Tình hình nhà máy hạt nhân Ukraine phức tạp, EU thiếu năng lượng trầm trọng

Trung Hiếu |

Mới đây, Gazprom tuyên bố đóng vô thời hạn đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1. Chưa hết, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia tại Ukraine lại gặp nhiều trục trặc phức tạp. Tất cả đẩy EU tới chỗ càng thiếu năng lượng trầm trọng.

Cuộc chiến ở Ukraine và các tranh chấp liên quan đến đường ống dẫn khí chính là nguyên nhân chính đằng sau tình trạng thiếu điện và thiếu khí đốt ngày càng xấu đi ở các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh cuộc chiến Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 7.

Tình hình nhà máy hạt nhân Ukraine phức tạp, EU thiếu năng lượng trầm trọng - Ảnh 1.

Lính Nga gác tại khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine. Ảnh: Reuters.

Tuần này, cả hai vấn đề trên trở thành chủ đề nóng. Các thanh sát viên của IAEA (cơ quan hạt nhân thuộc Liên Hợp Quốc) dự kiến vào ngày 6/9 sẽ thông báo cho Hội đồng An ninh Liên Hợp Quốc về chuyến thăm thanh tra tới nhà máy điện Zaporizhzhia. Các bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị khẩn cấp ở Brussels vào ngày 9/9 để thảo luận thị trường điện của khối này mà theo lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thì “không còn hoạt động nữa”.

Mất điện diện rộng, nhiều lò phản ứng ngưng hoạt động

Châu Âu nói chung và Ukraine nói riêng ngập trong các vấn đề năng lượng khi phần lớn khu vực lãnh thổ xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất châu Âu ở Ukraine bị mất điện trong ngày 4/9. Nhà máy nằm tại thành phố Enerhodar.

Phần lớn diện tích tỉnh Zaporizhzhia, bao gồm thành phố chủ chốt Melitopol, mất điện vào ngày 4/9. Điện cũng mất ở một số vùng thuộc thành phố cảng Kherson, theo hãng thông tấn nhà nước TASS của Nga.

Chỉ có một trong 6 lò phản ứng tại nhà máy Zaporizhzhia được kết nối với mạng lưới điện, trong khi đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) dẫn khí đốt từ Nga sang Đức đã bị khóa van.

Vladimir Rogov - người đứng đầu cơ quan hành chính địa phương (được Nga hậu thuẫn) ở Enerhodar, cho hay không có loạt pháo kích nào quanh nhà máy Zaporizhzhia vào ngày 4/9 nhưng tác động từ các vụ pháo kích trước đó vẫn kéo dài tới hiện tại.

IAEA vào hôm 3/9 nói rằng nhà máy này đã được ngắt khỏi đường dây điện chính cuối cùng ở bên ngoài và một lò phản ứng của nhà máy cũng bị ngắt kết nối do các giới hạn của mạng lưới điện. Theo IAEA, một lò phản ứng khác vẫn đang vận hành, tạo điện cho việc làm mát và các chức năng an toàn thiết yếu khác tại cơ sở này, cũng như tạo điện cho các hộ gia đình, các nhà máy khác thông qua đường dây điện dự phòng.

Quân đội Nga đã nắm giữ nhà máy Zaporizhzhia - cơ sở sản xuất điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, kể từ đầu tháng 3/2022. Đội ngũ nhân viên người Ukraine vẫn tiếp tục vận hành nhà máy này.

Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết ông sẽ thông báo cho Hội đồng Bảo an LHQ vào ngày 6/9 về chuyến công tác do ông dẫn đầu tại nhà máy vào tuần qua. Phái đoàn IAEA gồm 14 thành viên đã mạo hiểm vượt qua hỏa lực chiến sự ở vùng này để tới nhà máy vào ngày 1/9 sau nhiều tháng đàm phán nhằm bảo đảm phái đoàn có thể đi qua vùng tiền tuyến.

Ông Grossi không đổ lỗi cho bất cứ bên nào trong chiến sự. Ông chỉ bày tỏ các quan ngại lớn về tính nguyên vẹn vật lý của nhà máy, nguồn điện cho nhà máy và tình trạng của nhân viên.

Chưa có ánh sáng cuối đường hầm cho vụ khóa van đường ống Nord Stream 1

Bức tranh năng lượng của châu Âu vẫn u ám do cuộc chiến ở Ukraine.

Chỉ vài giờ trước khi công ty năng lượng Nga Gazprom theo kế hoạch nối lại hoạt động cung cấp khí đốt sang Đức thông qua đường ống dẫn khí lớn Nord Stream sau 3 ngày tạm ngưng thì hãng này lại thông báo rằng việc này sẽ bị hoãn vô thời hạn đến khi nào tình trạng rò rỉ dầu ở các tua-bin được sửa chữa.

Trong khi đó, Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitry Peskov, trong một cuộc phỏng vấn nói rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã khích động một “cơn bão lớn toàn cầu” bất chấp việc Nga đã nỗ lực duy trì ổn định. Cuộc phỏng vấn được hãng thông tấn Nga TASS công bố vào hôm 5/9.

“Các quá trình toàn cầu đang có tác động bất lợi. Một trận bão toàn cầu lớn đang bắt đầu”, ông Peskov nói.

Phát ngôn viên Peskov chỉ ra “những lý do khách quan và chủ quan” cho “trận bão này”. Theo ông, đó chính là “các quyết định tuyệt đối vô lý và ngớ ngẩn” của giới chức Mỹ và EU.

Vị đại diện của Nga khẳng định Nga “đang thực thi công tác chuyên sâu, tận tâm và nhất quán” để duy trì ổn định kinh tế.

Hôm 4/9, ông Peskov quy trách nhiệm cho EU về tình trạng ngưng cung cấp khí đốt thông qua hệ thống đường ống khí đốt Nord Stream 1. Ông nhấn mạnh, “châu Âu từ chối bảo dưỡng hệ thống của họ” - một việc mà theo ông, EU phải thực hiện dựa trên các đòi hỏi của hợp đồng.

Đức không tin vào lập luận của Nga. Đức cho rằng các sự cố rò rỉ này là chuyện phổ biến và không nhất thiết khiến Nga phải ngừng xuất khẩu khí đốt. Từ đó, Berlin cho rằng chính Moscow đã vi phạm điều khoản các hợp đồng khi ngừng xuất hàng./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại