Người dân Hà Nội đã bắt đầu làm quen với đường phố thông minh
Từ 1/5, hai tuyến đường chính của thành phố Hà Nội là Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt đã bắt đầu thí điểm dịch vụ trông giữ xe tự động Ipacking thông qua điện thoại thông minh. Dù còn những bỡ ngỡ, nhưng cảm nhận của người dùng về dịch vụ này khá tích cực. (đọc tin chính)
Theo đó, có gần 300 vị trí đỗ xe được khai thác thông qua dịch vụ này trên hai tuyến phố kể trên và người dân dễ dàng tìm thấy, đánh giá được khả năng đỗ xe của bản thân thông qua điện thoại di động, có còn chỗ trống không, nó ở vị trí nào….
Điều đó sẽ giúp người lái xe không còn phải lòng vòng tìm chỗ đỗ phù hợp, hạn chế tắc đường, và nguy cơ va chạm phương tiện do sự bối rối.
Với ứng dụng được cài sẵn trên điện thoại, người dân cũng không cần phải tìm người chi trả tiền gửi xe, được tự động thông báo về thời gian để có thể gia hạn khi muốn đỗ thêm.
Đặc biệt, việc định mức giá 15.000 đồng cho 1 giờ đỗ xe, trừ tiền tự động, chắc chắn sẽ tác động rất nhiều đến thói quen đỗ xe của người dân.
Người dân sẽ tính toán công việc để tiết kiệm thời gian, đồng thời cũng là tiết kiệm tiền gửi xe, hoặc lựa chọn phương tiện phù hợp với thời gian của mình.
Giữ xe bằng ứng dụng thông minh đang khiến đường phố trở nên thông minh hơn, và không chỉ có thế, thói quen của con người cũng vì thế mà thông minh hơn. Hy vọng, Hà Nội sẽ nhanh chóng có thêm nhiều đường phố thông minh như thế!
Ảnh: Pháp luật TP HCM.
Người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được tiếp cận điện ảnh miễn phí
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Chính sách đặc thù hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến phim tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. (đọc tin chính)
Theo đó, Nhà nước đầu tư 68 bộ thiết bị chiếu phim bao gồm máy chiếu phim lưu động kỹ thuật số và hệ thống trang thiết bị kỹ thuật đi kèm cho các đội chiếu phim lưu động thuộc 30 trung tâm phát hành phim và chiếu bóng, trung tâm điện ảnh các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có điều kiện đặc thù.
Nhà nước cũng trang bị 25 xe ôtô hoặc cơ giới chuyên dùng cho 25 trung tâm phát hành phim và chiếu bóng, trung tâm điện ảnh để thực hiện công việc này. Đề án sẽ được thực hiện hết năm 2018 với tổng kinh phí là 41 tỷ đồng.
Về mặt nội dung, đề án này không mới bởi trong quá khứ, việc tổ chức chiếu bóng lưu động đã từng có, và là một phần ký ức vàng son đối với nhiều người về những buổi xem phim tập thể thời bao cấp.
Có người sẽ coi việc khôi phục hoạt động này là sự lãng phí không cần thiết, bởi người dân dù ở nông thôn cũng đã dễ dàng hơn rất nhiều trong việc tiếp cận điện ảnh thông qua ti vi, hoặc internet.
Song, tôi nghĩ rằng có sự khác nhau rất nhiều giữa việc tiếp cận điện ảnh được định hướng bởi thị trường, đằng sau là các công ty quảng cáo, với việc tiếp cận có chọn lọc, được thực hiện bởi của các cơ quan có trách nhiệm về văn hóa.
Việc các cộng đồng dân cư cùng chia sẻ quá trình thụ hưởng văn hóa cũng sẽ hình thành những giá trị chung về thẩm mỹ.
Đó là điều cần thiết đối với một xã hội đang có quá nhiều sự phân rã, bất đồng như hiện nay. Vi thế, tôi thấy ấm áp khi đọc tin này.
Người cha nghèo mang mì tôm đưa con đi chơi
Dù bạn giàu, hay nghèo thì nhu cầu thụ hưởng văn hóa, giải trí vẫn luôn tồn tại.
Tôi thấy ấm áp khi đọc tin Chính phủ phê chuẩn đề án chiếu phim lưu động cho bà con vùng sâu, vùng xa bởi trước đó tôi đọc được câu chuyện về một người cha nghèo mang theo mì tôm, rau cải đưa con gái đi tắm biển Sầm Sơn dịp nghỉ lễ 30/4. (đọc tin chính)
Câu chuyện được anh Hoàng Anh Tú (28 tuổi, Hội An, Quảng Nam) chia sẻ trên mạng xã hội.
"Ở đây có phòng nghỉ nào tầm 300-400.000 đồng không chú ơi.
Tôi tranh thủ đưa con út đi chơi biển cho biết mà giá phòng đắt quá, toàn 800.000 đến một triệu đồng/đêm, phòng nằm quạt thôi cũng được", người cha hỏi thăm anh Tú khi họ tình cờ gặp nhau.
Ông bảo nếu có phòng 300.000, họ đủ tiền ở 2 hôm, còn 400.000 thì sáng hôm sau về sớm.
"Thế chú có báo cơm ăn không?".
"Tôi mua mì tôm với rau, tí xin nước sôi ăn bữa trưa, để xem tối có gì ngon cho cháu ăn một bữa cho biết, chứ tôi ăn gì chả được", người cha nói.
Sau đó anh Tú đã dàn xếp với một chủ nhà nghỉ về giá cả và họ đồng ý. Cuối cùng hai cha con cũng có những bữa cơm đầy đủ, phòng nghỉ như bình thường.
Trong cuộc sống của chúng ta, dù ở thời nào thì cũng luôn có những người cha như thế, luôn muốn dành cho con những điều tốt nhất trong khả năng của mình.
Thậm chí, dù để đáp ứng một nhu cầu có vẻ như phù phiếm là đi chơi ngày lễ của đứa con, người cha ấy phải nhịn ăn, nhịn mặc, thậm chí phải quên đi hoàn cảnh nghèo khó của mình.
Tốt, hay xấu khi chiều chuộng con cái trong khi điều kiện tài chính không sẵn sàng đáp ứng? Đó có thể là một đề tài gây tranh cãi.
Song, tôi nghĩ rằng chẳng nên tranh cãi về câu chuyện này, bởi trên hết, không có điều gì tốt hơn việc chúng ta có thể hi sinh bản thân cho niềm vui của những người thân yêu.
Như người cha nghèo ở Thanh Hóa, và như ông cụ Koruki ở Nhật Bản, người đã trồng cả cánh đồng hoa chỉ để mọi người đến ngắm miễn phí cho người vợ ốm đau không thể đi du lịch của mình thấy vui như được đi du lịch. (đọc tin chính)