Chia sẻ trên Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), nhà phân tích Frank Ching khẳng định phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế phủ nhận chủ quyền phi lý "đường chín đoạn" mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố trên Biển Đông, vẫn không thể ngăn cản kế hoạch vươn lên trở thành "cường quốc thống trị" trong khu vực.
"Giấc mơ Trung Hoa của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình sẽ một lần nữa đưa Trung Quốc trở thành cái rốn của thế giới sau hàng thập kỷ bị phương Tây lấn át", ông Ching nhận định.
Đặc biệt kể từ sau phán quyết hồi tháng Bảy của Tòa trọng tài, Trung Quốc vẫn không ngừng tăng cường sự hiện diện tại những khu vực xảy ra tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Cụ thể, Lầu Năm Góc cho hay số lượng tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện trên Biển Đông đã tăng mạnh trong tháng Bảy.
Thậm chí, hình ảnh vệ tinh mới đây được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS) tại Washington và Viện Minh bạch Hàng hải châu Á công bố cũng hé lộ việc Bắc Kinh sữa chữa, nâng cấp các nhà chứa chiến đấu cơ nằm trên các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở bãi Chữ Thập, Vành Khăn và Subi.
Theo báo cáo của hai cơ quan trên, mỗi hòn đảo nhân tạo có thể chứa 24 chiến đấu cơ và 3 – 4 máy bay cỡ lớn hơn như máy bay tuần tra, máy bay ném bom hoặc máy bay tiếp nhiên liệu trên không. Điều này cho phép Trung Quốc triển khai một lực lượng máy bay lên tới 70 chiếc trên Biển Đông.
Phát ngôn viên của CSIS nhấn mạnh ngay cả các nhà chứa máy bay có quy mô nhỏ nhất hiện nay của Trung Quốc cũng dư thừa công suất so với mục đích dân sự. Việc Trung Quốc sửa chữa nâng cấp các nhà chứa máy bay là nhằm "tăng cường khả năng tấn công".
Trong khi đó, hồi tháng Tám, tờ Study Times của Trung Quốc cho rằng các quốc gia phương Tây đang cố gắng chèn ép sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như từ chối tiếng nói của Bắc Kinh trên trường quốc tế điển hình là sự ra đời của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng.
"Nhằm giành lại quyền thống trị toàn cầu, họ đang bịa ra một 'liên minh thần thánh' mới để thiết lập các quy tắc mới. Tuy nhiên những quy tắc này sẽ loại trừ Trung Quốc", tờ Study Times bình luận trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 trong tháng Chín.
Căng thẳng trước G20
Trung Quốc sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh G20 lần đầu tiên trong vòng 8 năm qua. hHội nghị diễn ra trong 2 ngày từ 4 – 5/9 tại Hàng Châu là cơ hội đặc biệt quan trọng đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo ông Ching, đây sẽ là dịp để chính quyền của ông Tập củng cố vị thế toàn cầu của mình.
Tờ The Economist nhấn mạnh Hàng Châu là khu vực xây dựng quy mô lớn trong năm qua tại Trung Quốc.
Nhiều tin đồn cho rằng Hàng Châu đã chi 160 tỷ nhân dân tệ để tái thiết thành phố. Song chính quyền thành phố phủ nhận tin đồn này.
Còn theo Reuters, chính phủ Trung Quốc nghi ngờ rằng trong hội nghị G20, phương Tây và các quốc gia đồng minh sẽ rút ngắn chương trình thảo luận kinh tế để tập trung vào các vấn đề nóng hiện nay gồm biến đổi khí hậu và tranh chấp chủ quyền.
"Theo quan điểm của Trung Quốc, Mỹ đang cố gắng bao vây Bắc Kinh", một đại sứ cấp cao phương Tây miêu tả các cuộc đối thoại với giới chức Trung Quốc trước thời điểm diễn ra G20 trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông chưa có dấu hiệu lắng dịu và Mỹ triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa ở Hàn Quốc.
Ông Tập Cận Bình muốn biến Trung Quốc trở thành "cái rốn" của thế giới.
Về phần mình, Trung Quốc cho rằng những vấn đề như trên không nên trở thành tâm điểm thảo luận trong hội nghị G20 với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull.
Hiện nay, căng thẳng giữa Australia và Trung Quốc vẫn chưa hạ nhiệt sau khi Australia quyết định từ chối thương vụ mua bán lưới điện Ausgrid trị giá 10 tỷ đô với Bắc Kinh.
Dẫn nguồn tin ngoại giao phương Tây tại Bắc Kinh, Reuters nhấn mạnh: "Trung Quốc hiện đang tỏ ra tức giận với tất cả các nước".
Động thái mới của Trung Quốc
Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ cải tạo bãi cạn Scarborough trên Biển Đông. Đây vốn là điểm nóng giao tranh giữa Trung Quốc và Philippines.
Tuy nhiên, một nguồn tin giấu tên cho hay: "Do hội nghị G20 sắp diễn ra ở Hàng Châu và an ninh trong khu vực là mối quan tâm hàng đầu của nhiều cường quốc trên thế giới, Trung Quốc sẽ tạm thời kiềm chế kế hoạch cải tạo".
Do đó, hoạt động xây dựng có thể sẽ tái diễn vào thời điểm cuối hội nghị G20 và trước khi diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Trước nghi vấn liệu rằng việc Trung Quốc nỗ lực cải tạo và xây dựng các hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông là nhằm chuẩn bị cho các cuộc xung đột quân sự trong tương lai, ông Ching nhận định khác với suy nghĩ của nhiều người, Bắc Kinh nhận thấy rằng không cần thiết thách thức quân đội Mỹ và nghiêng về phương án tránh đối đầu quân sự.
Ngay cả Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mới đây cũng tuyên bố chiến tranh trên Biển Đông không phải là một lựa chọn.