"Lẽ nào cuộc đời này lại xấu xa đến thế"
Lâu nay, cuộc sống hiện lên qua lăng kính báo chí có quá nhiều mặt tối bởi mặt bằng tin tức dường như đang tập trung hướng về những điều xấu xa, mang lại những cảm xúc tiêu cực cho người đọc.
Đôi khi, sau khi bấm vào dấu x ở góc màn hình rồi, tôi tự hỏi "lẽ nào cuộc đời này xấu xa đến thế?" và câu hỏi đó khiến tôi nhớ đến bài hát Con chim sẻ tóc xù của nhạc sĩ Trần Tiến phỏng thơ Lưu Quang Vũ.
Bài hát có câu "cuộc đời này mà xấu xa, thì sao cây táo nở hoa, sao anh thợ rèn lại yêu cô hàng xóm…".
Bản chất cuộc đời này đâu có xấu xa. Bởi nếu nó xấu xa đến thế thì làm sao mà chúng ta lại có thể yêu nổi nhau, sao cái cây trong vườn vẫn có thể ra hoa lộng lẫy?
Lâu nay chúng ta đang ám thị mình về sự xấu xa của cuộc sống khi chỉ nhìn vào những khía cạnh tiêu cực của nó, để rồi tự nạp vào mình, vào người khác những cảm xúc tiêu cực, để rồi dễ dàng cáu giận cuộc đời, cáu giận con người, để rồi dễ dàng kẹp cổ bẻ tay đấm vào mặt người khác khi va chạm trên đường.
Cuộc đời này không chỉ có xấu xa, nhưng tin tức về những điều xấu xa thì dễ thu hút sự hiếu kỳ của người đọc.
Bởi thế, khi một tờ báo đầu tư cho việc viết về những tin tức tốt lành trong cuộc sống, để nhân lên những cảm xúc tích cực trong cộng đồng, thì bản thân điều đó đã là một tin tức tốt lành.
Ít nhất, mỗi tuần một lần, tôi có động lực để nhìn nhận để tìm ra những khía cạnh tích cực trong cuộc sống, ngay cả khi nó hiện ra bằng bộ mặt tưởng như xấu xa.
Người phu hồ bị bỏ đói và "thực đơn nhân văn" của CSGT
Hôm 7/1, Cảnh sát giao thông Hà Nội gặp một người phu hồ người Đắk Lắk bị chủ bỏ đói, phải đi bộ từ Yên Bái về Hà Nội để tìm đường về quê.
Nếu suy nghĩ theo hướng tiêu cực, chúng ta sẽ chỉ nhìn thấy bộ mặt phi nhân của câu chuyện, nhìn thấy thân phận người lao động nghèo và sự táng tận lương tâm của người sử dụng lao động.
Song, đây là một câu chuyện tốt lành. Bởi nếu cuộc sống này xấu xa thì làm sao chúng ta biết được người đàn ông thất thểu đi trên đường vừa cuốc bộ gần 200 cây số trong tình trạng đói khát?
Nếu cuộc sống này mà xấu xa thì những người cảnh sát giao thông mà chúng ta quen thấy qua lăng kính truyền thông đâu có quan tâm tìm hiểu để phát hiện ra thân phận khổ đau của một người qua đường rồi ra tay giúp đỡ.
CSGT giúp đỡ phu hồ
Việc cảnh sát giao thông giúp đỡ người đàn ông khổ sở đó (mời ăn uống và quyên góp tiền đi đường) có thể chỉ là một nghĩa cử nhỏ. Song cái cách mà họ quan tâm, để mà phát hiện, và giúp đỡ lại là một chuyện lớn, là một "thực đơn nhân văn". (Đọc tin chính)
Bởi điều đó khiến chúng ta nhận ra rằng sự thiện lương luôn hiện hữu trong cuộc đời này, ở cả những nơi mà chúng ta vẫn thường nhìn thấy với nhiều sự ác cảm.
Điều tốt lành phía sau một án kỷ luật
Tin tức, về bản chất luôn tồn tại hai mặt đối lập, xấu và tốt. Ví dụ như ngày hôm qua 5 công chức đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức hạ bậc thi đua vì đi lễ trong giờ làm việc.
Mặt xấu của thông tin này là bất chấp lệnh cấm của Chính phủ thì vẫn có những công chức bỏ việc công đi cầu lợi riêng và hình thức kỷ luật dường như không đủ sức răn đe.
Nhưng mặt tốt là cơ quan quản lý đã nhanh chóng công khai việc xử lý kỷ luật công chức ngay sau khi hành vi sai trái được báo chí phát hiện. Điều đó cho thấy sự giám sát của xã hội, và báo chí được ghi nhận một cách nhanh chóng. (Đọc tin chính)
Phóng sinh cá chim trắng và mũ ni không che tai
Tương tự, trước những nghi ngại của dư luận xã hội về việc phóng sinh cá chim trắng gây hại, hôm qua nhà tu hành Thích Nghiêm Giám đã lên tiếng trả lời báo chí. Dù câu trả lời của vị sư này còn gây tranh cãi thì điều tích cực là ngay cả vị sư cũng không thể "mũ ni che tai" trước sự lên tiếng của công luận. (Đọc tin chính)
Những phản ứng nhanh chóng của các bên liên quan trước tiếng nói của người dân, báo chí, có thể chưa làm hài lòng dư luận, song ít nhất, đó cũng là một chỉ dấu cho thấy xu hướng minh bạch trong đời sống xã hội đã dần hình thành thông qua quá trình đối thoại trên báo chí.
Bởi thế, tôi tin rằng dẫu cho có rất nhiều tin tức xấu xa hàng ngày, song cuộc đời này không thể ảm đạm như chúng ta vẫn thấy.