Tinh giản biên chế: Vì sao muốn giảm lại càng tăng?

Lại Hoa |

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tinh giản biên chế không đạt yêu cầu đặt ra là do nhiều nguyên nhân.

Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức đến nay đã hơn 2 năm. Tuy nhiên, trong hơn 1 năm thực hiện, tổng biên chế cả nước lại tăng hơn 11.000 người. Điều này có nghĩa là chủ trương tinh giản biên chế không hiệu quả.

Tinh giản biên chế chưa đáp ứng yêu cầu

Năm 2002 khi thành lập, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 16 đầu mối và 4 Cục, chưa có Tổng cục. Đến năm 2013, bộ máy được nâng lên gồm có 18 đầu mối, 4 Tổng cục và 5 Cục.

Tuy nhiên, đầu mối bên trong của 4 Tổng cục lại tăng từ 34 đầu mối năm 2011 lên 40 đầu mối vào năm 2016.

Thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường tinh giản được 468 người. Trong đó có 2 công chức và 466 viên chức.

Trong khi đó, Đề án xác định vị trí việc làm của một số đơn vị chưa thực hiện theo đúng quy định và chưa tinh gọn.

Ông Tạ Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “Việc giảm viên chức, công chức nếu so từ nay đến năm năm 2021 chưa đáp ứng yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đề án tinh giản biên chế đối với các đơn vị, giảm 2 thì tiếp nhận vào 1. Trong khi đó, thực tế số công chức, viên chức hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu công việc thực hiện nhiệm vụ.

Đề án xác định vị trí việc làm có nhiều khó khăn vướng mắc, đặc biệt nhận thức và tổ chức thực hiện quyết liệt đề án xác vị trí việc làm còn hạn chế”.

Nghị quyết 39 nêu rõ, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015 - 2021) và từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện.

Trong đó, phải xác định tỉ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất, trong năm 2015 và 6 tháng vừa qua, đối tượng giải quyết tinh giản biên chế cả nước là 28.230 người.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, con số này nếu so với chỉ tiêu phải giảm mỗi năm từ 1,5 - 2% biên chế đến năm 2021 theo nghị quyết của Bộ Chính trị, tương đương khoảng 35.000 – 40.000 người/năm, thì rõ ràng là quá ít.

Trong khi đó, tinh giản biên chế chủ yếu áp dụng đối với đối tượng nghỉ hưu trước tuổi (chiếm 86,25%) chứ chưa chú trọng cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm.

Tiến sỹ Đinh Duy Hòa, chuyên gia Bộ Nội vụ nhận xét: việc tinh giản biên chế diễn ra ì ạch là do tiêu chí về đánh giá cán bộ không sát thực tế, nhất là việc đánh giá công chức như thế nào để chỉ ra cho được ai là người “2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ” theo quy định là rất khó.

“Điều rút ra ở đây là đánh giá không dựa trên kết quả thực tế. Đánh giá cán bộ công chức, viên chức thì kết quả làm việc là gì? Bộ Nội vụ cùng các Bộ đánh giá kết quả cải cách tổ chức bộ máy của từng Bộ.

Theo kết quả năm 2015, tổng số điểm tối đa là 12,5 điểm, cả nước đánh giá chung 19 Bộ với số điểm 11,89 điểm, bằng 95,12%. Như vậy điểm rất cao, chứng tỏ bộ máy rất tốt. Nhưng xã hội vẫn đánh giá là bộ máy vẫn còn cồng kềnh" – ông Đinh Duy Hòa nói.

“Chưng cất” lại chất lượng bộ máy

Hiện tại, có 20/22 Bộ, ngành gửi hồ sơ về Bộ Nội vụ xin thẩm định đề xuất tăng biên chế. Chỉ có 2 Bộ xin giảm biên chế là Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ, trong đó Bộ Công Thương xin giảm hẳn một Tổng cục xuống thành Cục.

Trong khi đó, tại 63 tỉnh thành, có 11 địa phương không những không tinh giản mà còn sử dụng vượt 7.951 biên chế so với số biên chế công chức được Bộ Nội vụ giao, điển hình như là tại TPHCM, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Thuận, Bình Dương…

Theo ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nguyên nhân cơ bản khiến bộ máy nhà nước ngày càng cồng kềnh và nặng nề là do đầu vào, tức là việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức dễ dàng trong khi đầu ra lại bị nhiều lực cản.

Tinh giản biên chế: Vì sao muốn giảm lại càng tăng? - Ảnh 1.

Ông Lê Thanh Vân.


Trong khi đó, để định lượng được chất lượng công chức rất khó khăn, đã từng có con số “30% cán bộ công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”; với chất lượng cán bộ như vậy thì việc ban hành chính sách khó sát với thực tế.

“Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Nghị định 108 của Chính phủ về tinh giản bộ máy chưa chuyển biến về chất, chủ yếu về lượng.

Giảm đầu mối ở trên thì lại phình ở dưới. Giảm được số lượng người trong bộ máy chủ yếu là về hưu, chuyển ngành, chuyển công tác. Chưa phải là sự thanh lọc thực sự.

Qua đánh giá chất lượng cán bộ để loại khỏi bộ máy những người không đủ tiêu chuẩn, như vậy mới là thực chất. Tinh giản 10% chính là “trưng cất” lại chất lượng bộ máy chứ không phải thuần túy giảm số lượng” – ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Cùng với quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định: tinh giản biên chế phải kết hợp với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức một cách hợp lý.

Nhưng, hiện nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị giản một cách cơ học là 10% mà chưa chú ý cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức.

“Chúng ta tính toán lại cơ cấu để thay đổi bộ máy, thay đổi lại đội ngũ công chức, viên chức để nâng chất lượng. Đây là vấn đề quan trọng. Nếu không có cơ cấu lại tổ chức, đội ngũ công chức, viên chức thì không thực hiện tinh giản biên chế.

Việc mô tả vị trí theo cơ cấu của công chức, viên chức, vấn đề đó là quan trọng nhất” – Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu rõ.

Như vậy, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế các Bộ, ngành Trung ương và địa phương vẫn chưa thực hiện có hiệu quả.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì tinh giản biên chế không đạt yêu cầu đặt ra là do nhiều nguyên nhân.

Nhưng nguyên nhân đầu tiên là khâu đánh giá cán bộ còn yếu, khó tìm ra công chức không hoàn thành nhiệm vụ để đưa vào diện tinh giản biên chế; trong khi đó việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức lại quá dễ dàng./.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại