Nga thử UAV cảm tử ở Syria
RT đưa tin, các máy bay không người lái (UAV) tấn công Kalashnikov đã được quân đội Nga thử nghiệm trong quá trình chiến đấu ở Syria.
Người đứng đầu Tập đoàn Rostec là ông Sergey Chemezov chia sẻ với các phóng viên rằng, UAV Kalashnikov đã chứng minh được hiệu quả hoạt động. Theo đó, ngoài các máy bay trinh sát, Bộ Quốc phòng Nga sẽ đưa thêm dàn UAV vào biên chế.
UAV tấn công Kalashnikov là loại máy bay quân sự mới được quân đội Nga thử nghiệm. UAV này từng tham gia các vụ tấn công vào mục tiêu thù địch trong lãnh thổ Syria.
Hồi năm ngoái, nhà máy Kalashnikov cũng đã cho trưng bày các UAV Kub-BLA và Lancet. Theo thiết kế, hai loại UAV này hoạt động theo cơ chế điều khiển từ xa để xông trận và sau đó phát nổ khi tiếp cận được mục tiêu.
Trong đó, UAV Kub-BLA mang theo khối thiết bị nặng khoảng 3 kg và có thể hoạt động trong vòng 30 phút ở vận tốc 80 – 130 km/h. UAV Kub-BLA có khả năng tấn công mục tiêu ở mọi địa hình.
Còn UAV Lancet có 2 phiên bản. Phiên bản Lancet 1 nặng 5 kg và chở theo thiết bị nặng 1 kg, cũng như tấn công các mục tiêu trong bán kính 40 km. Trong khi đó, Lancet 3 mang theo số hàng hóa nặng 3 kg. Tổng trọng lượng của UAV Lancet 3 là 12 kg.
Nhà máy Kalashnikov cho biết, không giống như UAV Kub-BLA, UAV Lancet là “vũ khí đa năng cỡ nhỏ có khả năng tìm kiếm và tấn công mục tiêu đã định một cách độc lập”. Ngoài ra, UAV Lancet không phụ thuộc vào khả năng định vị của vệ tinh, do đó nó có thể phối hợp với các nguồn thông tin khác để xác định vị trí và tấn công mọi mục tiêu từ trên không, trên đất và dưới nước mà không cần xây hoặc lắp đặt thêm cơ sở hạ tầng hỗ trợ.
Đáng nói, theo ông Chemezov, một số UAV khác cũng đã được thử nghiệm ở Nga.
“Nếu nói về các UAV cỡ trung, chúng ta có thể đề cập tới UAV Corsar, loại UAV có thể mang theo nhiều loại vũ khí. Những UAV này đã được ra mắt trong lễ duyệt binh và tại triển lãm Jeremiah. Bên cạnh đó, một số mẫu UAV đang trải qua quá trình thử nghiệm hoạt động", ông Chemezov nói.
Thổ Nhĩ Kỳ hoàn thành rút quân gần Aleppo
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn thành quá trình rút quân khỏi chốt quan sát đang bị quân chính phủ Syria bao vây suốt 10 tháng qua ở khu vực Rashideen 5, phía tây thành phố Aleppo.
Báo cáo từ Aleppo cho biết, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phá hủy hàng loạt đường hầm và pháo đài từng xây dựng ở chốt quan sát Rashideen 5.
Vào ngày 8/12, dưới sự hộ tống của các xe bọc thép thuộc lực lượng cảnh sát quân sự Nga, khoảng 20 xe tải cỡ lớn đã tiến vào chốt quan sát Rashideen 5 của Thổ Nhĩ Kỳ để vận chuyển số thiết bị quân sự còn lại trong khu vực.
Sau đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đưa số thiết bị này cùng binh sĩ tới một chốt quan sát khác không nằm trong vùng bị quân đội Syria bao vây ở phía tây bắc Syria.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi chốt quan sát Rashideen 5 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chiến sự ở Syria, bởi Ankara từng coi đây là một trong những vị trí quan trọng nhất nằm gần thành phố Aleppo. Hoạt động rút quân được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ triển khai từ cách đây 15 ngày khi các máy móc, cần trục và xe tải tiến vào khu vực để phá dỡ công trình.
Sau khi rút khỏi chốt Rashideen 5, Thổ Nhĩ Kỳ hiện còn 2 chốt quan sát ở thành phố Aleppo. Một chốt nằm ở thị trấn Al-Eis ở phía nam thành phố và một chốt ở Jabal Anadan, phía bắc thành phố.
Iran hỗ trợ Syria trong tranh chấp ở cao nguyên Golan
Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố, Tehran sẽ tiếp tục ủng hộ chính phủ và người dân Syria khi xem Damascus là đồng minh chiến lược. Tổng thống Rouhani nhấn mạnh, Iran sẽ luôn sát cánh với Syria cho tới khi giành chiến thắng cuối cùng.
“Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ tiếp tục ủng hộ Syria, chính phủ cũng như người dân khi xem Syria là đồng minh chiến lược. Chúng tôi sẽ luôn sát cánh với Syria cho tới khi giành chiến thắng cuối cùng. Chúng tôi coi trọng hiệp ước Astana để bảo vệ lợi ích của Syria và sự hợp nhất lãnh thổ”, Tổng thống Iran chia sẻ trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Syria Faisal al-Miqdad.
Bình luận về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một hiệp ước công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan, vùng lãnh thổ mà Israel đã giành lấy từ Syria sau Chiến tranh Sáu ngày diễn ra vào năm 1967, Tổng thống Rouhani nói, “cần đấu tranh chống lại những kẻ xâm lược từ Israel cho tới khi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng được giải phóng như cao nguyên Golan”.
Tổng thống Iran nhấn mạnh thêm, “mục tiêu chính của chủ nghĩa khủng bố và áp đặt lệnh trừng phạt là gây sức ép cho các chính phủ và nhà nước hợp pháp trong khu vực, chúng tôi hoàn toàn biết chuyện này”.
Trong khi đó, vào chiều ngày 8/12, Israel đã gửi “yêu cầu lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc” liên quan tới việc ngăn chặn “những nỗ lực quân sự của Iran ở Syria”.
Theo Times of Israel, trong bức thư gửi tới Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ Inga Rhonda King, đại diện Israel tại LHQ Gilad Ardan đã kêu gọi cần có “những biện pháp ngăn chặn Iran nỗ lực xây dựng một vị thế quân sự ở Syria, sau khi Tehran cài cắm các thiết bị nổ trong vùng tranh chấp Golan”.
Israel còn khẳng định chính đơn vị 840 của Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là thủ phạm cài thiết bị nổ ở cao nguyên Golan, đồng thời cáo buộc hành động này có thể “dẫn tới sự leo thang nguy hiểm trong khu vực và tạo ra mối đe dọa không chỉ với dân thường mà còn cả nhân viên LHQ tại đây”.