Một niềm vui sâu xa đến với tôi trong tuần qua là tin hai đứa trẻ - bé Trường và bé Vũ trong bài eMagazine chúng tôi thực hiện hôm 1/6 đã được một ân nhân giúp đỡ tiếp tục đi học đến hết lớp 12. (đọc tin chính)
Từ một nơi cách xa Việt Nam, nhờ những thông tin và sự đồng cảm mà số phận của hai đứa trẻ nghèo giờ đây đã thay đổi.
Cuộc đời của cha mẹ chúng-hai người thợ sơn quê ở miền Tây, vì mù chữ cho nên thường xuyên bị người ta bắt chẹt mà không biết cách nào để tự bảo vệ, và vì mù chữ cho nên đi lạc đường và được chỉ lối về nhưng cũng không thể nào về được... cuộc đời của ít nhất bốn con người đó, sẽ thay đổi.
Đã thay đổi! Đây là một trong những lần mà trái tim tôi rung lên vì ngỡ ngàng trước ý nghĩa quá lớn lao của vài từ đơn giản ấy.
Xin chia sẻ với bạn đọc niềm vui này của những người làm báo chúng tôi.
Sài Gòn cũng sẽ thay đổi
Một sự thay đổi trên bình diện lớn với người dân Sài Gòn đến từ lời hứa của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "sẽ tạo điều kiện cho TP HCM phát triển". (đọc tin chính)
Từ mấy chục năm nay, kiến nghị quy hoạch vùng TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà Sài Gòn là trọng tâm đã được các nhà kinh tế kiên trì đề xuất và bảo vệ, thế nhưng tiến hành khá chậm.
Với kiến nghị của Bí thư thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân và sự đồng tình của Thủ tướng, hy vọng tin tốt lành này sẽ trở thành sự thật.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo TP.HCM sáng 23/6. Ảnh : VNN.
Trong những nội dung Thủ tướng mong muốn Sài Gòn phải thay đổi để đảm bảo vị thế đô thị có những yêu cầu thiết thực về giải tỏa ngập nước, kẹt xe.
Do vậy đây là tin tốt lành mà ai hay di chuyển trong vùng TP HCM đều nên biết: Dự kiến trong tháng 6 này thành phố sẽ đưa vào sử dụng tuyến buýt đường sông đầu tiên, tuyến Linh Đông - Bạch Đằng dài 11km.
Tuyến bắt đầu từ bến đò Bình Quới (P.Linh Đông, Q.Thủ Đức) theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa rồi lại theo sông Sài Gòn và kết thúc ở Bến Bạch Đằng (P.Bến Nghé, Q.1). (đọc tin chính)
Giao thông đường thủy sẽ vừa giúp chống ùn tắc trên bộ, vừa là một hành trình du lịch mới và hấp dẫn tại TP sông nước này.
Một thay đổi khác vẫn tại TP HCM sẽ mang lại niềm vui cho rất nhiều người dân ngoại thành. (đọc tin chính)
Có những cái án "treo" lơ lửng suốt mấy chục năm ở những vùng quy hoạch khiến đất đai bỏ hoang, người dân đi không được, ở không xong, đang không một vùng dân cư tươi tốt bỗng dần dần biến thành khu ổ chuột, kiện tụng tứ phía.
Chỉ một thay đổi nhỏ của chính sách sẽ khiến sức sống của người dân bùng dậy, hồi sinh những mảnh đất vàng, nên đó thực sự là một tin tốt lành.
Hà Nội chấm dứt thời "không vội được đâu"
Ở đầu Hà Nội, sự thay đổi đáng hoan nghênh là về môi trường đầu tư và tư duy đối xử với doanh nghiệp với phát biểu hài hước nhưng chính xác của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): "Hà Nội đã vượt qua nỗi ám ảnh "không vội được đâu". (đọc tin chính)
Theo ông Lộc, Hà Nội đã nhanh chân hơn trong cải thiện môi trường cạnh tranh. Chỉ trong một năm, chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Nội đã tăng 10 bậc, lọt vào "top" những thành phố có môi trường kinh doanh tốt.
Giảm gánh nặng cho bệnh nhân
Trong lĩnh vực y tế, một thay đổi vừa manh nha và còn ít ỏi nhưng cũng sẽ góp phần giảm nhẹ gánh nặng về tiền bạc và thời gian cho bệnh nhân, giảm sự chồng chéo và tốn kém cho bệnh viện.
Từ 1/7 tới đây, việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện sẽ bắt đầu được thực hiện tại 38 bệnh viện tuyến Trung ương, và trước 1/1/2018, các bệnh viện hạng 1 cũng sẽ phải liên thông.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, chỉ cần giảm được 1% số xét nghiệm thì mỗi năm đã giảm được khoảng 4,75 triệu lượt xét nghiệm không cần làm lại với giá trị gần 240 tỷ đồng.
