Tỉnh giáp ranh TP HCM sẽ có hai cảng hàng không, trong đó một siêu cảng hàng không trị giá hơn 16 tỷ USD

Dy Khoa |

Tỉnh này sẽ có một cảng hàng không quốc tế và một cảng hàng không khai thác lưỡng dụng dân - quân sự.

Tỉnh giáp ranh TP HCM sẽ có hai cảng hàng không, trong đó một siêu cảng hàng không trị giá hơn 16 tỷ USD - Ảnh 1.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được lãnh đạo Chính phủ phê duyệt, Đồng Nai sẽ có hai cảng hàng không. Đó là Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Cảng hàng không Biên Hòa. Trong đó, Biên Hòa được định hướng khai thác chuyến bay quốc nội và dùng chung cho dân sự, quân sự.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia. Tại thời điểm khởi công xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, hồi đầu năm 2021, mức đầu tư được công bố cho toàn bộ dự án này là 336.630 tỷ đồng, tương đương hơn 16 tỷ USD, được chia làm 3 giai đoạn. Khi hoàn thành, Cảng hàng không quốc tế Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng với các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Trong giai đoạn 1 của dự án, đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025.

Tỉnh giáp ranh TP HCM sẽ có hai cảng hàng không, trong đó một siêu cảng hàng không trị giá hơn 16 tỷ USD - Ảnh 2.

Thiết kế Nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo đánh giá của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), từ nay đến năm 2030, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ phát triển hàng không cao nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Dự báo đến năm 2025 nhu cầu hàng không của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt hơn 65 triệu hành khách, năm 2030 đạt khoảng 85 triệu hành khách.

Sân bay Long Thành nằm trong số 16 dự án sân bay được mong chờ nhất giới. Việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường hàng không, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường khả năng bảo đảm quốc phòng an ninh. Đây cũng là dự án hạ tầng có quy mô vốn lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành có vị trí địa lý và khí hậu thuận lợi, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ hàng không tiên tiến, có khả năng tiếp thu các loại máy bay dân dụng lớn nhất, hệ thống giao thông kết nối đồng bộ nên khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ phát triển mạnh các đường bay trong nước và quốc tế. Cảng hàng không này được kỳ vọng trở thành cửa ngõ, trung chuyển quốc tế khi chỉ cách 3 giờ bay đến các trung tâm kinh tế, tài chính lớn của thế giới.

Sân bay Biên Hòa giúp giảm tải cho Tân Sơn Nhất

Biên Hòa là thành phố có trên 1 triệu dân nên nhu cầu đi lại bằng đường hàng không rất cao. Sân bay Biên Hòa, xây dựng năm 1955, nằm gần trục đường lớn, có sẵn cơ sở hạ tầng, nằm trong bán kính gần với TP HCM, Bình Dương, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Khi sân bay Biên Hòa được khai thác như một sân bay lưỡng dụng, phục vụ bay quốc nội, sẽ giúp giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất và phục vụ tốt cho nhu cầu đi lại của người dân địa phương và vùng phụ cận. Hiện sân bay Biên Hòa được giao cho Trung đoàn Không quân 935 thuộc Sư đoàn 370 (Bộ Quốc phòng) quản lý sử dụng.

Theo các chuyên gia, sân bay Biên Hòa nằm ở vị trí đắc địa, có tầm quan sát tốt, lại ở cửa ngõ Đông Bắc TP HCM, có hướng cất hạ cánh gần song song và cùng chiều với sân bay Tân Sơn Nhất, có đường băng cách nhau không xa nên thuận lợi trong việc cả hai sân bay cùng hoạt động.

Tỉnh giáp ranh TP HCM sẽ có hai cảng hàng không, trong đó một siêu cảng hàng không trị giá hơn 16 tỷ USD - Ảnh 3.

Sân bay Biên Hòa sẽ được khai thác lưỡng dụng, phục vụ cho chuyến bay nội địa. Ảnh: Báo Đồng Nai.

Hiện nay, sân bay Biên Hòa cũng đã có sẵn hai đường băng dài 3,6km cùng hệ thống đường lăn, sân đỗ, kho tàng, hệ thống đài chỉ huy bay… Để khai thác lưỡng dụng, sân bay này chỉ cần xây thêm nhà ga hàng không nội địa phục vụ hành khách và hàng hóa cũng như làm mới diện tích sân đỗ cho máy bay, làm mới hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu đường băng, hệ thống phụ trợ dẫn đường… để tạo khả năng phục vụ các loại máy bay thương mại cỡ lớn cất, hạ cánh.

Sân bay Biên Hòa được đưa vào quy hoạch để khai thác lưỡng dụng sẽ có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của các khu vực xung quanh sân bay này. Sân bay này được Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị quy hoạch có công suất 5 triệu hành khách/năm trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tăng công suất lên 10 triệu hành khách/năm.

Trước đó, ông Võ Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết việc sân bay Biên Hòa vào quy hoạch là một thông tin tốt đối với địa phương và địa phương rất đồng tình với đề xuất quy hoạch này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại