Tại sao Mỹ không phản đối?
Những tuần gần đây, Điện Kremlin được cho là đã tăng cường ủng hộ tư lệnh Quân đội quốc gia Libya, tướng Khalifa Haftar bằng cách trực tiếp chuyển giao cho Quân đội quốc gia Libya các máy bay tiêm kích bom MiG-27.
Được biết rằng, kèm theo việc bàn giao từ kho niêm cất các máy bay tiêm kích trên, Nga còn cử tới Lybia những nhân viên kỹ thuật để bảo dưỡng và duy trì hoạt động của chúng. Theo thông tin của hãng truyền thông Pháp, vài tuần trước đây, Cơ quan tình báo quân sự Nga (GRU) cũng đã cử các cố vấn quân sự tới trợ giúp tướng Haftar.
Như "Intelligence online" đưa tin, câu chuyện này trở nên thú vị hơn khi tướng Haftar không chỉ được Ai Cập và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất ủng hộ, mà cả Pháp và thậm chí là Mỹ.
Trước đó, hồi đầu năm, tờ La Stampa đưa tin về việc Nga, nhiều khả năng, đã đạt được thỏa thuận cung cấp vũ khí trị giá gần 2 tỷ USD với tướng Haftar - có sự tham gia của Algeria để có thể tránh được lệnh cấm bán vũ khí cho Libya do Liên hợp quốc áp dụng.
Dường như, những thỏa thuận về "hồi sinh" bản hợp đồng cung cấp vũ khí được ký kết từ năm 2008 với chế độ Gaddafi đã đạt được trong khuôn khổ chuyến viếng thăm hàng không mẫu hạm "Đô đốc Kuznetzov" của tướng Khalifa Haftar.
Xin nhắc lại, sau khi Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011 và cuộc nội chiến nổ ra, có 2 chính phủ tồn tại ở Libya: Đại hội đồng dân tộc theo Hồi giáo tại Tripoli và Chính phủ được bầu chọn dân chủ tại Torbrook.
Tiêm kích MiG-23 của Libya.
Ngày 17/12/2015, với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc và Châu Âu, đã hình thành Chính phủ dân tộc thống nhất với trụ sở đặt tại Tripoli và đứng đầu là Faiz Saradj. Tuy nhiên, Đại hội đồng dân tộc không chấp hành Chính phủ được Liên hợp quốc ủng hộ, còn tư lệnh Quân đội quốc gia Libya, tướng Khalifa Haftar lại là đồng minh của Tobrook.
Các nước Phương Tây đã tập trung vào Chính phủ của Saradj. Người Mỹ khẳng định rằng, Moscow không chỉ công khai ủng hộ tướng Haftar, mà còn cùng với Ai Cập bí mật cung cấp vũ khí cho các lực lượng của ông, cũng như cử tới Tobrook những cố vấn quân sự theo kênh của tình báo GRU.
Cách đây không lâu, người ta đã xác định được rằng, các đại diện của một công ty quân sự tư nhân đã rà phá mìn cài đặt tại một nhà máy xi măng ở Bengaji, dường như, theo bản hợp đồng với các ông chủ của doanh nghiệp này, nhưng, có thể thấy rõ rằng, đã có sự đồng thuận từ phía chính quyền.
Tuy nhiên, hàng loạt các chuyên gia không loại trừ khả năng chính quyền mới của ông Donald Trump đúng là có thể quan tâm tới tướng Haftar, người từng có mối quan hệ với CIA.
MiG-27 hay MiG-23?
Theo ý kiến của công tác viên khoa học của Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ, tổng biên tập tạp chí "Xuất khẩu vũ khí" (Nga), ông Andrei Frolov, vài tháng trước đây, trên trang mạng xã hội Twitter, đã xuất hiện những bức ảnh chụp máy bay tiêm kích MiG-23 của Libya.
Theo ông, chiếc máy bay có nước sơn theo kiểu châu Âu – kiểu sơn không giống với các máy bay của các nước khu vực Bắc Phi. Có thể người Pháp đã nhầm lẫn MiG-27 với MiG-23 bởi vì đây là các máy bay cùng dòng, lấy ví dụ, máy bay tiêm kích bom MiG-23BN có ngoại hình rất giống với MiG-27.
MiG-27 chỉ còn trong biên chế của quân đội Ấn Độ và Kazakhstan, bởi vậy, về lý thuyết, người Libya có thể mua các máy bay này qua Nga, hoặc trực tiếp của Astana (thủ đô của Kazakhstan), nhưng đối với họ, MiG-27 hơi phức tạp, còn MiG-23 là rất hợp lý.
Tiêm kích MiG-23 của Libya.
Về lý thuyết, các cỗ máy này đã có thể được lấy ra từ kho bảo quản, nhưng nhiều khả năng, chúng không còn hoạt động ở các quốc gia nói trên, bởi vậy có thể Nga đã cung cấp từ những nhà máy đại tu máy bay của mình.
Liên quan tới việc lệnh cấm cung cấp vũ khí cho Libya đang còn hiệu lực của Liên hợp quốc, chuyên gia Frolov cho rằng Nga có thể lấy lý do bán sắt vụn các máy bay này. Còn sau đó, người Libya bằng cách nào đó đã tự lắp ráp và chúng có thể cất cánh với sự ngạc nhiên của mọi người.
Nhưng nói chung, trong bài viết của "Intelligence online" có 2 vấn đề khá thú vị. Thứ nhất - các nguồn tin phương Tây xác nhận bức ảnh MiG từng được đăng tải trước đây trên mạng xã hội, có nghĩa là MiG đã được bán cho Libya. Thứ hai - không chỉ Pháp mà cả Mỹ cũng ủng hộ Haftar.
Có thể nói thế này, các biện pháp trừng phạt không ảnh hưởng tới việc Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất mua 4 trực thăng Mi-24 của Belarus vào năm 2014 và bàn giao cho các lực lượng vũ trang Libya tại Tobrook vào tháng 4/2015. Hoặc Ai Cập bàn giao cho Tobrook 3 máy bay trực thăng Mi-8 và vài chiếc MiG-21MF.
Lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu Hồi giáo thuộc Viện phát triển tiến bộ Nga, ông Kirill Semenov cho rằng việc Nga cung cấp một vài chiếc máy bay MiG-23/MiG-27 có thể khiến cho mối quan hệ của Moscow với những người chơi khác trên chiến trường Libya.
Đó là chính phủ Saradj và những tổ chức thân hữu như "Al-Bunyan Al-Marsus", Vệ binh quốc gia của Halifa Al-Gweil, các đội xung phong đến từ Misurata,… mà Nga đang giữ mối liên hệ và được gọi chung là "Bình minh Lybia".
Có thể hiểu được rằng nếu như các máy bay này đúng là được cung cấp cho Lybia, thì với lý do phục vụ cho cuộc chiến chống lại những tổ chức cực đoan, nhưng tướng Haftar có thể và sẽ sử dụng chúng để tấn công vào các căn cứ của những tổ chức đối lập với mình.
Có thể, các máy bay này đã triển khai những cuộc tấn công quy mô sau khi tấn công căn cứ Không quân của Đại hội đồng dân tộc tại Birak khiến gần 140 người thiệt mạng.
Việc bàn giao, dù là những máy bay cũ, có thể khiến cho mối quan hệ trở nên xấu đi với không chỉ những người chơi bên trong chiến trường Libya mà cả với những người chơi bên ngoài như Ý và các quốc gia khác của EU, Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đang đặt cược vào Saradj và chính phủ tại Tripoli.
Được biết, sau cuộc tấn công nhằm vào Birak, lực lượng không quân Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Ai Cập có thể tham gia vào những cuộc tấn công đáp trả, bởi vì ở thành phố Al-Mardj thuộc khu vực Sulay (Libya) có căn cứ quân sự của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
Ban đầu căn cứ này được sử dụng như một trung tâm hậu cần để cung cấp cho các tổ chức vũ trang dưới quyền chỉ huy của tướng Haftar và bảo dưỡng kỹ thuật các máy bay của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
Sau đó, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đã điều động từ tây Ai Cập 3 máy bay tấn công Dassault Mirage 2000 tới Al-Mardj. Ngoài ra, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đã chuyển giao cho Đại hội đồng dân tộc Libya các máy bay cường kích hạng nhẹ được cải tiến từ máy bay phục vụ nông nghiệp Air Tractor AT-802.
Liên quan tới việc cách đây không lâu Mỹ từng buộc tội Nga đã sai lầm khi ủng hộ Haftar, nhưng hiện giờ bất ngờ lại quay sang ủng hộ Đại hội đồng dân tộc Libya, chuyên gia Semenov cho rằng có thể chính quyền Donald Trump đã xem lại chính sách đối ngoại trước đây của mình.
Nhà Trắng lại quay sang chính sách ủng hộ Ả Rập Xê Út và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất trong thế giới Ả Rập, mà chính những quốc gia này đang ủng hộ Haftar.
Mới đây, chính phủ tại Tobrook đã chứng minh rõ nét điều đó khi công khai cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Chính phủ Saradj, dù được Liên hợp quốc thừa nhận, nhưng dựa vào các đội tiên phong Misurata và những tổ chức khác của "Bình minh Libya" thân với "Các huynh đệ Hồi giáo".
Chính quyền mới của Mỹ đã chuyển hướng nhằm vào cuộc chiến chống lại "Các huynh đệ Hồi giáo" và điều này cho thấy có sự ủng hộ tướng Haftar, dù chưa được công khai.