Theo Fitch Solutions, khoảng 65% doanh nghiệp điện tử nước ngoài đặt cơ sở sản xuất tại các khu công nghiệp ở khu vực phía Bắc, 30% ở khu vực phía Nam Nam và một tỷ lệ nhỏ ở các tỉnh miền Trung.
Các khu công nghiệp ở khu vực phía Bắc hiện nay là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp điện tử quy mô lớn và nổi tiếng như Fuji Xerox, Compal, Canon, Foxconn, Petragon, Samsung, Meiko, Samsung Display, LG Display, Intel, LG Innotex, Renesas, Wintex, Panasonic, Luxshare, USI, LG Electronic, Hosiden.
Các công ty này đang hoạt động tại các khu công nghiệp ở Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên và Hà Nam ở phía Bắc; Bình Dương, TP. HCM và Đồng Nai ở phía Nam.
Trên thực tế, các tỉnh phía Bắc nổi bật với vị trí chiến lược tiếp giáp với Trung Quốc, giao thông thuận tiện. Do đó, khu vực phía Bắc có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất chủ đạo với nhiều công ty điện tử quốc tế, từ đó thu hút nhiều tập đoàn đa quốc gia đến Việt Nam.
Hiện nay, các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên và Hà Nam đang thu hút nhiều dự án FDI vào các khu công nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, các địa phương đã đầu tư hạ tầng cả trong và ngoài khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư trong giai đoạn mới.
Theo VARS, Hải Phòng với 14 khu công nghiệp và cụm công nghiệp là địa phương có tổng diện tích khu công nghiệp lớn nhất khu vực phía Bắc. Bắc Ninh là tỉnh có số khu công nghiệp đang hoạt động nhiều nhất khu vực phía Bắc (15 khu công nghiệp).
Theo UBND tỉnh Bắc Ninh, quy mô công nghiệp tăng nhanh đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao của cả nước. Nhờ vào việc tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh đã tăng 2.200 lần trong giai đoạn 1997 - 2022.
Cụ thể, năm 1997, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh mới đạt 646 tỷ đồng, xếp thứ 10/11 tỉnh, thành vùng đồng bằng Sông Hồng, năm 2000 tăng lên 2.747 tỷ đồng, gấp 4,3 lần năm 1997. Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt gần 1.417 nghìn tỷ đồng, gấp 2.200 lần so với năm 1997.
Giai đoạn 1997 – 2022, sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế đã góp phần tạo phát triển vượt bậc cho Bắc Ninh. Hiện nay, Bắc Ninh đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đồng thời, tỉnh chú trọng ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, gia tăng giá trị và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, tỉnh phát triển các ngành công nghiệp điện tử, chế biến, chế tạo công nghệ cao, dịch vụ logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường chuỗi liên kết, nâng cao giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; xây dựng mô hình kinh tế xanh, công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh, tuần hoàn.
Nhờ nào các chính sách thu hút dòng vốn đầu tư vào ngành công nghiệp, tỉnh vẫn luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành thu hút vốn FDI nhiều nhất cả nước. Lũy kế tính đến tháng 3/2023, Bắc Ninh thu hút 23,79 tỷ USD vốn FDI, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành thu hút FDI nhiều nhất.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh, sự góp mặt của những tập đoàn, doanh nghiệp điện, điện tử thương hiệu thế giới như Công ty Samsung tại đã khẳng định chiến lược thu hút đầu tư của Bắc Ninh là hết sức đúng đắn và hiệu quả.
Theo UBND tỉnh Bắc Ninh, với định hướng rõ ràng, tận dụng được lợi thế về vị trí địa lý trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, sau 25 năm tái thành lập, Bắc Ninh cơ bản đã trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao trở thành ngành mũi nhọn. Đồng thời, Bắc Ninh đang dần trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước.
Định hướng đến năm 2030, Bắc Ninh phấn đấu trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao. Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh lấy trọng tâm là hình thành hệ sinh thái phát triển công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào nhóm ngành điện tử, phát triển công nghiệp bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.