Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến này, đã có 143 nền kinh tế đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký hơn 81,5 tỷ USD (chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với hơn 72,5 tỷ USD (chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan (TQ), Hồng Kông(TQ)…
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc liên tục rót tiền đầu tư vào Việt Nam. Trong năm 2022, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam khoảng 2,52 tỷ USD với 283 dự án cấp mới, xếp thứ 4 trong tổng số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam.
3 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 511,77 triệu USD với 77 dự án cấp mới. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới đạt khoảng 334,61 triệu USD; giá trị góp vốn, mua cổ phần đạt khoảng 89,95 triệu USD.
Tính đến 20/3/2023, lũy kế tổng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt 23,85 tỷ USD với tổng 3.651 dự án. Với số vốn này, Trung Quốc hiện xếp thứ 6 trong danh sách các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.
Lũy kế tổng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam từ năm 2017 đến nay. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trên thực tế, FDI của Trung Quốc có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành Việt Nam. Tuy nhiên, các dự án này chủ yếu tập trung tại các tỉnh biên giới có khu kinh tế cửa khẩu, ven biển, các thành phố đông dân, có sức thu hút lao động mạnh, có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như đi lại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, tính đến nay Bình Dương đã có hơn 1.500 dự án đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc, với tổng số vốn trên 10 tỷ USD, chiếm 42% tổng lũy kế vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam. Theo đó, Bình Dương là tỉnh được Trung Quốc rót vốn đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Trung Quốc còn rót nguồn vốn đầu tư vào liên doanh liên kết, góp vốn bằng tiền hoặc công nghệ, máy móc ở trong các doanh nghiệp Việt Nam trong đủ mọi lĩnh vực. Các dòng vốn của Trung Quốc đổ vào nhiều lĩnh vực, điển hình như dệt may, da giày, xơ sợi, nhiệt điện, khai thác khoáng sản,...
Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài từ đặc khu hành chính Đài Loan (TQ) vào Việt Nam đạt 36,89 tỷ USD, xếp thứ 4 trong tổng số và nền kinh tế đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Còn Hồng Kông (TQ) đã rót 30 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 5 trong tổng số và nền kinh tế đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.
Những năm gần đây, vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam có sự thay đổi đáng kể, liên tục vươn lên trong vị trí xếp hạng, tăng về quy mô, thay đổi về hình thức, lĩnh vực, mở rộng về địa bàn. Nếu như các giai đoạn trước dòng vốn của Trung Quốc chỉ tập trung vào các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng và sản xuất hàng tiêu dùng với quy mô nhỏ là chủ yếu, thì thời gian gần đây đã có sự chuyển dịch mạnh, thay đổi đáng kể trong lĩnh vực đầu tư.
Dòng vốn FDI của Trung Quốc tập trung vào nhiều lĩnh vực như dệt may, da giày, xơ sợi đến nhiệt điện, khai thác khoáng sản, khu công nghiệp…
Trong lĩnh vực điện và năng lượng, Tổng công ty xuất nhập khẩu kỹ thuật Trung Quốc (CNTIC) - một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn nhất của Trung Quốc cũng chọn Việt Nam làm thị trường đầu tư dài hạn.
CNTIC coi Việt Nam là một thị trường ưu tiên và cực kỳ quan tâm đến việc phát triển và đầu tư các dự án phát điện lớn sử dụng nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió và LNG. Việt Nam có hàng trăm khu công nghiệp, CNTIC cũng hướng tới đầu tư vào dự án năng lượng mặt trời mái nhà trên cơ sở hợp đồng mua bán điện tư nhân.
Ngoài ra, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng có nhiều dự án tại các khu công nghiệp. Một số khu công nghiệp được các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư như: khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), Hòa Phú (Bắc Giang), Nam Tân Uyên (Bình Dương) và Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu).