Tin tốt lành là chúng ta luôn có những tấm gương để soi vào khi muốn trở nên tử tế hơn.
Chính quyền thuê đất của dân để làm nông nghiệp kỹ thuật cao
Sáng 30/3, tôi đã phải dừng xe lại để nghe hết cuộc phỏng vấn trên Đài TNVN, người trả lời phỏng vấn là một nữ cán bộ huyện Lý Nhân, Hà Nam, nội dung xung quanh việc chính quyền các xã thuộc huyện Lý Nhân đã đứng ra ký hợp đồng với từng hộ dân để thuê đất để có đủ diện tích cho doanh nghiệp thuê lại, làm nông nghiệp kỹ thuật cao với quy mô lớn.
Tôi đã nghe hết cuộc phỏng vấn này và ngỡ ngàng bởi không hiểu vì sao cho đến lúc này các bậc trí giả của nước nhà vẫn còn đang loay hoay với câu hỏi làm thế nào để mở rộng hạn điền để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn?
Chính quyền đứng ra ký hợp đồng thuê đất của dân trong 20 năm, trả tiền một lần rồi cho doanh nghiệp thuê lại để tích tụ là chính sách mạnh bạo nhất của Hà Nam. Ảnh: Báo Nông nghiệp VN
Ở một vùng đất thuần nông châu thổ sông Hồng, chỉ ngay sát Hà Nội, người ta đã làm việc đó thành công.
Ở đó, chính quyền các xã đã chủ động đàm phán, ký hợp đồng thuê lại đất bãi của từng hộ dân để tạo thành một quỹ đất sản xuất nông nghiệp đủ lớn, đủ hấp dẫn với các doanh nghiệp, sau đó cho các doanh nghiệp thuê lại bằng đúng mức giá mà chính quyền thuê lại của dân, với cam kết sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao.
Họ làm việc đó có khó không? Xin thưa rằng không. Bởi mức giá mà chính quyền địa phương thuê đất của người dân tương đương sản lượng ngô bình quân mỗi năm (ngô là cây chủ lực của vùng đất này).
Người nông dân không phải đầu tư gì, không sợ mất mùa, không sợ thiên tai, sâu bệnh, lại được trả tiền trước 20 năm cho cánh đồng của mình, mà vẫn giữ được tài sản đất của mình. Khi cho thuê đất rồi, họ lại được trả công để làm công việc quen thuộc trên cánh đồng của mình để có thêm thu nhập.
Doanh nghiệp được gì, họ có một quỹ đất đủ lớn để phát triển, có đủ thời gian để yên tâm đầu tư lâu dài, có sự hợp tác của người dân, có những người lao động quen thuộc đồng đất và sẵn sàng làm việc theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp. Họ lại còn được chính quyền địa phương hỗ trợ hạ tầng vào tận hàng rào.
Chính quyền địa phương được gì? Được thấy người dân có việc làm, được thấy đồng đất quê mình được đầu tư và tạo ra sản phẩm giá trị cao. Những lo toan về mùa vụ giờ đây đã được doanh nghiệp chia sẻ, chính quyền địa phương rảnh tay hơn để quản trị xã hội, để triển khai những công việc mang lại giá trị gia tăng cho đồng quê.
Điều khó khăn duy nhất để việc này thành công là những cán bộ địa phương ấy không chỉ nhìn vào lợi ích cá nhân của mình, mà vì lợi ích của người dân, lợi ích của doanh nghiệp, vì sự phát triển chung của quê hương. Họ đã vượt qua yếu tố khó khăn này, tạo ra một tiền lệ chưa từng có, đứng ra thuê đất của dân, cho doanh nghiệp thuê để phát triển, mà người dân không lo bị mất đất.
Một ý tưởng văn hóa đến từ Bộ Văn hóa
Trong buổi làm việc với Thành phố Hà Nội hôm 29/3, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết khuôn viên Nhà hát lớn Hà Nội sẽ được chỉnh trang, xóa bỏ hàng rào và quán café bên trong để tại thành công viên mở, kết nối với các không gian văn hóa công động để trở thành một điểm văn hóa đặc biệt, phi thương mại phục vụ nhu cầu văn hóa của người dân thủ đô.
Đây là một tin tốt lành đặc biệt! Bởi nó cho thấy tư duy của ngành văn hóa đã tiệm cận với những triết lý văn minh về không gian công cộng.
Khi Nhà hát lớn không còn hàng rào, vườn hoa bên cạnh không còn bị cho thuê để bán café, khi bảo tàng lịch sử, bảo tàng cách mạng bên canh đó cũng sẽ bỏ hàng rào, quán bia bên hông bảo tàng cách mạng cũng không còn, ba công trình kiến trúc văn hóa đẹp đẽ này được liên kết với những vườn hoa nhỏ bị chia cắt lâu nay.
Hà Nội sẽ có một địa điểm văn hóa đủ lớn để quy tụ các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trở thành một bối cảnh đẹp cho sinh hoạt văn hóa công cộng của người dân Thủ đô.
Hy vọng, đây sẽ là bước khởi đầu để xóa bỏ hoàn toàn hàng rào các vườn hoa, công viên của thành phố, để tất cả các công viên được trở về với đúng nghĩa của nó, là những không gian công cộng của thủ đô.
Hoan hô Bộ Văn hóa với ý tưởng này, một ý tưởng vì chất lượng cuộc sống của người dân!
Ông Năm Hấp và những tấc vàng
Câu chuyện tốt lành nữa mà tôi muốn chia sẻ với các bạn hôm nay là chuyện ông Năm Hấp ở Quận Tân Phú, TP. HCM, người đã dành gần 1000 m2 đất hương hỏa của gia đình lập chợ mời bà con bán hàng rong vào buôn bán.
Với mức phí ban đầu chỉ 10.000 đồng/người/ngày, khu chợ của ông Năm Hấp với khoảng 30 tiểu thương thường xuyên hoạt động chỉ mang lại cho ông một khoản tiền ít ỏi, đủ để ông trả tiền điện nước, vệ sinh, và nâng cấp mặt bằng.
Trong khi, với diện tích đó, ở một quận nội thành TpHCM, chẳng phải làm gì thì nó cũng mang lại một nguồn lợi lớn cho ông. Nhưng suốt 10 năm nay, mảnh đất hương hỏa của gia đình ông Năm Hấp là chốn đi về mưu sinh của những tiểu thương nghèo.
Ngôi chợ được hình thành là do ông Năm Hấp tự bỏ đất riêng để mở ra cho những người bán hàng rong trên vỉa hè. Ông Năm Hấp tên đầy đủ là Lý Văn Hấp, năm nay 70 tuổi. Ảnh: Công an TP.HCM
Câu chuyện của ông Năm Hấp không phải bây giờ tôi mới biết, song giờ đây tôi muốn chia sẻ lại với bạn đọc, khi mà cũng trên những đường phố ở TpHCM, nhiều người đang tâm lấn ra đất công từng cái bậc tam cấp, và người ta bỉ bôi những nỗ lực lập lại sự công bằng trên vỉa hè của lực lượng chức năng.
Đất đai ở thành phố, mỗi tấc đất là một tấc vàng, vì thế việc chiếm dụng những tấc vàng của công làm tài sản của mình trở nên phổ biến. Song, bên cạnh đó, vẫn có người mang những tấc vàng của mình giúp đỡ người khác, như ông Năm Hấp.
Tôi mong rằng những người vẫn cố gắng giữ lấy những tấc đất mà họ chiếm dụng trái phép trên vỉa hè thành phố, khi nghe chuyện về ông Năm Hấp, ít nhất, họ cũng nên xấu hổ.