Con số này làm tôi nhớ đến những bác sĩ mặc áo blouse trắng ra chợ địa phương cầm bảng quyên góp từng chục ngàn một để giúp viện phí cho bệnh nhân nghèo.
Tấm lòng của họ thật đáng trân trọng nhưng ước gì người bác sĩ ấy được cung cấp đủ phương tiện chữa trị, bệnh viện ấy có một quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo từ những đồng tiền được tiêu dùng hợp lý thì hiệu quả sẽ lớn hơn rất nhiều.
Vẫn trong lĩnh vực y tế: hôm nay, tốp 7 bác sĩ trẻ đầu tiên của dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại 62 huyện nghèo (gọi tắt là Dự án 585) do Bộ Y tế triển khai từ 2014 sẽ lên đường về huyện Bắc Hà (Lào Cai). (đọc tin chính)
Dự kiến ngày 28/6, Bộ Y tế sẽ tổ chức lễ bàn giao bảy bác sỹ trẻ khóa I về công tác tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Ảnh: L.T.
Đây là chủ trương rất nhân văn và hợp lý vì tại các vùng sâu, vùng xa và biên giới hải đảo, hệ thống y tế công lập rất thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhất là cán bộ y tế. Do giao thông khó khăn nên khi bị bệnh, nhiều người không kịp đến cơ sở y tế đã tử vong.
Tin này lại làm tôi nhớ đến những đứa trẻ nghèo ao ước lớn lên sẽ trở thành bác sĩ chỉ vì một lần đi khám bệnh được chú bác sĩ khám rất tận tình và hỏi chuyện ngọt ngào...
Những hành động tốt đẹp giống như những hạt mầm, chỉ cần một cơn mưa đúng lúc sẽ tặng lại cả một đồng hoa tươi thắm.
Tin vui cho nông sản Việt Nam
Sau khi mở cửa thị trường Úc cho vải thiều và xoài, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam đang tích cực làm việc với Bộ Nông nghiệp và tài nguyên Úc đế đưa chôm chôm, thanh long, vú sữa, nhãn... vào Úc.
Thanh long là mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt gần 900 triệu USD, chiếm tỷ trọng 50,3 % trong xuất khẩu trái cây tươi và 36% trong tổng giá trị xuất khẩu trái cây của Việt Nam.
Hàng vạn nông dân các vùng trồng thanh long chủ lực như Bình Thuận, Long An đã đổi đời nhờ loài cây này, nay với trị giá tăng lên của nó, vùng nông thôn khô cằn trước kia sẽ mau chóng biến thành làng du lịch sinh thái với những khu vườn bằng vàng. ( đọc tinh chính)
Hải Vân Quan - "thiên hạ đệ nhất hùng quan" hồi sinh sau hơn 190 năm tồn tại. (đọc tin chính)
Mới đây danh thắng Hải Vân Quan đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia.
Với chủ trương khôi phục lại Hải Vân Quan, con đường đèo tuyệt đẹp Hải Vân giữa trời mây và biển cả sẽ có thêm điểm nhấn du lịch mà ai qua một lần sẽ không dễ quên.
Nhà của thời thanh xuân - Quán của thời thanh xuân
Trên phố đi bộ Sài Gòn, thường đêm có một người phụ nữ nhỏ nhắn đội chiếc mũ rộng vành đứng trước làm mẫu cho một dàn "diễn viên" khiếm thính múa theo tiếng nhạc rộn rã.
Bà là cô giáo dạy trẻ khiếm thính, bản thân bà cũng có con khiếm thính. Từ thực tế của con mình, bà nhận thấy trẻ khiếm thính rất cần không gian chia sẻ và hòa nhập với xã hội.
Tìm tòi các bài múa, dạy trẻ nhìn dấu hiệu để tập múa đúng nhịp và động viên trẻ vượt qua mặc cảm để tự tin đứng biểu diễn nơi đông người, bà chỉ muốn các em có được niềm vui khi thấy được chia sẻ và đồng cảm.
Tại Đà Lạt, có một nơi để những người đầy đủ giác quan thông thường tìm đến, trải nghiệm và chia sẻ những điều không lời như vậy. (đọc tin chính)
Nhà báo có bút danh Nữ Vương bình luận về những người sống ở nơi này là "sống như những đóa hoa". Tôi không có từ nào xứng đáng hơn để nói về họ.
Sống như những đóa hoa
Có những đóa hoa nấu cơm miễn phí cho tụi nhỏ đi thi (đọc tin chính), đi mổ mắt miễn phí cho người nghèo. (đọc tin chính)
Hay câu chuyện dễ thương về anh "hotboy chữa cháy", vừa làm bài thi vừa ngáp mà vẫn nghĩ không biết đám cháy tắt chưa. (đọc tin chính)
Có những lúc cuộc đời thật là vui!