Tình hình Syria: Mỹ nói gì về hoạt động của quân đội Nga - Iran?

Minh Thu |

Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng về hoạt động của quân đội Nga - Iran ở Syria; Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib bị tấn công bất ngờ là những diễn biến mới của tình hình Syria.

Phái đoàn cấp cao Nga tới Syria

Theo hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA), một phái đoàn cấp cao Nga do Phó Thủ tướng Yury Borisov dẫn đầu đã có mặt ở thủ đô Damascus vào chiều ngày 6/9 để tiến hành thảo luận với các quan chức Syria.

SANA nhấn mạnh, các quan chức Nga sẽ nhóm họp với giới chức Syria về việc phát triển và tăng cường mối quan hệ mọi cấp giữa hai bên.

Tình hình Syria: Mỹ nói gì về hoạt động của quân đội Nga - Iran? - Ảnh 1.

Phái đoàn cấp cao Nga tới Syria. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Trước đó, tờ al-Watan dẫn lời đại sứ Syria tại Nga Riad Haddad cho hay, chuyến thăm của phái đoàn Nga tới Damascus là để thảo luận về nhiều vấn đề chính trị và kinh tế quan trọng.

Cũng theo ông Haddad, cuộc chiến chống khủng bố, hoạt động của ủy ban hiến pháp Syria, cũng như các lệnh trừng phạt kinh tế mà phương Tây áp đặt với Syria sẽ nằm trong nội dung được quan chức Nga – Syria đưa ra bàn thảo.

Đáng nói, theo RT, vào ngày 7/9, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cũng sẽ tham gia cùng phái đoàn Nga ở Damascus.

Nga hiện là đồng minh quốc tế chủ chốt của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Với sự hỗ trợ của Nga, quân đội chính phủ Syria đã giành lại được quyền kiểm soát nhiều vị trí chiến lược trên lãnh thổ quốc gia từ tay các nhóm phiến quân và khủng bố.

Trong khi đó, vào ngày 4/9, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien đã lên tiếng bày tỏ mối quan ngại về những vụ va chạm giữa quân đội Nga – Mỹ ở Syria khiến nhiều binh sĩ Mỹ bị thương khi đâm phải phương tiện quân sự của Nga.

Reuters đưa tin, phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ông O’Brien nhấn mạnh, “vấn đề là liên lạc với phía Nga đã vô cùng rõ ràng và được thực hiện theo cấp phù hợp”.

Tuyên bố của ông O’Brien được đưa ra sau vụ việc một vài binh sĩ Mỹ đã bị thương sau vụ va chạm với xe tuần tra của quân đội Nga ở Syria vào ngày 25/8.

Washington cáo buộc vụ việc cho thấy, Moscow đã vi phạm các nghị định thư về an toàn của lực lượng quân đội Nga – Mỹ mà hai bên từng ký kết. Quân đội Mỹ khẳng định không muốn làm leo thang căng thẳng nhưng hoàn toàn có quyền để tự vệ.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng là ông John Ullyot xác nhận vụ va chạm giữa quân đội Nga – Mỹ xảy ra vào ngày 25/8 gần khu vực Dayrick ở phía bắc Syria.

Dù những cuộc chạm trán giữa quân đội Nga – Mỹ xảy ra khá thường xuyên, nhưng vụ việc trên một lần nữa cho thấy nguy cơ xảy ra đụng độ quân sự giữa quân đội hai nước khi hoạt động gần nhau ở phía bắc Syria đang ngày càng gia tăng.

Đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội cũng cho thấy, các xe quân sự của Nga được hai trực thăng yểm trợ phía trên bao gồm 1 chiếc Mi-8 đã có pha di chuyển cực gần với xe bọc thép Mỹ.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị tấn công ở Idlib

Hôm 6/9, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bất ngờ bị nhóm tay súng lạ mặt nổ súng tấn công vào căn cứ ở tỉnh Idlib của Syria.

Báo cáo từ tỉnh Idlib cho hay, các tay súng lạ mặt đã nổ súng nhắm vào căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở gần thành phố chiến lược Ariha, nằm dọc tuyến đường cao tốc M-4 hay còn gọi là cao tốc Aleppo – Latakia.

Hiện Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ chưa lên tiếng bình luận về thương vong sau vụ tấn công. Còn theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) đặt trụ sở ở Anh, 2 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã bị thương trong đó 1 người bị thương khá nặng.

