"Làm gì mà đội vốn đến 36 lần"?
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản cho ý kiến về việc đầu tư dự án trụ sở cơ quan hành chính tỉnh Hà Giang. Bộ Kế hoạch nói: không còn tiền.
Bộ KH-ĐT cho biết, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020, tỉnh Hà Giang được giao hơn 8.800 tỷ đồng.
Hiện tổng vốn đầu tư công trung hạn đã được phân bổ cho bộ, ngành địa phương, không còn nguồn để bổ sung thêm cho Hà Giang xây trụ sở .
Bộ KH-ĐT lưu ý: "Hà Giang là tỉnh nghèo, khả năng cân đối nguồn lực hạn chế, đang có nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, nợ ứng lớn, đề nghị tỉnh nghiên cứu, rà soát lại tính cấp bách, sự cần thiết phải thực hiện dự án trong giai đoạn hiện nay".
Đây có lẽ là lần hiếm hoi chúng ta công khai dùng đến "khái niệm" nghèo để từ chối một dự án. Và đây là một tín hiệu đáng mừng.
Trước nay, dư luận đã quá quen với những dự án công được đầu tư nghìn tỷ. Với những con đường đắt nhất hành tinh, những tượng đài, nhưng trụ sở nghìn tỷ…
Thậm chí, trong báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước vừa trình bày tại Quốc hội còn cho biết có dự án như Dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, tỉnh Ninh Bình đã điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 72 tỷ lên tới 2595 tỷ đồng (tăng 36 lần).
Đến mức, trước Quốc hội, một đại biểu của tỉnh Quảng Trị phải thảng thốt: "Làm gì mà đội vốn đến 36 lần như dự án ở Ninh Bình"?
Lý giải về việc đội vốn gây "sốc", bà Nguyễn Thị Thanh – Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình cho biết, dự án ban đầu quy mô nhỏ nhưng khi làm vướng khu cố đô nên yêu cầu phải mở rộng, phải giải phóng mặt bằng, lo tái định cư nên dẫn đến đội vốn. Nguyên nhân chính là do khảo sát không kỹ. (đọc tin chính)
Tất nhiên, khi xây dựng dự án thì người ta luôn đưa ra những lí do thoáng nghe rất thuyết phục để đề nghị phê duyệt. Chẳng hạn nếu là xây trụ sở thì sẽ là trụ sở cũ đã xuống cấp nghiêm trọng, chật chội, không đảm bảo điều kiện làm việc… và vô vàn lý do cần thiết khác.
Chỉ có điều, những công bộc của nhân dân dường như quên mất rằng trụ sở có cũ, có xuống cấp đến đâu, thì điều kiện của nó vẫn còn hơn hẳn hàng vạn ngôi nhà tranh, vách đất của nhân dân vẫn đang tồn tại đầy rẫy trên khắp Việt Nam.
Những tượng đài nghìn tỷ dù được khoác lên ý nghĩa hoa mỹ thế nào thì chắc chắn cũng chẳng cấp thiết bằng bệnh viện, trường học, hay những cây cầu phục vụ trẻ em vùng sâu, vùng xa không còn phải đu dây đến lớp.
Ngân sách đầu tư công trở thành miếng bánh màu mỡ mà người ta ra sức cấu véo, xà xẻo, với tâm lý chẳng tội gì: mình không xin, không tiêu thì tỉnh khác, ngành khác, đơn vị khác cũng tiêu mất. Một sự méo mó đáng sợ!
Thế nên, việc cơ quan quản lý nhắc đến một sự thật là chúng ta vẫn nghèo là rất cần thiết.
Đã đến lúc cần phải thẳng thắn với nhau rằng chúng ta vẫn là một nước có thu nhập trung bình thấp.
Thậm chí, nếu so với nhiều nước láng giềng hay trong khu vực như Trung Quốc, Singapore…thì chúng ta là một nước nghèo, chứ không phải đất nước ta giàu tài nguyên, rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu như cách thế hệ chúng tôi vẫn được dạy.
Đã nghèo thì đơn giản là không thể tiêu tiền như cách của người giàu, thay vào đó phải căng mình làm việc quần quật bằng vài lần người ta mới có cơ hội thoát nghèo.
"Quốc hội cần làm hết việc chứ không hết giờ"
Tuần trước, Hàn Quốc mới kỷ niệm mới kỷ niệm 57 năm ngày Tổng thống Park Chung Hee thực hiện cuộc đảo chính quân sự để giành chính quyền. Cho đến nay người Hàn vẫn có rất nhiều ý kiến trái chiều về vị tổng thống độc tài này.
Nhưng tất cả đều thừa nhận chính quãng thời gian cả nước Hàn phải lao động 12-14 tiếng/ngày với những quy định hà khắc của ông Park Chung Hee chính là tiền đề quan trọng để đất nước này "hóa rồng" thần kì trong một thời gian ngắn.
Có lẽ nhiều người cũng có chung sự hụt hẫng giống tôi khi theo dõi một phiên thảo luận, chất vấn của Quốc hội chưa đi đến tận cùng vấn đề, còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp thì phải dừng lại vì hết giờ.
Tôi hiểu rằng Đại biểu quốc hội phải làm việc với cường độ cao, cần thời gian để nghiên cứu tài liệu phục vụ cho các phiên sau, nên cần phải được nghỉ ngơi. Thế nhưng, cái lí do hết giờ vẫn ít nhiều phản cảm.
Công nhân, người lao động có thể tăng ca, có thể làm việc nhiều hơn 8 tiếng/ngày. Tại sao Quốc hội, nơi thảo luận những vấn đề quan trọng nhất của đất nước lại cứ hết giờ thì nghỉ? Chợt nghĩ, nếu người Hàn cũng giữ cung cách làm việc hết giờ như vậy thì liệu đất nước Hàn Quốc giàu mạnh ngày nay đã trôi về đâu?
Bởi vậy, khi đại biểu quốc hội Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng lên tiếng ủng hộ quan điểm "Quốc hội cần làm hết việc chứ không hết giờ" thì đó thực sự là một tin tốt lành.
Chúng ta nghèo, chúng ta cần làm hết việc, thay vì sự nhàn nhạ - sự thay đổi quan điểm ấy hoàn toàn có thể là điểm bắt đầu cho một hành trình cất cánh!