Công lý cho nạn nhân chất độc da cam
Hơn 70 triệu lít chất độc da cam chứa dioxin do Monsanto cung cấp đã được rải xuống những cánh rừng Việt Nam trong thời gian từ 1962 – 1973, gây ra những tác hại nghiêm trọng cho môi trường, và nhiều thế hệ con người Việt Nam.
Đó thực sự là một tội ác mang tính hủy diệt nhưng đã bị lãng quên hơn 40 năm qua. Hành trình đi đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam đã kéo dài qua nhiều thế hệ, và tưởng như đã rơi vào vô vọng.
Các thẩm phán trong "Tòa Quốc tế về Monsanto" tại La Hay, Hà Lan ngày 18/4 (Ảnh: EFE)
Ngày 18/4 vừa qua, ánh sáng công lý cho câu chuyện này đã bừng lên tại La Hay, Hà Lan, khi các thẩm phán Tòa tham vấn quốc tế về Monsanto đã kiến nghị tập đoàn hóa chất này phạm tội danh hủy diệt môi trường sinh thái.
Tòa tham vấn quốc tế về Monsanto là một tổ chức xã hội dân sự, và những kiến nghị của tổ chức này không có giá trị ràng buộc pháp lý nhưng những thông điệp được gửi đi có tác động mạnh mẽ tới những người liên quan, thúc đẩy các quá trình pháp lý chống lại Monsanto và các công ty tương tự.
Với những kiến nghị của Tòa tham vấn quốc tế về Monsanto, hành trang pháp lý của Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trở nên dày dặn hơn để tiếp tục hành trình đi đòi công lý để buộc Monsanto phải có trách nhiệm đối với những hậu quả từ chất độc da cam do công ty này sản xuất và cung cấp để sử dụng tại Việt Nam. (đọc tin chính)
Lối thoát ở Đồng Tâm
Gần một tuần qua, cuộc khủng hoảng ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội tưởng như đã rơi vào bế tắc khi người dân quá khích đã bắt giữ gần 40 con tin để gây sức ép với chính quyền từ những mâu thuẫn về giải phóng mặt bằng.
Sự việc sẽ đi đến đâu khi mà cả ngàn người dân tự cô lập mình trong một ngôi làng với những con tin, trong khi chính quyền không thể thỏa hiệp với một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng là bắt giữ người trái phép? Gần một tuần đã trôi qua trong sự căng thẳng tột độ.
Vật dụng người dân vứt bỏ trên đường làng từ mấy ngày trước, khi sự việc bắt đầu xảy ra. Ảnh Vietnamnet.
Cuối cùng thì lối thoát cho câu chuyện đáng buồn này đã xuất hiện, khi Chủ tịch thành phố Hà Nội quyết định mời người dân đối thoại để cùng tháo gỡ sự bế tắc. (đọc tin chính)
Những mâu thuẫn trong quá trình phát triển luôn có thể nảy sinh khi mà hệ thống luật pháp chưa theo kịp những nhu cầu mới phát sinh trong xã hội. Điều đó cần sự lắng nghe, thấu hiểu, thông qua mong muốn đối thoại của các bên liên quan.
Sẽ rất khó có được một cuộc đối thoại như vậy khi chính quyền cứng nhắc, không sẵn sàng lắng nghe tiếng vọng của đời sống dân sinh, trong khi người dân thì hao mòn niềm tin với chính quyền. Rất may điều đó đã không xảy ra.
Người dân Đồng Tâm muốn tiếng nói của mình được lắng nghe, được trực tiếp đối thoại với những người có thẩm quyền giải quyết. Và ngày 20/4 Chủ tịch thành phố Hà Nội đã đáp ứng nguyện vọng ấy bằng cách mời người dân đến UBND huyện Mỹ Đức để đối thoại, trước sự có mặt của truyền thông và đại diện Ban Dân nguyện.
Dù cho sự nghi ngại khiến không có đại diện nào của người dân có mặt tại UBND huyện chiều 20/4, nhưng những động thái tích cực, thiện chí từ cả hai phía vẫn tiếp tục.
Ngày 21/4, Chủ tịch thành phố gọi điện cho dân, hứa sẽ về tận nơi sau khi nhận được bản kiến nghị của bà con. Bên cạnh đó, những cam kết của người đứng đầu thành phố đã đáp ứng cơ bản các nội dung mà người dân mong được đối thoại.
Đó là sự minh bạch của diện tích đất bị thu hồi, đó là cam kết không tấn công người dân để giải cứu con tin, đó là tạm dừng dự án gây tranh cãi… Với những cam kết ấy, người dân không còn lý do để trì hoãn việc thả 20 con tin còn lại. Cuộc khủng hoảng Đồng Tâm có cơ hội được giải tỏa trong bình yên.
Ngày hôm nay, khi mà ông Chủ tịch thành phố vẫn sẵn sàng đối thoại nếu người dân có nhu cầu, có thể những con tin còn lại sẽ được trở lại với gia đình, có thể hành vi bắt giữ người trái phép của người dân Đồng Tâm chưa gây ra những hậu quả nghiêm trọng, và những vi phạm của người dân trong chuyện này có khả năng được xem xét với tình tiết giảm nhẹ.
Một sự việc tưởng chừng bế tắc vẫn hoàn toàn có thể dễ dàng được tháo ngòi nổ khi chính quyền sẵn sàng lắng nghe và đối thoại với người dân. Điều đó có thể sẽ trở thành một tiền lệ tốt cho những câu chuyện về sau. Đó là, trong bất cứ khủng hoảng nào, sự chủ động đối thoại cũng đem lại kết quả tốt đẹp nhất.