TIN TỐT LÀNH ngày 17/3: Bí thư đồng cảm với dân và ước mơ sống lại của sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Kênh Tẻ

Phạm Trung Tuyến |

Trong một tuần mà câu chuyện ấu dâm như một cơn bão ập vào tâm trí của chúng ta bằng cả sự cuồng nộ cùng với nỗi sợ hãi thì tin tức tốt lành dĩ nhiên bị chìm khuất.

Song, cuộc sống luôn có những điều tốt đẹp cần lan tỏa. Hôm nay, tôi sẽ nói với các bạn về cảm xúc của nhân dân, từ câu chuyện thân phận của một dòng sông, về một quyết tâm mạnh mẽ và một lời cảm ơn.

Dòng sông đời người

Có lẽ không nhiều người trong chúng ta biết đến dòng sông mang tên Whanganui ở tận New Zealand. Tôi cũng không biết. 

Nhưng đó là dòng sông đầu tiên trên thế giới được công nhận tư cách pháp nhân, được hưởng những quyền lợi pháp lý như một con người. 

Quyết định được Quốc hội New Zealand thông qua hôm 15/3, kết thúc một quá trình tranh tụng kéo dài 160 năm của một cộng đồng người bản địa với nhà nước New Zealand để đòi quyền được đại diện về mặt pháp lý cho dòng sông.

Trao pháp nhân cho một thành phần của tự nhiên là một quyết định vô tiền khoáng hậu, thậm chí là kỳ dị đối với tư duy thông thường của chúng ta. Trò chuyện với đồng nghiệp của mình về sự kiện này, nhiều người cho rằng đây là một trò đùa của nền dân chủ. 

Song, cá nhân tôi cho rằng đây là một câu chuyện có ý nghĩa to lớn, có thể sẽ trở thành một tiền lệ được phổ biến trên toàn thế giới.

Có bao nhiêu dòng sông trên thế giới này đã và đang chết đi bởi những lợi ích nhất thời, của những con người không có sự gắn kết văn hóa, sinh tồn cùng dòng sông. 

Mới đây thôi, câu chuyện thời sự còn nóng hổi về dòng sông Cầu, để bảo vệ nó, cơ quan quyền lực của tỉnh Bắc Ninh đã bị đe dọa đến mức phải kêu cứu. (đọc tin chính)

Trước đó, lòng ham muốn của một doanh nghiệp cũng đã suýt biến dòng sông Hồng thành một đại công trình thủy điện liên hoàn. (đọc tin chính)

Các dòng sông không có khả năng tự bảo vệ sự tồn vong của mình, không thể đứng ra kiện những quyết định có thể hủy hoại nó. Việc trao pháp nhân cho dòng sông Whanganui có ý nghĩa chính ở điều này.

Theo phán quyết của quốc hội New Zealand, quyền và lợi ích hợp pháp của dòng sông sẽ được đại diện bởi cộng đồng người Maory bản địa và của Nhà nước. 

Như vậy, bất cứ quyết định nào can thiệp tới dòng sông sẽ đều cần đạt được sự đồng thuận của hai đại diện. Tiếng nói của những người Maory bản địa về số phận dòng sông sẽ luôn được tôn trọng, dù mong muốn của nhà nước có như thế nào.

Chuyện của xứ người liệu có dấy lên niềm hy vọng hồi sinh cho những con sông chết của Việt Nam như Tô Lịch, Kim Ngưu (Hà Nội), Kênh Tẻ, Rạch Xuyên Tâm, Rạch Phan Văn Hân (TP.HCM)?

TIN TỐT LÀNH ngày 17/3: Bí thư đồng cảm với dân và ước mơ sống lại của sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Kênh Tẻ - Ảnh 1.

Ảnh: Lao động.

Vỉa hè và lời cảm ơn

Khi tiếng nói, và cảm xúc của nhân dân được tôn trọng, đó luôn là một điều tốt lành. Và cũng trong ngày 15.3, người đứng đầu cấp ủy của Thành phố Hà Nội cũng đã thể hiện điều đó khi nói lời cảm ơn đối với nhân dân Thủ đô vì đã hợp tác với chính quyền trong chiến dịch dành vỉa hè cho người đi bộ. 

Chiến dịch dành vỉa hè cho người đi bộ ở hai thành phố lớn những ngày qua là một câu chuyện thời sự tạo ra quá nhiều sự xung đột cảm xúc. 

Hàng triệu người dân mưu sinh bên vỉa hè sẽ bị hạn chế lợi ích, hàng triệu người khác có một không gian thoải mái hơn. 

Nhu cầu được sử dụng vỉa hè đúng tính chất là không gian công cộng. và thói quen sử dụng vỉa hè như một nguồn lợi riêng của những bộ phận cư dân khác nhau, đẩy chính quyền đô thị vào giữa hai xung đột. 

Về lý, chính quyền có thể thẳng tay đòi lại vỉa hè để phục vụ mục đích công cộng. Nhưng về tình, đó là nỗi ấm ức của rất nhiều người dân vốn đã quen, đã tốn phí để được chiếm dụng vỉa hè. 

Những cảm xúc tiêu cực là có thật, và có những lý lẽ được hình thành như một phần lịch sử của thành phố. 

Bởi thế, lời cám ơn của Bí thư thành ủy Hoàng Trung Hải dành do người dân vì đã hợp tác, chắc chắn là một tiếng nói chân thành, một tiếng nói cất lên từ niềm đồng cảm đối với cảm xúc của nhân dân.

Tuyên chiến với rượu độc

Tin tốt cuối cùng mà tôi muốn chia sẻ cùng các bạn hôm nay là quyết tâm tuyên chiến với rượu độc của thành phố Hà Nội. Từ ngày 16/3 Hà Nội đã ra quân tổng kiểm tra sản xuất, kinh doanh rượu trong vòng 1 tháng. 

TIN TỐT LÀNH ngày 17/3: Bí thư đồng cảm với dân và ước mơ sống lại của sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Kênh Tẻ - Ảnh 2.

Từ ngày 16/3 Hà Nội đã ra quân tổng kiểm tra sản xuất, kinh doanh rượu trong vòng 1 tháng. Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết sẽ đích thân đi kiểm tra đột xuất, và sẽ tịch thu toàn bộ rượu không nhãn mác, không nguồn gốc. 

Lãnh đạo Hà Nội cũng tuyên bố sẽ chống rượu độc mạnh như ra quân dẹp vỉa hè.Tin này, tôi cho rằng đặc biệt tốt lành. Bởi một xã hội tử tế là một xã hội mà những thứ gây nghiện như rượu, bia, cờ bạc phải được kiểm soát một cách chặt chẽ. 

Những bi kịch do rượu gây ra, trực tiếp, và gián tiếp luôn là những bi kịch phổ biến nhất trong đời sống dân sinh. 

Khi chính quyền thành phố ý thức, và thể hiện quyết tâm chống rượu độc một cách mạnh mẽ, thậm chí là sẽ ban hành những chế tài đặc biệt đối với việc sản xuất, kinh doanh rượu, chúng ta có thể hi vọng sẽ được sống một cách bình an hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại