, từ khi VĐV cự ly trung bình Trương Thanh Hằng chuyển về đầu quân cho Ninh Bình rồi giải nghệ. Vì thế sự xuất hiện của Tú Chinh ở đường chạy cự ly ngắn khiến ngành thể thao thành phố như bắt được vàng.

Thế nhưng để có được thành tích hôm nay, cô trò Thanh Hương - Tú Chinh đã phải nỗ lực tập luyện gian khổ suốt 8 năm qua. Có lần Tú Chinh bị mẻ xương tay, nhưng cô chỉ nghỉ 2-3 tuần rồi ngay lập tức trở lại tập luyện. "Không có mục tiêu gì to lớn hơn là phải thi đấu để có thành tích, có tiền lo liệu cuộc sống và giúp đỡ ba" - Tú Chinh tâm sự.

Tú Chinh kể: "6g sáng tôi đi học thì 5g phải ra khu vực Dốc Cầu, quận 8 tập một tiếng chạy dốc với HLV, sau đó mới đi học. 15g học xong, tôi đến sân tập cùng HLV đến tối.

Nhờ môn điền kinh nên năm 12 tuổi tôi đã có lương 1,5 triệu đồng phụ giúp ba lo liệu cuộc sống. Sau khi có tiền lương, tôi đã gom góp mua cho gia đình mình một chiếc máy giặt để không phải giặt tay nữa".

Là VĐV tài năng của thể thao TP.HCM, hiện Tú Chinh đang có tên trong danh sách đội tuyển trẻ quốc gia. Vì thế mỗi tháng ngoài nhận được tiền công và tiền ăn ở đội trẻ quốc gia, cô được TP.HCM hỗ trợ thêm 2 triệu đồng.

Số tiền gần 10 triệu đồng/tháng Tú Chinh được HLV Thanh Hương hướng dẫn dành dụm để phụ giúp cha, dành tiền học đại học. Cô Thanh Hương không chỉ là HLV mà còn chăm sóc Tú Chinh như người mẹ thứ hai.

Ít nói và rất khiêm tốn, thế nhưng cũng có thời điểm cô gái 19 tuổi bị xao động vì những thông tin bên ngoài đường chạy, khiến vuột mất HCV trong chốc lát. HLV Thanh Hương chia sẻ trước Giải vô địch trẻ châu Á tháng 6-2016 tại TP.HCM, Tú Chinh có thành tích rất tốt.

Thế nhưng ngay khi bước vào thi 100m, Chinh thất bại vì được truyền thông quan tâm quá nhiều. Sau đó hai cô trò phải "trốn" kỹ cho đến khi thi 200m mới xuất hiện. Với thành tích 23 giây 94, Tú Chinh đã xuất sắc giành HCV cự ly 200m tại giải trẻ châu Á.

Từ đầu năm 2016 đến nay, hai cô trò đã tham dự 6 giải đấu và thành tích của Tú Chinh tiến bộ liên tục. "Tập luyện điền kinh từ khi còn quá nhỏ nên tôi cũng chưa kịp nghĩ mình sẽ làm gì nếu không trở thành VĐV. Tôi mơ ước mình sẽ thi đấu và có huy chương tại SEA Games 2017 tới. Nếu có thành tích, tôi sẽ có nhiều cơ hội để giúp đỡ ba, lo chuyện học hành" - Tú Chinh chia sẻ.

Tú Chinh sẽ sang Mỹ tập huấn

19 tuổi, cao 1,68m, nặng 56kg, Tú Chinh được đánh giá có thể hình, tốc độ phù hợp với một VĐV cự ly ngắn. Ở tuổi 19, cô đã giành nhiều HCV ở nhiều hệ thống giải như Giải điền kinh trẻ quốc gia, điền kinh trẻ châu Á, Giải học sinh Đông Nam Á, Giải VĐQG...

Tại Giải VĐQG 2016, Tú Chinh giành cả 2 HCV cự ly 100m, 200m và 2 HCV tiếp sức nữ. Đặc biệt ở cự ly sở trường 200m, Tú Chinh về nhất với thành tích 23 giây 71, tốt hơn cả thành tích cô đã giành HCV trẻ châu Á vào tháng 6 là 23 giây 94. Với thành tích này, Tú Chinh chắc chắn được gọi vào ĐTQG tham dự SEA Games 2017 tại Malaysia.

Ông Nguyễn Trung Hinh - phó chủ tịch Liên đoàn Điền kinh TP.HCM - cho biết năm 2017 Tú Chinh sẽ được đưa đi tập huấn tại Mỹ theo chương trình đào tạo VĐV tài năng của TP.HCM.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại