Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1188/QĐ-TTg ngày 15/10/2024 chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau.
Theo đó, mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau đảm bảo khai thác máy bay A320, A321 và tương đương; tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của tỉnh Cà Mau và khu vực.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư dự án. Vốn đầu tư của dự án khoảng 2.400 tỷ đồng , sử dụng 100% vốn chủ sở hữu của ACV.
Về quy mô dự án gồm xây dựng mới đường cất hạ cánh kích thước 2.400mx45m, đảm bảo khai thác máy bay A320, A321 và tương đương; xây dựng đường lăn nối đường cất hạ cánh với sân đỗ máy bay kích thước 128mx15m, lề vật liệu mỗi bên 5m và 5 đường lăn chờ; xây dựng sân đỗ máy bay ở khu vực phía Nam kích thước 182mx112,5m, lề vật liệu rộng 5m, đáp ứng khai thác 3 vị trí đỗ A320, A321 và tương đương.
Đồng thời, sẽ cải tạo, mở rộng nhà ga hành khách hiện hữu đạt công suất 500.000 hành khách/năm (có thể mở rộng đảm bảo khai thác 1 triệu hành khách/năm khi có nhu cầu). Diện tích xây dựng nhà ga hành khách khoảng 2.668m2, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 4.200m2, 2 tầng, chiều cao công trình khoảng 9,5m.
Bên cạnh đó, dự án sẽ xây dựng một số hạng mục công trình phụ trợ đồng bộ khác như đường giao thông kết nối sân đỗ máy bay mới về khu nhà ga hành khách, nhà xe ngoại trường, trạm khẩn nguy cứu hỏa, hệ thống hàng rào an ninh, đường vành đai đồng bộ.
Sân bay Cà Mau hiện là sân bay quy mô cấp 3C, đường cất hạ cánh dài 1.500 m, rộng 30 m, đáp ứng khai thác loại tàu bay thương mại loại nhỏ như ATR72 (tối đa 90 khách), Embraer E190 (124 khách) và tương đương. Nhà ga có công suất 200.000 khách mỗi năm.
Theo quy hoạch tổng thể ngành hàng không, cảng Cà Mau đến năm 2030 là sân bay cấp 4C (tiếp nhận các máy bay tầm trung), công suất một triệu khách mỗi năm; đến năm 2050 là sân bay cấp 4C, công suất 3 triệu khách mỗi năm.
Cà Mau đang hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối
Cà Mau nằm ở cực Nam của Việt Nam, thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Lãnh thổ gồm hai phần: phần đất liền và vùng biển chủ quyền. Cà Mau là tỉnh duy nhất cả nước có ba mặt giáp biển. Phía Bắc và Đông Bắc giáp hai tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu. Phía Đông và Đông Nam giáp biển Đông. Phía Tây giáp vịnh Thái Lan.
Cà Mau nằm trên bán đảo, có vị trí địa lý khá đặc biệt. Mũi Cà Mau là nơi duy nhất trên đất liền có thể ngắm được mặt trời mọc lên từ mặt biển Đông vào buổi sáng và lặn xuống mặt biển Tây vào buổi chiều. Cà Mau nằm ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á nên rất thuận lợi giao lưu, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực.
Tăng trưởng kinh tế của tỉnh Cà Mau 6 tháng đầu 2024 ước tăng 6,96%, đứng thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 22 cả nước. Một số ngành, lĩnh vực quan trọng đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ và so với kế hoạch. Trong đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9,3%, kim ngạch xuất khẩu tăng 8,9%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 19,3%, thu ngân sách tăng 14,5% so cùng kỳ.
Trong năm 2023, tỉnh Cà Mau đã đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông trọng điểm như: cầu sông Ông Đốc, tại thị trấn Sông Đốc, tuyến trục Đông - Tây, tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thành phố Cà Mau.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cầu Gành Hào nối Cà Mau và Bạc Liêu, tuyến đường Cà Mau - Đầm Dơi, Cái Nước - Vàm Đình - Cái Đôi Vàm, U Minh - Khánh Hội, Đầm Dơi - Thanh Tùng…
Sắp tới, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hoàn thành, sân bay Cà Mau được nâng cấp, mở rộng, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các thị trường tiêu thụ lớn ở phía Bắc và miền Trung , mà còn thuận lợi trong thu hút đầu tư của tỉnh.