Mỹ khủng bố kinh tế Syria
Syria đưa ra lời cảnh báo về những hậu quả từ việc Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) mở rộng và tăng cường các biện pháp ép buộc đơn phương dưới chiêu bài ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Theo Syria, hành động của Mỹ và EU là nhằm tạo ra một giai đoạn mới của khủng bố kinh tế.
Phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 22/9, đại sứ Syria Hussam Eddin Ala đã lên tiếng chỉ trích việc Mỹ mở rộng các biện pháp đơn phương và ép buộc với quy mô chưa từng có, cũng như mở rộng thêm danh sách các nước bị trừng phạt.
Nội chiến kéo dài khiến cuộc sống của người dân Syria gặp muôn vàn khó khăn. (Ảnh minh họa)
Theo ông Ala, việc EU quyết định kéo dài trừng phạt với Syria thêm một năm nữa giữa lúc dịch Covid-19 hoành hành cùng với “Đạo luật Caesar” của Mỹ đã đẩy các nước đối tác trong cuộc chiến ở Syria chuyển sang giai đoạn bị khủng bố kinh tế.
Hành động của Mỹ và EU là nhằm phá hoại những nỗ lực của chính phủ Syria trong việc tái thiết, ổn định và tạo điều kiện để người dân Syria tị nạn trong nước hoặc ở nước ngoài trở về quê hương sinh sống.
Vào cuối năm 2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký Đạo luật bảo vệ công dân Syria Caesar. Đạo luật Caesar được cho nhằm mở đường áp đặt lệnh trừng phạt đối với chính quyền của Tổng thống Assad và các cá nhân cũng như quốc gia ủng hộ Damascus.
Đạo luật của Mỹ còn được cho sẽ tạo ra sức ép đối với những nước ủng hộ chính phủ Syria mà đặc biệt là Nga và Iran.
Đạo luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6 với hàng loạt lệnh trừng phạt đang gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Syria.
Cũng tại cuộc họp hôm 22/9, một số nước thành viên LHQ đã kêu gọi Hội đồng Nhân quyền gia tăng sức ép buộc các nước từ bỏ áp đặt những biện pháp ép buộc đơn phương nhằm vào một số quốc gia đang gặp khó khăn trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Các nước Nga, Trung Quốc, Iran và một số quốc gia còn đưa ra cảnh báo về những tác động tiêu cực của những biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính, cũng như vi phạm các quyền cơ bản của người dân sinh sống tại những nước bị áp đặt trừng phạt giữa lúc dịch Covid-19 hoành hành.
Theo đại sứ Ala, những biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU đã ảnh hưởng lớn tới điều kiện sống của người dân Syria và tác động tới hoạt động của các tổ chức cũng như cơ quan nhân đạo hoạt động trong lãnh thổ Syria.
Theo đại sứ Syria, Hội đồng Nhân quyền LHQ cần phải yêu cầu các nước ban bố những biện pháp cưỡng ép đơn phương phải chịu trách nhiệm cho những hậu quả mà họ gây ra đối với các nước bị áp đặt trừng phạt.
Iran tăng cường phòng thủ cho Syria
Phát ngôn viên quân đội Iran Abu Fadl Shikaraji cho biết, Syria đã đề nghị Cộng hòa Hồi giáo hỗ trợ tăng cường năng lực phòng thủ.
Trong tuyên bố hôm 22/9, ông Shikaraji cho biết Tehran đang cử các chuyên gia và cố vấn quân sự tới Yemen, Syria, Iraq và Lebanon. Song ông Shikaraji khẳng định, Iran không có quân đội đồn trú thường trực ở các quốc gia trên.
“Điều kiện kinh tế của Iran hiện không đủ để chúng tôi có thể cung cấp thiết bị miễn phí cho các đồng minh và họ đôi khi phải mua thiết bị của chúng tôi”, hãng tin AMN dẫn lời ông Shikaraji.
Cũng theo ông Shikaraji, vai trò của Iran đối với các nước trong khu vực chỉ mang tính cố vấn, chứ không can thiệp vào chuyện nội bộ của bất cứ quốc gia nào.
“Chúng tôi không có kế hoạch xây dựng sự hiện diện quân sự thường trực ở bất cứ quốc gia nào trong khu vực. Cc nước này đã có quân đội và vũ khí để đối đầu với kẻ thù, chúng tôi chỉ cần hỗ trợ cố vấn. Do đó, chúng tôi chỉ điều động các chuyên gia tới Yemen, Syria, Iraq và Lebanon”, ông Shikaraji khẳng định.
Hồi tháng 12/2019, nguồn tin quân sự Nga và Syria cho hay, Iran đã cho triển khai một hệ thống phòng không hiện đại Bavar-373 tới căn cứ không quân T-4 ở phía đông tỉnh Homs của Syria.
Theo trang tin Debka của Israel, hệ thống phòng không Bavar-373 của Iran có phạm vi hoạt động là 250 km. Ngoài ra, tổ hợp vũ khí này có thể bao quát khu vực tác chiến lên tới 350 km.
Với sự xuất hiện của hệ thống Bavar-373 ở căn cứ không quân T-4, chiếc ô phòng không của Iran hiện bao phủ cả phía đông Syria bao gồm khu vực biên giới Syria giáp Iraq và tỉnh Deir ez-Zour, nơi có sự xuất hiện của quân đội Iran và dân quân Shiite của Iraq được Tehran hậu thuẫn.
Trong khi đó, các nguồn tin quân sự phương Tây nhận định, hệ thống phòng không Bavar-373 là vũ khí lai ghép công nghệ từ hệ thống phòng không S-300 và S-400 do Nga sản xuất. Điều này có nghĩa là Bavar-373 có thể phát hiện và đánh chặn tên lửa hành trình cùng các máy bay tàng hình tối tân như F-35 và F-22 do Mỹ sản xuất và đang được không quân Mỹ cùng Israel sử dụng.
Nga – Syria ký kết thỏa thuận năng lượng hạt nhân
Hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA) cho hay, Nga và Syria đã ký kết một thỏa thuận về việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình đặc biệt trong lĩnh vực thuốc y tế.
Theo SANA, thỏa thuận này được ông Alexei Lekhachov, Tổng Giám đốc Tập đoàn Rosatom của Nga ký kết với Tổng Giám đốc Uỷ ban Năng lượng nguyên tử Syria Ibrahim Othman.
Những hoạt động nằm trong thỏa thuận trên liên quan tới việc sử dụng các công nghệ phóng xạ trong ngành thuốc, nông nghiệp và công nghiệp cùng bảo toàn an ninh hạt nhân và ngăn chặn phóng xạ.
Ngoài ra, thỏa thuận còn bao gồm điều khoản tăng cường năng lực quản lý, đào tạo cho đội ngũ nhà khoa học và kỹ thuật của Syria trong ngành hạt nhân.