Vụ tấn công trên xảy ra chỉ sau vài ngày quân đội Nga gặp phải một quả bom gài bên đường phát nổ. Thủ phạm được xác định là nhóm phiến quân Kataeb Khatib Al-Shishani.

Nhóm phiến quân này được cho là thủ phạm gây ra ít nhất 3 vụ tấn công vào tháng Tám bao gồm một vụ nhằm vào quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động trên cao tốc M-4.

Trong khi đó, vào ngày 4/9, một phái đoàn quân sự quy mô lớn của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được nhìn thấy di chuyển vào phía đông bắc Syria làm dấy lên tin đồn về việc sắp xảy ra một cuộc tấn công mới bên trong tỉnh Al-Hasakah.

Theo hãng tin AMN, phái đoàn quân sự Thổ Nhĩ Kỳ di chuyển theo hướng tới thành phố biên giới Ras Al-‘Ayn mang theo các loại vũ khí hạng nặng, cùng phương tiện quân sự mà khả năng để chuẩn bị cho cuộc chiến ở Al-Derbasiyeh và Abu Rasin vào thời gian tới.

Khi tiến tới thành phố Ras Al-‘Ayn, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục di chuyển tới các ngôi làng Dawoudiyeh và Bab Al-Khayr, nằm sát tỉnh tây bắc Al-Hasakah.

Cùng thời điểm, các tay súng phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã cho triển khai đợt tấn công bằng pháo và rocket chống lại quân nổi dậy Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) vốn được Mỹ hậu thuẫn ở gần khu vực Abu Rasin.

Mỹ muốn Iran rời khỏi Syria, Nga có thể ở lại

Chia sẻ với Newsweek, Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục bảo vệ chiến lược tại Syria khi nhấn mạnh tới những ưu tiên chiến lược của Washington ở khu vực. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Mỹ vẫn theo đuổi mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Syria, nhưng đây không phải là mục đích duy nhất.

Theo đó, Nhà Trắng muốn trục xuất toàn bộ lực lượng Iran bị nghi ngờ đang hoạt động ở Syria, cũng như các tay súng phiến quân được Tehran hậu thuẫn.

Về phần mình, Iran vẫn khẳng định chỉ điều động các cố vấn quân sự tới Syria theo lời đề nghị hỗ trợ từ phía chính quyền Damascus. Syria nhấn mạnh, quân đội Mỹ mới là lực lượng hoạt động trái phép ở Syria khi không nhận được sự đồng thuận từ chính quyền Damascus và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Đáng nói, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định hoạt động của các lực lượng Nga tại hai căn cứ không quân Hmeymim và căn cứ hải quân Tartus ở Syria là không có vấn đề gì.

“Các lực lượng quân sự Nga đã có mặt ở Syria trước cả thời điểm nội chiến Syria bùng phát vào năm 2011, do đó chúng tôi không có ý kiến về hoạt động của họ”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

Tuy nhiên, tuyên bố mới nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ lại hoàn toàn trái ngược với nhận định mà Tổng thống Donald Trump đưa ra trước đó. Theo ông Trump, nhiệm vụ chính của quân đội Mỹ ở Syria là “giữ dầu mỏ”. Đây là nhiệm vụ mà Mỹ đã làm kể từ tháng 10/2019.

Song quân đội Nga – Syria đã nhiều lần cáo buộc quân đội Mỹ trái phép khai thác và buôn lậu dầu mỏ ra ngoài lãnh thổ Syria. Cụ thể, Damascus và Moscow chỉ trích Mỹ đánh cắp nguồn tài nguyên quốc gia của Syria, sau khi nhiều đoàn chở dầu được các xe quân sự Mỹ hộ tống di chuyển từ lãnh thổ Syria về phía biên giới giáp Iraq.

Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, quân đội Mỹ chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ các mỏ dầu và ngăn chặn vàng đen rơi vào tay IS.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm, Mỹ “không sở hữu, kiểm soát hay quản lý các mỏ dầu ở Syria”, cũng như đảm bảo đây là tài sản của “người dân Syria”. Song thực tế, cụm từ “người dân Syria” mà Mỹ nhắc tới là nhóm nổi dậy SDF do người Kurd đứng đầu nắm quyền kiểm soát phần lớn khu vực giàu trữ lượng dầu mỏ ở phía đông Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại