Giá cổ phiếu của Xiaomi kể từ ngày IPO vào tháng 6 năm ngoái đã luôn là một nghịch lý: những con số thì luôn luôn đẹp và nhà đầu tư thì luôn luôn thất vọng. Đến ngày tháng 12 vừa rồi, sự thất vọng ấy lan tỏa sang cả hội đồng lãnh đạo của công ty: nhà sáng lập Lei Jun (Lôi Quân) buộc phải từ bỏ chức chủ tịch, các vị trí cao cấp khác cũng đều có sự xáo trộn mạnh.
Rõ ràng là, mặc cho những từ ngữ hết sức lạc quan được Xiaomi sử dụng, có một sự thật không mấy dễ chịu đang diễn ra: tình cảnh của Xiaomi không hề êm đẹp một chút nào hết.
Apple của Trung Quốc
Vậy thì, Xiaomi đang bi đát đến mức nào? Hãy cùng nhìn lại kết quả kinh doanh quý vừa rồi. Mặc dù doanh thu tăng nhẹ và lợi nhuận hoạt động cũng tăng nhẹ, Xiaomi đang gặp khó trên thị trường smartphone. Xét về doanh thu, những chiếc Mi, Redmi và CC trong quý vừa rồi mang về cho "Apple Trung Quốc" khoảng 4,6 tỷ USD, giảm 7,8% so với năm trước. Xét về mặt doanh số, tổng lượng smartphone Xiaomi xuất xưởng trong quý 3/2019 đạt 32,1 triệu đơn vị, giảm hơn 1 triệu chiếc so với cùng kỳ 2018.
Đà tăng trưởng của Xiaomi thực sự đã chấm dứt.
Dĩ nhiên, mức độ suy giảm là không hề đáng kể, và Xiaomi cũng vẫn đang là nhà sản xuất đứng thứ 4 thế giới. Nhưng với các nhà đầu tư, thứ quan trọng là triển vọng tương lai chứ không phải là thành quả hiện tại. Đây đã là quý thứ 2 liên tiếp doanh thu/doanh số smartphone của Xiaomi bị suy giảm thay vì tăng trưởng. Cùng kỳ năm ngoái, mức độ tăng trưởng smartphone vẫn ở mức cao ngất ngưởng (20%), và quý 1 năm nay, Xiaomi vẫn đang trên đà tiến. Đến ngày hôm nay, "tăng trưởng" đã trở thành câu chuyện xa vời.
Hiện tượng suy giảm này lẽ ra sẽ không ảnh hưởng nhiều đến Xiaomi – ngay từ khi thành lập, Lei Jun và cộng sự đã luôn tuyên bố smartphone chỉ là chất xúc tác cho nguồn sống chủ chốt đến từ các dịch vụ Internet. Nhưng kể từ khi IPO cho đến nay, Xiaomi chưa bao giờ thực hiện được lời hứa cả. Quý 3/2019 tiếp tục chứng minh rằng những gì Lei Jun nói về một công ty Internet chỉ là mơ mộng hão huyền: tổng doanh thu từ các dịch vụ Internet chỉ đạt 5,3 tỷ Nhân Dân Tệ (khoảng 750 triệu USD), tức không nổi 1/10 doanh thu của Xiaomi. Suốt 7 quý tài chính được công bố chính thức, chưa bao giờ mảng kinh doanh được coi là tương lai này nắm nổi 10% doanh thu của Xiaomi cả.
Lời hứa hão của Lei Jun càng tỏ ra thất vọng khi Apple Trung Quốc bị đem ra so sánh với Apple... thật. Cũng giống như Xiaomi, Apple đang chứng kiến doanh số sụt giảm. Và Apple cũng bắt đầu nói đến mảng "dịch vụ" nhiều hơn, trong đó chủ yếu là dịch vụ số với một loạt các sản phẩm như iTunes, App Store, Mac App Store, Apple Music, Apple Pay, Apple News+ và Apple Arcade. KHÁC với Xiaomi, Apple nói là làm: trong quý 3 vừa qua, mảng dịch vụ của Apple đem về 12,5 tỷ USD, vượt mặt toàn bộ các mảng phần cứng ngoại trừ iPhone (và cũng vượt luôn TỔNG doanh thu tất cả các mảng kinh doanh của Xiaomi). Tốc độ thăng hoa chóng mặt của mảng dịch vụ này thừa sức để bù đắp cho doanh số iPhone đang giảm, và quý 3/2019 thậm chí còn là quý 3 kỷ lục của nhà Táo.
Tương lai công ty
Tại thị trường trong nước, Xiaomi đang bị Huawei "làm gỏi".
Nếu nhìn nhận ở góc độ công ty smartphone, tương lai của Xiaomi đang mù mịt hơn bao giờ hết. Quý 3 vừa qua chứng kiến một hiện tượng đặc biệt tại thị trường quan trọng nhất của Xiaomi - Trung Quốc: người tiêu dùng quay sang ủng hộ Huawei để bày tỏ lòng yêu nước sau lệnh cấm của nước Mỹ. Kết quả là Huawei tăng trưởng phi mã, nhưng do tổng thể thị trường vẫn gần như đứng yên (giảm 3%), phần tăng trưởng của Huawei lại đến từ... các thương hiệu Trung Quốc khác. Trong số này có Xiaomi: trong khi công ty của Lei Jun đổ cho thị trường "suy thoái", sự thực là Xiaomi sẽ còn khốn khổ vì Huawei trong tương lai.
Thị trường nước ngoài thì sao? Trong quý 3, thị trường smartphone toàn cầu chứng kiến một tay chơi vừa mới vừa cũ của Realme, thương hiệu con mới nhất từ tập đoàn BBK (OPPO, Vivo, OnePlus). Không giống với bất kỳ thương hiệu nào khác của BBK, Realme sử dụng chiến lược phá giá cấu hình đã từng được Xiaomi sử dụng, và thậm chí còn đánh thẳng vào Ấn Độ, thị trường có vai trò quan trọng bậc nhất của Xiaomi. Tính đến hết quý 3, Realme đã kịp lọt top 5 Ấn Độ, top 10 thế giới. Doanh số 10 triệu chiếc smartphone được Realme bán ra trong quý 3 lẽ ra đã thuộc về Xiaomi – trước khi BBK thành lập hãng con "phá giá cấu hình" này, Xiaomi chưa từng có đối thủ.
Nhìn về tương lai, cái gai Realme sẽ còn lớn dần, bởi hãng này có quá nhiều "anh em" hùng mạnh đứng sau trong khi Xiaomi đứng một mình với một chiến lược kinh doanh chưa bao giờ có lãi đáng kể cả.
Tại thị trường nước ngoài, Xiaomi sẽ phải vất vả chống đỡ trước Realme.
Rõ ràng là con đường được Lei Jun vạch ra sẽ không thể giúp duy trì Xiaomi lâu dài được. Đến cuối cùng, Xiaomi vẫn là một công ty smartphone, bởi chẳng có ai lại tiết kiệm tiền cho smartphone giá rẻ rồi vung tiền cho ứng dụng/dịch vụ Internet cả. Chừng nào còn giữ lời "tuyên thệ" lợi nhuận không quá 5%, Xiaomi sẽ còn tự kìm kẹp mình. Và đó là lý do Xiaomi phải thay đổi, bắt đầu từ giới chóp bu.