Tình báo Ukraine đã nhiều lần phát hiện các bệ phóng tên lửa Iskander của Nga được triển khai gần biên giới Ukraine và trên lãnh thổ Crimea. Phạm vi hoạt động của Iskander được coi là một mối đe dọa còn vượt xa ngoài lãnh thổ Ukraine.
Nói với TV Channel 5, Vadym Skybytsky, một quan chức của Tổng cục Tình báo bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, nếu Nga vi phạm Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), điều này sẽ đe dọa đến an ninh của hầu hết các nước châu Âu.
"Ngay cả về lý thuyết, phạm vi hoạt động hơn 500 km đã vi phạm Hiệp ước. Điều này cho thấy rằng, vị trí của các tổ hợp tên lửa đặt gần biên giới châu Âu như vậy sẽ gây ra mối đe dọa trực tiếp cho toàn bộ lãnh thổ của các nước châu Âu", quan chức tình báo Ukraine nói.
Lấy ví dụ, Skybytsky cho rằng, một vụ phóng tên lửa hành trình Kalibr tiềm năng sẽ "đặt một nửa châu Âu vào tầm ngắm từ lưu vực Biển Đen".
"Tất cả các nước Đông Âu - Slovakia, Ba Lan, Cộng hòa Séc và Bulgaria - đang ở trong tầm ngắm của cuộc tấn công tên lửa chiến lược như vậy", ông nhấn mạnh. Hiện tại, phía Nga chưa đưa ra phản ứng gì về cáo buộc từ phía tình báo Ukraine.
Hiệp ước INF được ký kết năm 1987 bởi nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan.
Thỏa thuận cấm các bên chế tạo tên lửa hạt nhân hành trình và đạn đạo trên mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km, cũng như không được phép thử nghiệm và triển khai chúng.
Mới đây, Mỹ đã cho Nga thời hạn 60 ngày để hoàn thành các điều khoản của Hiệp ước INF một cách hợp lý. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đe dọa rằng nếu Moscow không thực hiện, Washington cũng không còn tuân thủ các quy định của Hiệp ước.
Trước đó, Washington cảnh báo sẽ rút khỏi Hiệp ước INF khi cho rằng thỏa thuận này đã lỗi thời và cáo buộc Nga có hành vi vi phạm thỏa thuận khi phát triển các tên lửa bị cấm.
Về phần mình, Moscow lên tiếng bác bỏ cáo buộc, đồng thời chỉ trích ngược lại Mỹ đang gây ra những căng thẳng mới. Giới quan sát lo ngại một khi INF chấm dứt, một cuộc chạy đua vũ trang trên toàn cầu sẽ diễn ra, đặt ra nguy cơ chiến tranh mới.