Một trong những đề xuất nổi bật được Bộ Nội vụ đưa ra trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 108, số 113 và số 143 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế là: Cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý thì sẽ được tinh giản biên chế.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Dĩnh – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ về nội dung này.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. (ảnh: KT)
PV : Ý kiến của ông như thế nào về đề xuất trên của Bộ Nội vụ?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh : Có thể thấy cán bộ bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có hai nguyên nhân cơ bản là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực và do năng lực lãnh đạo, quản lý hạn chế, không hoàn thành nhiệm vụ.
Cán bộ đã vi phạm đến mức bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo cũng có nghĩa là đã không đạt chuẩn của một cán bộ, công chức, uy tín cũng giảm sút thì việc rời vị trí, tinh giản biên chế là cần thiết.
Do đó, đề xuất trên của Bộ Nội vụ là hợp lý và phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị tại thông báo số 20 về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật. Cụ thể, ngoài việc khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức, còn có nội dung “cán bộ tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét theo nguyện vọng”.
Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, trong từng trường hợp cụ thể cần đánh giá một cách thận trọng, công tâm, khách quan để đưa ra quyết định cho phù hợp, nếu không sẽ dẫn đến tinh giản biên chế sai đối tượng.
Vừa rồi, Bộ Chính trị đã có kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ đối với cán bộ dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung. Nếu cán bộ vì việc chung nhưng xảy ra vi phạm, khuyết điểm do yếu tố khách quan, không vì lợi ích cá nhân thì có thể xem xét, bảo vệ họ theo chủ trương của Đảng.
Ngược lại, nếu cán bộ vì việc riêng, vì tư lợi cá nhân, làm hại đến lợi ích tập thể thì phải cương quyết xử lý.
PV: Cơ quan soạn thảo đề nghị hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, ngoài hưởng một trong các chính sách theo quy định thì được hưởng thêm mức trợ cấp, cụ thể với mỗi tháng nghỉ trước, cán bộ, công chức được trợ cấp 1 tháng lương cơ sở hoặc 1/2 tháng lương hiện hưởng. Cá nhân ông nghiêng về phương án nào?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh : Tôi nghiêng về phương án thứ 2, tức là trợ cấp 1/2 tháng lương hiện hưởng cho cán bộ, công chức, viên chức dôi dư. Có như vậy mới khuyến khích họ tinh giản biên chế, nghỉ hưu trước tuổi để họ có một khoản đảm bảo cuộc sống cho đến khi đủ tuổi hưởng lương hưu theo chế độ. Nguồn lực vẫn là từ ngân sách Nhà nước. Chính phủ sẽ phải cân đối ngân sách, tiết kiệm chi...
Phải nói thêm rằng, cải cách chính sách tiền lương vừa qua gặp khó khăn về nguồn lực. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên Trung ương đã xem xét và quyết định lùi thời điểm cải cách tiền lương trong thời hạn nhất định. Trong khi chưa thực hiện được cải cách chính sách tiền lương, sẽ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở. Tuy nhiên trong 3 năm 2019 - 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chưa thể thực hiện được việc tăng lương cơ sở. Tại kỳ họp thứ 4 vừa qua (năm 2022), Quốc hội đã quyết nghị tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2023.
Sắp tới phải thực hiện triệt để cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương là trả lương theo vị trí việc làm và theo chức vụ lãnh đạo quản lý. Như vậy, tôi nghĩ rằng, với phương án mà Bộ Nội vụ đưa ra là phù hợp để khuyến khích, động viên những người thuộc diện tinh giản biên chế về hưu trước tuổi.
PV : Trưởng Ban tổ chức Trung ương Trương Thị Mai từng nhấn mạnh, đến năm 2026 sẽ cố gắng chuyển thêm một bước là biên chế được quyết định hoàn toàn dựa trên vị trí việc làm, chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan; việc tinh giản sẽ được thực hiện đồng thời với cơ cấu lại đội ngũ vì nếu chỉ tinh giản mà không cơ cấu thì chỉ giảm mà không mạnh cũng là máy móc. Với lộ trình hiện nay, liệu chúng ta có đạt được mục tiêu đã đề ra không, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh : Việc xác định vị trí việc làm đã được thực hiện từ lâu, nhưng thực tiễn cho thấy, xác định vị trí việc làm là việc rất khó, chưa thực sự đảm bảo chính xác, khách quan. Cùng với việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy để tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cũng như cải cách chính sách tiền lương thì đều phải dựa trên xác định vị trí việc làm.
Thông qua vị trí việc làm, chúng ta sắp xếp, bố trí lại để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và năng lực hoạt động của cán bộ, công chức trong bộ máy. Đó là mục tiêu đề ra và tôi nghĩ, không chỉ năm 2026 mà chúng ta phải làm trước. Bởi vì Đảng đã kiên quyết trong thời gian tới sẽ thực hiện chính sách tiền lương, để thực hiện được mục tiêu này thì trước hết phải xác định đúng vị trí việc làm ở từng cơ quan, đơn vị. Từ việc xác định rõ vị trí việc làm thì mới xác định được mức lương cho mỗi vị trí việc làm hoặc cho mỗi chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước thế nào cho phù hợp và đáp ứng được nhu cầu đời sống của họ.
Vì vậy, phải làm sớm. Việc cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương là vấn đề cấp bách và ngày 1/7 tới đây theo lộ trình sẽ tăng mức lương cơ sở.
Chính sách tiền lương theo vị trí việc làm, theo chức vụ lãnh đạo quản lý và lương phải đạt 70% thu nhập, phụ cấp dưới 30%. Rõ ràng, xác định vị trí việc làm là rất cấp bách, làm xong trước thì mới thực hiện chuyện khác được, trong đó có tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy cũng như nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
PV : Xin cảm ơn ông./.
Ông Phạm Văn Hòa (Đại biểu Quốc hội khóa XV, đoàn Đồng Tháp): "Đề xuất trên của Bộ Nội vụ rất cần thiết, tháo gỡ được sự trì trệ, đồng thời là cơ sở để những người bị kỷ luật khiển trách hay cảnh cáo khi xét thấy bản thân không có đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ, uy tín giảm sút, có nguyện vọng nghỉ công tác, nghỉ hưu sớm.
Tuy nhiên, tinh giản biên chế đòi hỏi một sự tự giác, tự nguyện của những đối tượng này. Trong khi đó, cũng có những người có năng lực, trình độ nhưng vì một phút thiếu tu dưỡng, rèn luyện của bản thân mà bị kỷ luật, đặc biệt là đối với những trường hợp bị kỷ luật về phẩm chất đạo đức. Nếu về phẩm chất đạo đức, tôi nghĩ, cán bộ bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo thì cần phải tinh giản; còn đối với những người bị kỷ luật do các nguyên nhân khác (ví dụ như sinh con thứ ba), cần xem xét các trường hợp cụ thể, có thể xem xét để bố trí những công việc khác phù hợp hơn. Còn nếu cán bộ đó tự nguyện tinh giản biên chế thì tổ chức nên cho họ rời vị trí theo nguyện vọng.
Những người tự nguyện tinh giản trong trường hợp này còn có lợi hơn, vì theo quy định, họ sẽ được hưởng chế độ ưu tiên, khoản tiền nhất định khi về nghỉ sớm. Họ sử dụng một khoản được hưởng theo chế độ để tìm công việc khác, hoặc hoạt động ở khu vực ngoài nhà nước thì cũng sẽ phù hợp với thực tiễn khi Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang siết lại trật tự, kỷ cương về trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, tinh thần làm việc, thái độ phục vụ của công chức, viên chức, đặc biệt là công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh đã đi vào nề nếp"./.