Khi ngồi trên bất kỳ phương tiện giao thông nào, tai nạn là điều không ai mong muốn nhưng nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu không có sự cẩn thận, tập trung cao độ. Có trẻ nhỏ ngồi trong xe thì việc đảm bảo an toàn lại càng cần thiết, thế nên hầu hết các bậc phụ huynh đều không tiếc tiền mua ghế an toàn dành cho trẻ nhỏ trên ô tô.
Vậy nhưng, mua ghế an toàn thôi là chưa đủ, bố mẹ còn phải học ti tỉ thứ kỹ năng khác để làm lá chắn tốt nhất cho con. Trường hợp hy hữu và cực kỳ may mắn của gia đình này là bài học cho nhiều phụ huynh.
Vợ chồng Rebecca Tafaro Boyer và David.
Cậu con trai nhỏ William.
Rebecca Tafaro Boyer và chồng là anh David có một cậu con trai nhỏ tên William, sinh sống tại Tennessee (Mỹ). Một ngày, David lái xe chở con trai đến một thành phố khác mà không có mẹ đi cùng.
Tuy nhiên, David luôn cập nhật hình của con trai gửi cho vợ, qua những bức ảnh người chồng gửi bằng điện thoại, Rebecca chợt nhận ra rằng chỗ ngồi của con trai mình có vấn đề: dây đai quá lỏng, không đều và kẹp ngực nằm quá thấp.
Rebecca phát hiện chồng cài dây an toàn cho con chưa đúng nên giục chồng chỉnh lại ngay lập tức.
Ngay lập tức, cô hối thúc chồng đặt con ngồi ngay ngắn trên ghế và chỉnh lại dây đai an toàn cho con, đồng thời sửa lại chiếc kẹp ngực.
Tất nhiên, David đã nghe lời vợ nhưng chính anh cũng không ngờ lời hối thúc đó đã giúp con trai anh thoát khỏi tay tử thần bởi chỉ 15 phút sau đó anh đã phải vội vã gọi cho vợ và nói rằng 2 bố con vừa gặp tai nạn xe hơi.
Vì đã được buộc đai an toàn đúng cách trên ghế ô tô nên William thậm chí còn không bị thức giấc ngay cả khi có va đập mạnh như vậy.
David ngồi ở ghế trước nên anh bị gãy ngón chân thứ 2, 3 và 4 của bàn chân phải. May mắn thay, anh sẽ không cần phẫu thuật nhưng không được phép đi bằng chân phải trong 6-8 tuần sau đó.
Rebecca chia sẻ: "Tôi từng là một y tá chuyên chăm sóc trẻ sơ sinh nuôi trong lồng ấp (NICU) vì vậy tôi biết rất nhiều điều cơ bản về ghế ngồi ô tô, nhưng để chuẩn bị tốt nhất cho sự chào đời của William, vợ chồng tôi thậm chí đã tham gia một lớp học an toàn cho trẻ em trước khi sinh thằng bé, khóa học đó bao gồm mọi thứ, từ Hồi sức tim phổi (CPR) cho đến việc đảm bảo an toàn cho trẻ khi đặt con trên ghế ngồi trong ô tô. Ngoài ra, chúng tôi đã dành một chút thời gian để đọc hướng dẫn khi mua ghế ngồi xe cho em bé".
Chiếc xe của gia đình Rebecca bị tai nạn và chân của David bị gãy 3 ngón.
Các chuyên gia cho biết nhiều bậc cha mẹ không nhận thức được mức độ nguy hiểm của việc dây an toàn bị lỏng khi đi xe. Dây đai lỏng, không đồng đều hoặc bị xoắn, kẹp ngực đặt ở vị trí không chính xác sẽ không giữ được an toàn cho người ngồi trên xe.
Làm sao để đảm bảo an toàn cho trẻ khi đi ô tô?
Nếu bạn thắt dây đai an toàn cho con quá lỏng, đứa trẻ sẽ bị ngã hoặc văng ra khỏi ghế trong trường hợp xảy ra tai nạn. Bố mẹ có thể kiểm tra xem dây đai an toàn đủ chặt chưa bằng cách gập chúng lại, nếu bạn không thể gập lại được chứng tỏ dây đã đủ độ căng.
Tuyệt đối đừng để dây đai bị xoắn lại. Nếu có tai nạn xe hơi, dây đai an toàn bị xoắn sẽ tạo áp lực nhiều lên cơ thể trẻ chứ không giữ cho chúng được an toàn.
Nếu đặt kẹp ngực quá thấp thì nó có thể tác dụng lực mạnh vào các phần mềm của cơ thể còn nếu đặt kẹp ngực quá cao thì nó có thể gây bầm tím cổ của bé. Vì vậy hãy đặt kẹp ngực ngang nách của bé.
- Điều ưu tiên nhất là phải có ghế an toàn dành cho trẻ: Khi chọn ghế ngồi cho con, cần đặc biệt chú trọng về kích thước và chủng loại. Ví dụ, có loại dành cho trẻ sơ sinh dưới 10kg, có loại dành cho trẻ từ 13-16kg, có loại dành cho trẻ dưới 18kg… bạn cần chọn cho con một loại phù hợp nhất thì trẻ mới có thể thoải mái và ngồi vững chắc, tránh va đập, rơi khi đi đường gập ghềnh. Bên cạnh đó, bạn cần lắp đặt đúng cách vào xe, buộc chặt ghế vào ô tô hết mức có thể để bảo đảm dây an toàn không bị lỏng hoặc căng quá, khi cho con ngồi ở tư thế ngay ngắn thì thắt dây an toàn cẩn thận.
- Không nên để trẻ ngồi ghế trước: Tham gia giao thông luôn có nhiều tình huống nguy hiểm phát sinh đột ngột. Chẳng hạn như tài xế phanh gấp khiến trẻ va đầu vào kính lái, táp lô theo quán tính.
- Khóa cửa xe: Tính tò mò khiến trẻ hay chú ý tới những đồ vật trước mặt. Khi xe bắt đầu di chuyển, cha mẹ nên nhớ bấm khóa, chốt cửa an toàn hoặc nhắc tài xế việc này.
- Những vật dụng nguy hiểm: Bật lửa, bao diêm, bình xịt tạo khí, dao kéo... nên cất cẩn thận.
- Không để trẻ một mình trên xe: Đây là điều rất tối kỵ vì trẻ dễ bị ngộ độc khí CO2 dẫn tới tử vong nếu ngồi lâu trong xe mà không bật điều hòa, đóng kín cửa.
(Nguồn: BS)