Để được trao danh hiệu này, phở Nam Định đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí bao gồm: có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương, phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ, có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài. Di sản này được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
Quyết định công nhận di sản cho biết Chủ tịch UBND các cấp, nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục, phải thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 9/8.
Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, cả Hà Nội và Nam Định đều xây dựng hồ sơ đề nghị nghề nấu phở ở hai địa phương trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, trong danh mục di sản đợt này chỉ có phở Nam Định. Ngoài ra, danh mục còn có sự xuất hiện của mì Quảng.
Với sự bổ sung lần này, Việt Nam hiện có 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia về ẩm thực là phở Nam Định, mì Quảng, nghề làm nước mắm Nam Ô, nghề làm nước mắm Phú Quốc.
Số liệu được công bố cho thấy tỉnh Nam Định hiện có khoảng 300 hàng phở, phân bố khắp 10 huyện, thành phố. Trong đó thành phố Nam Định và huyện Nam Trực là hai địa phương có số lượng hàng phở nhiều nhất, nhiều cửa hàng đã qua 2-3 thế hệ, có tuổi đời từ 30-50 năm. Đông đảo cửa hàng cũng có tuổi đời 10-20 năm.