Như đã thông tin trước đó, sau cuộc tấn công do liên quân Mỹ - Anh - Pháp tiến hành nhằm vào các mục tiêu bị cáo buộc là cơ sở nghiên cứu và tàng trữ vũ khí hóa học trên đất Syria thì Nga đã tuyên bố sẽ sớm cung cấp hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300 cho đồng minh thân cận tại Trung Đông.
Việc Quân đội Syria nắm trong tay vũ khí phòng thủ lợi hại này sẽ gia tăng vượt bậc năng lực quốc phòng của họ, giúp Damascus có thể tung ra những đòn đánh chết chóc vào tiêm kích đối phương từ cự ly xa và độ chính xác gấp nhiều lần so với hiện tại.
Tiêm kích đa năng F-15I Ra'am của Không quân Israel
Tuy nhiên, có một vấn đề đáng chú ý đó là các tổ hợp S-300 của Syria được nhận xét không phải mối đe dọa lớn nhất đối với Không quân Mỹ hay Anh, Pháp mà lại là tiêm kích của Israel, khi Tel Aviv mới là đối tượng thường xuyên xâm nhập và thực hiện các vụ oanh kích chớp nhoáng trên lãnh thổ Syria.
Chính vì vậy, khi biết tin Nga sẽ sớm bàn giao S-300 cho Syria thì Israel đã đưa ra những phản ứng cực kỳ cứng rắn. Họ đe dọa rằng đây là giới hạn đỏ có thể khiến thỏa thuận không xâm phạm lẫn nhau ký với Nga hết hiệu lực, đồng thời cảnh báo rằng sẽ tấn công tiêu diệt S-300 của Syria ngay từ trong trứng nước.
Quyết tâm của Israel rõ ràng rất lớn, thực tế cũng chứng minh rằng họ không phải là người hay nói chơi, cho nên nếu thực sự S-300 đã được Nga đưa đến Syria trên những con tàu vận tải vừa cập cảng Tartus thì họ sẽ phải cực kỳ cẩn trọng trước đòn tấn công phủ đầu của Không quân Israel.
S-300 của Syria sẽ tạo ra mối đe dọa lớn đối với Không quân Israel
S-300, tuy rằng tính năng rất tiên tiến nhưng nó cũng đồng thời là một tổ hợp vô cùng phức tạp, yêu cầu người vận hành phải có trình độ nhất định và đã có một thời gian dài thực hành làm quen mới đủ sức khai thác hết tác dụng của nó.
Để làm chủ hoàn toàn S-300, ước tính sẽ phải mất hàng năm trời huấn luyện với cường độ cao thì kíp trắc thủ mới thành thục. Trong lúc đó, S-300 rất dễ từ vị trí "thợ săn" bị đổi thành "con mồi", nhất là khi nó khá cồng kềnh với nhiều thành phần (xe mang phóng, xe radar cảnh giới, xe radar hỏa lực...) khó ngụy trang.
Rất có thể với tiến độ bàn giao cấp tốc như hiện nay, trong giai đoạn đầu, lính Nga và lính Syria sẽ phải phối hợp làm việc để rút ngắn quá trình chuyển giao công nghệ.
Tuy nhiên, quân nhân Nga chắc sẽ không tham gia tác chiến vì họ chẳng dại gì đối đầu trực tiếp với một đối thủ hùng mạnh và thiện chiến như Israel.
Do vậy, khi cố vấn quân sự Nga chưa kết thúc vai trò "thầy giáo" dạy cách khai thác S-300 cho kíp trắc thủ Syria thì tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa này có lẽ sẽ phải tạm đi lánh nạn, tránh để tiêm kích Israel phát hiện. Ít nhất cũng phải cho tới khi S-300 đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu thì tình huống trớ trêu trên mới sớm chấm dứt.
Chỉ huy Không quân Israel trong lần đầu tiên điều khiển tiêm kích tàng hình F-35I Adir