Tháp nghiêng Pisa nổi tiếng toàn thế giới bởi độ nghiêng có một không hai của nó, nhưng một tin vui là mới đây, các chuyên gia đã tiết lộ rằng toà tháp này đang có dấu hiệu đứng thẳng trở lại.
Cụ thể, nhóm giám sát của toà tháp, vốn đảm nhận công việc giám sát quá trình phục hồi, cho biết công trình này hiện "ổn định và đang giảm dần độ nghiêng một cách rất chậm".
Khối kiến trúc trung cổ cao 57m này đã được kéo thẳng thêm 4cm trong hơn 2 thập kỷ qua. "Như thể tuổi đời của nó đã giảm đi 2 thế kỷ vậy" - Giáo sư Salvatore Settis giải thích.
Nunziante Squeglia, một giáo sư chuyên ngành địa kỹ thuật tại Đại học Pisa, người làm việc chung với nhóm giám sát, nói thêm rằng: "Điều đáng nói nhất ở đây là độ ổn định của toà tháp chuông, nay đã tốt hơn so với dự kiến".
Hồi năm 1990, địa điểm du lịch nổi tiếng này đã phải đóng cửa không cho phép công chúng tham quan lần đầu tiên trong vòng 800 năm, bởi người ta lo ngại rằng nó có thể đang trên đà sụp đổ. Vào thời điểm đó, toà tháp này đã nghiêng đến 4,5m so với trục đứng.
Một uỷ ban quốc tế dẫn dắt bởi Giáo sư Michele Jamiolkowski, một chuyên gia người Ba Lan, đã tích cực nghiên cứu để ổn định toà tháp từ năm 1993 đến 2001. Cuối cùng, độ nghiêng đã được giảm bớt...45cm, nhưng chi phí bỏ ra lại không nhỏ như vậy: 200 triệu bảng Anh!
Tháp nghiêng Pisa là địa điểm du lịch yêu thích của rất nhiều tín đồ "sống ảo"
Toà tháp nổi tiếng của Ý đã nghiêng ngay từ thuở nó mới ra đời, chính xác là chỉ 5 năm sau khi quá trình xây dựng bắt đầu vào năm 1173.
Nguyên nhân của điều này là mặt Nam của lớp đất sét và cát dưới chân tháp mềm hơn mặt Bắc, nên khi người ta xây đến tầng thứ 3, khối lượng đè lên phần móng tăng cao khiến đất cát bắt đầu dịch chuyển và gây mất ổn định cho chính phần móng đó.
Và trong khi các kỹ sư đang nỗ lực hết mình để giải cứu một di tích lịch sử mang tầm quốc tế, thì những vị khách du lịch vui tính có thể yên tâm rằng họ vẫn sẽ có được những tấm ảnh "sống ảo" không đụng hàng như chị áo xanh trong hình trên.