Theo CNN, vào mùa hè năm ngoái, Tổng thống Trump đã cam kết với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng ông sẽ không can thiệp đối với các cuộc biểu tình tại Hồng Kông - bùng nổ từ tháng 6/2019 nhằm phản đối dự luật dẫn độ do chính quyền Trưởng đặc khu Carrie Lam đề xuất.
Dù vậy, ông Trump vẫn phải ký thông qua Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông vào tháng 11/2019, sau khi văn kiện pháp lý này được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua. Trump nói ông đứng về phía những người biểu tình Hồng Kông, nhưng "cũng đứng về phía Chủ tịch Tập Cận Bình bởi ông Tập là bạn của tôi".
Tình hình đã thay đổi khi ông Trump đang cáo buộc Trung Quốc là nguồn gốc lây lan đại dịch COVID-19, đến nay khiến cho hơn 100.000 người Mỹ tử vong.
Tổng thống viết trên Twitter hồi tuần trước, cáo buộc người phát ngôn của chính phủ Trung Quốc "ra sức đánh lạc hướng [dư luận] khỏi những nỗi đau và chết chóc mà đất nước họ làm lây lan trên thế giới".
"Những thông tin sai lệch và tuyên truyền công kích của họ nhằm vào Mỹ và châu Âu là đáng xấu hổ. Tất cả đều là [chỉ đạo] từ cấp cao. Họ có thể dễ dàng ngăn chặn dịch bệnh, nhưng đã không làm vậy!" - ông Trump viết.
Quan hệ cá nhân Trump-Tập đến điểm rạn nứt?
Giữa bối cảnh căng thẳng giữa hai nước tăng cao, chính quyền Trump gọi luật an ninh mới của Bắc Kinh là "thảm họa". Ông chủ Nhà Trắng cũng cảnh báo sẽ công bố hành động "hết sức mạnh mẽ" của phía Mỹ vào cuối tuần này.
Trong ngày cuối cùng của kỳ họp thứ 3 hôm 28/5, Quốc hội Trung Quốc khóa XIII đã biểu quyết thông qua "Quyết định xây dựng kiện toàn hệ thống luật pháp và cơ chế thực thi duy trì an ninh quốc gia tại Đặc khu hành chính Hồng Kông".
Quyết định trên trao quyền cho Ban thường vụ Quốc hội cải thiện các luật liên quan về vấn đề an ninh Hồng Kông "nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và trừng phạt hiệu quả bất kỳ hành vi và hoạt động gây nguy hiểm nghiêm trọng cho an ninh quốc gia Trung Quốc, như chia rẽ đất nước, phá hoại chính quyền, tổ chức thực hiện các hoạt động khủng bố và hoạt động của nước ngoài và thế lực nước ngoài can thiệp vào các vấn đề Hồng Kông".
Trong khi các cuộc biểu tình tiếp diễn ở Hồng Kông, CNN cho rằng người đứng đầu Nhà Trắng có thể đang tiến gần đến điểm "chia tay" trong mối quan hệ với
Nhân dịp người Hồng Kông xuống đường biểu tình chống lại đạo luật này, người đứng đầu Nhà Trắng có thể tận dụng cơ hội để cắt đứt quan hệ với ông Tập.
Mỹ còn một "vũ khí bí mật"
Có 2 câu hỏi cần phải trả lời, CNN bình luận. Thứ nhất, “tình bạn” của ông Trump và ông Tập sẽ kéo dài bao lâu trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước ngày càng gia tăng?
Thứ hai, Tổng thống Trump đánh giá thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 - ký kết tháng 1/2020 - có ý nghĩa quan trọng đến mức nào đối với cơ hội tái đắc cử của ông trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 tới.
Hai câu trả lời này sẽ quyết định thái độ của Mỹ đối với vấn đề Hồng Kông, trong bối cảnh một số nhà lập pháp Mỹ kêu gọi nước này cần có hành động cứng rắn.
Tổng thống Trump vẫn còn một "vũ khí bí mật" chưa sử dụng tới. Đó là việc thu hồi quy chế thương mại đặc biệt của Hồng Kông, khiến đặc khu này rơi vào nguy cơ mất đi vị thế một trung tâm tài chính quốc tế.
Mỹ ngày 27/5 đã thu hồi tình trạng đặc biệt áp dụng cho Hồng Kông. Đây được đánh giá là hành động mở đường cho việc tước bỏ các đặc quyền thương mại theo quy chế đặc biệt. Chính quyền đặc khu ngày 28/5 phản ứng bằng lời cảnh báo, bất kỳ cấm vận nào "cũng là con dao hai lưỡi, không chỉ gây tổn hại lợi ích của Hồng Kông mà còn làm tổn hại đáng kể lợi ích của Mỹ".
Trong tuyên bố chung mới nhất, nhóm 4 quốc gia - Anh, Mỹ, Australia, và Canada - cho rằng luật an ninh mới của Trung Quốc đe dọa tới tự do của Hồng Kông và phá vỡ thỏa thuận năm 1984 giữa Trung Quốc và Anh về quyền tự chủ của đặc khu.
"Hồng Kông đã phát triển như một pháo đài của tự do. Chúng tôi rất quan ngại về quyết định của Bắc Kinh trong việc áp dụng luật an ninh đối với Hồng Kông," thông cáo nêu.
Trung Quốc sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất
Các cố vấn chính phủ Trung Quốc tiết lộ Bắc Kinh đã lường trước kịch bản leo thang căng thẳng với Mỹ sau khi nước này tiến gần hơn đến đạo luật an ninh về Hồng Kông.
Ông Ruan Zongze, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chỉ ra "Sự đe dọa của Washington đã không ngăn được Quốc hội [Trung Quốc] thông qua luật an ninh quốc gia Hồng Kông".
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chiều 27/5 tuyên bố cứng rắn:
"Vấn đề dự luật an ninh quốc gia Hồng Kông hoàn toàn là công việc nội bộ của Trung Quốc, không cho phép bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài. Đối với những hành vi sai trái của thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc của Hồng Kông, chúng tôi sẽ áp dụng biện pháp cần thiết để trả đũa."
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus