Tính tới 23:59’ ngày 12/4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có tổng cộng 19.233 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.044 trường hợp mắc bệnh mới.
Virus SARS-CoV-2 cũng đã khiến 797 người ở khu vực này thiệt mạng, tăng 103 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 4.772 trường hợp.
Trong vòng 24h qua, Indonesia tiếp tục là điểm dịch "nóng" nhất ASEAN khi nước này ghi nhận số ca mắc bệnh mới cao nhất khu vực (399 người) và số ca tử vong mới nhiều thứ hai khu vực (46 người, đứng sau Philippines).
Quốc gia ASEAN có số người tử vong mới nhiều nhất trong ngày 12/4 là Philippines với 50 người.
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại tỉnh Tây Java, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN
Cụ thể, trong ngày 12/4, Indonesia đã ghi nhận số ca nhiễm mới là 399 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm COViD-19 ở nước này lên 4.241 ca. Số ca tử vong trong ngày là 46, nâng tổng số lên 373. Dù đứng thứ 3 khu vực về tổng số ca mắc bệnh , song tới nay quốc gia vạn đảo mới chỉ điều trị thành công cho 359.
Indonesia đã quyết định mở rộng hạn chế xã hội quy mô lớn đối với tỉnh Tây Java đông dân nhất nước này do số người mắc bệnh tăng đột biến. Thống đốc tỉnh Tây Java Ridwan Kamil cho biết các hạn chế quy mô lớn sẽ được áp dụng từ ngày 15/4 tại các thị trấn Bekasi, Depok và Bogor có chung địa giới hành chính với thủ đô Jakarta. Chính quyền cũng chuẩn bị áp dụng các hạn chế xã hội quy mô lớn tại thành phố Bandung và sẽ hỗ trợ tiền mặt và thực phẩm cho người dân bị ảnh hưởng bởi chính sách này.
Theo phát ngôn viên của Chính phủ Indonesia về xử lý COVID-19 Achmad Yurianto, chính quyền trung ương đã đồng ý cho tỉnh Tây Java triển khai áp dụng các hạn chế xã hội quy mô lớn. Bên cạnh đó, tỉnh Banten có chung địa giới với Jakarta cũng đã gửi yêu cầu được áp dụng các hạn chế xã hội quy mô lớn.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi. Ảnh: TTXVN phát
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh nghiêm trọng chưa ảnh hưởng tới các kế hoạch chính trị của giới lãnh đạo Indonesia. Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 12/4 cho hay ông sẽ tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19, dự kiến diễn ra ngày 14/4 tới theo hình thức trực tuyến.
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Indonesia cùng ngày tuyên bố đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Joko Widodo tham gia một hội nghị trực tuyến cấp cao. Trước đó, ông đã tham dự Hội nghị cấp cao Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về COVID-19 do Saudi Arabia chủ trì vào ngày 26/3. Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh ASEAN không thể trì hoãn 2 hội nghị cấp cao này trong bối cảnh các nước trong khu vực và trên thế giới đang chiến đấu chống COVID-19, đồng thời cho rằng đây là các hội nghị cấp cao mang tính “chiến lược” nhằm thống nhất các nỗ lực ứng phó với đại dịch.
Theo bà Retno, 2 hội nghị cấp cao sắp tới cùng các cuộc họp bên lề sẽ thảo luận về những nỗ lực chung trong việc xử lý, ứng phó và giảm thiểu các tác động của đại dịch COVID-19, đảm bảo chuỗi cung ứng thực phẩm, thuốc men và các mặt hàng thiết yếu khác, cũng như bảo vệ các công dân ASEAN và sử dụng một số cơ chế hợp tác hiện có.
Cảnh vắng vẻ trên một đường phố ở Singapore trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN
Philippines là quốc gia Đông Nam Á ghi nhận nhiều diễn biến dịch đáng lo ngại nhất trong ngày 12/4. Philippines thông báo 50 ca tử vong và 220 ca nhiễm mới, mức tăng cao nhất của một ngày. Hiện tổng số ca tử vong vì COVID-19 ở nước này là 297 ca và 4.648 ca nhiễm. Ngoài ra, 40 bệnh nhân đã phục hồi, nâng tổng số ca phục hồi lên 197 ca.
Singapore chứng kiến số ca mắc mới trong ngày tăng mạnh, với 233 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này lên 2.532, xếp thứ năm khu vực. Tuy nhiên, trong vòng 24h qua, "Đảo quốc sư tử" không ghi nhận thêm ca tử vong nào mới vì dịch COVID-19 và tới nay mới ghi nhận tổng cộng 8 người thiệt mạng.
Một trong những nguyên nhân khiến số ca nhiễm virus tăng mạnh những ngày qua tại Singapore được cho là bắt nguồn từ việc người dân chủ quan và thiếu ý thức thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Không chỉ tràn lan vi phạm về giãn cách xã hội mà việc một bộ phận người dân Singapore tiếp tục tụ tập đông người bất chấp cảnh báo cũng đang khiến giới chức nước này đau đầu.
Trước tình trạng nhiều người dân không chấp hành các quy định về giãn cách xã hội và cách ly tại nhà, giới chức Singapore cho biết sẽ áp dụng các chế tài xử phạt mạnh tay, thậm chí người vi phạm sẽ phải hầu toà.
Bộ trưởng Môi trường và Nguồn nước Singapore Masagos Zulkifli thông báo kể từ ngày 9/4, các lực lượng chức năng sẽ không còn nhắc nhở như hai ngày qua mà ngay lập tức thu thập thông tin cá nhân của người vi phạm quy định để có cơ sở xử phạt nếu tái phạm. Các cá nhân nếu vi phạm quy định về giãn cách xã hội lần thứ 2 sẽ bị phạt 300 đôla Singapore (gần 5 triệu VNĐ) và vi phạm lần ba sẽ phải ra hầu toà.
Khu vực giao nhận đồ ăn được dựng lên trong sân một trung tâm thương mại ở trung tâm thủ đô Bangkok (Thái Lan). Ảnh: Ngọc Quang – PV TTXVN tại Thái Lan.
Thái Lan trong ngày đã đón nhận những tín hiệu tích cực của cuộc chiến chống dịch COVID-19. Thái Lan đã xác nhận thêm 33 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 3 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 ở nước này lên 2.551 người, trong đó có 38 trường hợp tử vong.
Như vậy, đây là ngày thứ thứ tư liên tiếp số ca nhiễm mới được ghi nhận hằng ngày ở Thái Lan dừng ở mức hai con số và đi theo chiều hướng giảm dần. Thủ đô Bangkok hiện là địa phương có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất ở Thái Lan, trong khi tỷ lệ lây nhiễm cao nhất được ghi nhận ở tỉnh Phuket.
Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan cũng cảnh báo người dân về nguy cơ tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 ngay trong chính ngôi nhà của họ sau khi có nhiều ca lây nhiễm được ghi nhận trong các thành viên gia đình trong khoảng thời gian từ 4-10/4.
Số liệu do Trung tâm quản lý tình hình COVID-19 (CCSA) cho thấy trong có 144 trường hợp, chiếm 29% trong số 495 ca nhiễm mới được ghi nhận trong thời gian nói trên, là những người tiếp xúc gần với các bệnh nhân COVID-19 và có tới 56% trong nhóm này lây nhiễm virus SARS-CoV-2 từ các thành viên gia đình, đặc biệt là vợ, chồng. Nhóm có số lượng các ca lây nhiễm cao thứ hai là tại nơi làm việc (chiếm 23%), các cuộc tụ tập xã hội (chiếm 18%) và những nguồn khác (chiếm 3%).
Bệnh viện quốc tế Praram 9 ở trung tâm thủ đô Bangkok. Ảnh: Ngọc Quang – PV TTXVN tại Thái Lan
Trong diễn biến khác, Bộ Y tế Thái Lan thông báo cho biết tất cả các bệnh nhân COVID-19 sẽ được điều trị miễn phí tại tất cả các bệnh viện ở nước này kể từ ngày 5/3, với các chi phí được 3 quỹ y tế chi trả.
Theo thông báo của Bộ Y tế được công bố trên truyền thông, tất cả các bệnh viện, cả bệnh viện công lẫn bệnh viện tư, phải cố gắng để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 cho đến khi họ vượt qua được tình trạng nguy hiểm trực tiếp hoặc được chuyển tới bệnh viện khác theo gói bảo hiểm của họ. Các bệnh viện không được tính tiền đối với bệnh nhân, nhưng sau đó có thể gửi hóa đơn tới Văn phòng Bảo hiểm Y tế Quốc gia (NHSO). Bệnh nhân sẽ chỉ phải trả các hóa đơn y tế khi họ lựa chọn không điều trị tại bệnh viện mà họ được chỉ định.
Thái Lan hiện có 3 quỹ y tế để chăm sóc sức khỏe cho người dân. Quỹ bảo Hiểm Xã hội dành cho những người làm việc trong khu vực tư nhân, gồm người Thái và người nước ngoài có đóng góp cho quỹ. Các công chức được bảo hiểm theo chương trình phúc lợi dành cho các quan chức nhà nước. Những người còn lại được bảo hiểm theo chương trình y tế phổ quát do NHSO quản lý.
Binh sĩ Malaysia đặt rào chắn để thực hiện Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO) tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Malaysia, Bộ Y tế ghi nhận 153 ca nhiễm mới và 3 ca tử vong trong ngày 12/4 vì dịch COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 4.683 ca, cao nhất khu vực Đông Nam Á, trong đó 76 ca tử vong. Bộ trên cũng cho biết tỷ lệ khỏi bệnh là 45%.
Trước đó, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã quyết định kéo dài Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO) thêm hai tuần.Quyết định này được chính phủ đưa ra dựa trên khuyến nghị từ Bộ Y tế cũng như các chuyên gia y tế. Theo quyết định mới nhất nói trên, MCO sẽ được áp dụng đến hết ngày 28/4, tức là chỉ một vài ngày trước tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Quyết định này được chính phủ đưa ra dựa trên khuyến nghị từ Bộ Y tế cũng như các chuyên gia y tế.
MCO được Chính phủ Malaysia triển khai trên toàn quốc, bắt đầu từ ngày 18 – 31/3, nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Sau đó, lệnh này đã được kéo dài thêm hai tuần, đến ngày 14/4. Theo quyết định mới nhất nói trên, MCO sẽ được áp dụng đến hết ngày 28/4, tức là chỉ một vài ngày trước tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.
Người dân đeo khẩu trang đề phòng lây nhiễm COVID-19 tại Yangon, Myanmar, ngày 13/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Myanmar sau nhiều ngày kiềm chế khá thành công dịch bệnh, ngày 12/4, đã ghi nhận thêm một ca tử vong mới. Tính tới hết ngày 12/4, Myanmar có tổng cộng 39 bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4 trường hợp tử vong.
Trong ngày 12/4, Campuchia cũng ghi nhận thêm 2 ca bệnh mới, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 tại nước này lên 122. Tuy nhiên, Campuchia chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào.
Tại phiên họp toàn thể sáng 10/4, Quốc hội Campuchia đã thông qua dự thảo luật tình trạng khẩn cấp quốc gia. Phiên họp diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin với sự tham dự của Thủ tướng Hun Sen và 115 đại biểu. Dự luật còn phải chờ Thượng viện Campuchia phê chuẩn trước khi trình lên Quốc Vương.
Trong ngày 12/4 các nước thành viên ASEAN khác như Lào, Brunei và Timor Leste không có diễn biến dịch đáng chú ý. Lào ghi nhận thêm 1 ca mắc COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân lên 19 trường hợp. Brunei và Timor Leste không ghi nhận thêm ca mắc mới nào.