Sự hồi sinh của biển miền Trung
Nếu như bạn đã từng đi dọc bờ biển miền trung mùa hè năm ngoái, nếu như bạn đã từng gặp ánh mắt ngư dân vô vọng bên những con thuyền mọc rêu trong cảng cá, nếu như bạn đã đã đứng trước bãi biển vắng ngác ngơ giữa mùa du lịch… bạn sẽ thấy tim mình đập nhanh hơn khi biết tin ngày 16/2 ngư dân Cửa Việt, Quảng Trị đã trở về sau chuyến ra khơi đầu năm với những con tàu đầy ắp cá cơm. (đọc tin chính)
Chuyến ra khơi đầu năm của ngư dân Cửa Việt đã trở về sớm hơn dự kiến bởi trúng đậm cá cơm ngay tại vùng biển gần đảo Cồn Cỏ, cách bờ chừng 15 đến 20 hải lý. Nơi mà chỉ trước đó không lâu, chúng ta đã buộc phải tin rằng thảm họa Formosa đã hủy diệt ngư trường.
Thông tin bà con ngư dân trúng đậm cá cơm ở vùng biển gần Formosa là một tín hiệu thực sự tốt lành. Nó cho thấy sức sống, khả năng hồi sinh của biển, cho thấy chúng ta có cơ hội để sửa chữa sai lầm, để tin rằng nếu như con người biết tôn trọng, bảo vệ biển, thì biển cả sẽ luôn bao dung. (đọc tin chính)
Đất nước 3000 km bờ biển, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào với việc được sở hữu một thiên đường biển để mà gìn giữ và thụ hưởng. Bạn, và tôi, chúng ta không có lý do gì để không gìn giữ thiên đường vừa hồi sinh.
Hàng trăm tàu công suất lớn treo cờ Tổ quốc bay phất phới trở về cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) bội thu "lộc biển" sau chuyến ra khơi đầu năm mới. Ảnh: Zing.vn.
Lòng tự trọng của chính khách
Hôm qua, tôi đã đọc đi đọc lại những tâm sự của ông Trần Đại Quang, đại biểu Quốc hội của TpHCM.
Tại hội nghị tổng kết hoạt động của đoàn ĐBQH TP.HCM năm 2016 và triển khai chương trình công tác năm 2017 diễn ra chiều hôm qua, Đại biểu Trần Đại Quang đã kể rằng ba lần đi tiếp xúc cử tri ông đều gặp những gương mặt quen, vì thế không nghe được những ý kiến mới. (đọc tin chính)
Thông tin này không còn khiến tôi ngạc nhiên, nhưng tôi cảm nhận được lòng tự trọng của một chính khách khi thẳng thắn phát biểu như một trong những vấn đề quan trọng cần sửa đổi trong công tác tiếp xúc cử tri.
Chỉ có lòng tự trọng của một chính khách mới có thể khiến vị đại biểu để tâm xem những cử tri mà mình tiếp xúc là ai; để mà ghi nhớ trong ba lần vẫn là những con người ấy, những cử tri ấy; để mà băn khoăn liệu mình đã được nghe đầy đủ tiếng nói, nguyện vọng của những người mà mình đang đại diện.
Là một đại biểu quốc hội, đồng thời cũng là Chủ tịch nước, ông Trần Đại Quang đã chỉ ra một vấn đề cốt yếu của công tác tiếp xúc cử tri đang có phần hình thức khi viêc tiếp xúc vẫn chỉ có chừng đó khuôn mặt cử tri, trong khi mỗi một đại biểu đại diện cho hàng chục vạn cử tri, được bầu bởi chừng đó lá phiếu.
Những khuôn mặt cử tri quen thuộc không chỉ là tính hình thức của các cuộc tiếp xúc cử tri, điều đó còn thể hiện sự chưa tôn trọng ở mức cần thiết đối với tư cách đại biểu của những người đại diện nhân dân.
Lẽ nào các đại biểu không nhận ra vẫn chỉ chừng đó khuôn mặt?
Kể ra câu chuyện ấy, đại biểu Trần Đại Quang hẳn không chỉ mong muốn được nghe những ý kiến mới.
Tôi đã đọc đi đọc lại tâm sự đó của vị chính khách đặc biệt này, và cảm nhận được sự tôn trọng mà ông dành cho những cử tri của mình, những người đã tín nhiệm điền tên ông vào lá phiếu cử tri. Tôi hiểu đằng sau sự phát hiện đó của ông, chính là lòng tự trọng của một chính khách!