Siêu trộm 5 lệnh truy nã và "siêu trộm bất đắc dĩ"
Một thống kê gần đây nhất cho thấy, trong quý I năm 2017, Long An đã xử lý 38 vụ trộm cướp với 51 đối tượng. Không có vụ nào gây chú ý của dư luận.
Sẽ chẳng có ai chú ý đến một tên trộm cuỗm được 385 triệu, nếu người mất trộm không phải là nhân vật có chức quyền và lịch thanh tra dày đặc như Cục phó Nguyễn Xuân Quang.
Chính vì thế, chưa ai nhìn được mặt thủ phạm, nhưng hắn vẫn trở thành "người nổi tiếng".
Một vụ trộm, đương nhiên không bao giờ là tin tốt lành. Nhưng tác dụng phụ của nó (mà chính tên trộm cũng không ngờ tới) lại có thể mang đến những tín hiệu tích cực.
Dù cuối cùng, cơ quan chức năng xác định nguồn gốc khoản tiền kia ở đâu ra, thì đã và đang xuất hiện những chuyển biến tích cực.
Khi đoàn thanh tra được yêu cầu dừng công việc và vị Cục phó phải giải trình, thì một điều lạ rất tích cực đã xảy ra: Doanh nghiệp bị thanh tra đã lên tiếng.
Làm doanh nghiệp, ai cũng biết một điều tối kị là đối đầu với cơ quan quản lý, đối đầu với người đang thanh tra mình.
"Được tặng quà đã là mừng" – câu nói của người bị đề nghị án tử Nguyễn Xuân Sơn đã bộc lộ hết nỗi tủi cực của doanh nghiệp nếu không biết ngoại giao.
Sau vụ trộm, một số doanh nghiệp đã và đang bị thanh tra ở Long An, đã kêu trời trên tờ Tiền phong vì hai năm trở lại đây lịch thanh tra của bộ này nhiều hơn hẳn, khiến họ khó có thể yên tâm làm ăn.(đọc tin chính)
Những dư luận từ vụ mất trộm tiền, lẫn tiếng kêu của doanh nghiệp, chắc chắn sẽ là một tiếng vọng tốt giúp Bộ Tài Nguyên và Môi trường nhìn lại sự hợp lý trong công tác Thanh tra, thực hiện đúng chỉ đạo cách đây mấy tháng của Thủ tướng tránh thanh tra chồng chéo, trùng lặp.
Một tác dụng phụ tích cực nữa của vụ trộm chính là thước đo cán bộ. Nói như ông Vũ Quốc Hùng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư, vụ trộm này là cơ hội để "làm sáng tỏ đến cùng" bằng cách cho kiểm tra lại kết quả thanh tra của ông Quang tại các doanh nghiệp. (đọc tin chính)
Nếu thấy ông Quang chí công vô tư khi thanh tra doanh nghiệp, thì dù không thể chứng minh được khoản tiền mất trộm ở đâu ra, ông Quang cũng có thêm một thước đo về tư cách.
Còn nếu việc thanh tra khuất tất, thì số tiền đã mất cũng sẽ trở thành "miếng quỳ tím" đo độ "hồng" của công bộc.
Năm ngoái, siêu trộm có 5 lệnh truy nã Lê Văn Hoàn đã bị tóm sau khi đột nhập vào nhà một bí thư huyện ủy ở Long An.
Việc đột nhập nhà của quan chức với thủ đoạn táo tợn là nổ súng giải cứu đồng bọn, đã khiến cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt hơn. Vì ông bí thư huyện ủy chỉ mất 1,1 triệu đồng nên mọi mối quan tâm đổ dồn vào lai lịch bất hảo của tên trộm.
Vụ mất 385 triệu đồng khác hẳn. Kẻ trộm chỉ đứng thứ yếu trong ánh nhìn của dư luận.
Chắc chẳn, những ngày này khi mở báo đọc, tên "siêu trộm bất đắc dĩ" vừa lo sợ bị bắt, vừa thấy bất ngờ: Tại sao lại có nhiều vấn đề nảy ra như vậy chỉ sau một vụ trộm? Còn người dân, trong khi chờ đợi kết quả điều tra, hoàn toàn có thể hi vọng vào những động thái điều chỉnh tích cực của các cơ quan liên quan trong việc giảm gây phiền toái cho doanh nghiệp.
Những chuyển biến này, khiến chúng ta nhớ đến vụ án: Chủ quán café Xin chào bị đại tá Quý, trưởng công an Bình Chánh (TP.HCM) o ép.
Dù có người nói đó là vụ án "bé bằng cái móng tay", nhưng nó lại có thể làm xuất hiện những chuyển động to lớn cho cả bộ máy: Nhiều cơ quan công quyền đã phải thay đổi cách hành xử với dân, thận trọng hơn trong tố tụng.
Xin lỗi không khó lắm đâu!
Có một bức thư và một công văn rất kịp thời đã làm dịu đi "thời tiết dư luận quá nóng".
Bức thư là của quận ủy quận 1, TP.HCM, gửi tới Cà Mau và huyện U Minh xin lỗi về phát ngôn "về U Minh mà ở" của ông Đoàn Ngọc Hải.
Bức thư viết: "Đó là một lời nói bột phát trong lúc nóng nảy nhất thời giữa cá nhân thực thi công vụ với người vi phạm; tuy nhiên, có thể gây ngộ nhận".
Sau khi phát ngôn, ông Hải đã trần tình rất nhiều, nhưng lại thiếu một lời xin lỗi giản dị, chân thành. Xin lỗi đâu quá khó, xin lỗi thực ra còn dễ hơn nhiều việc ông Hải cho cẩu một chiếc xe biển xanh vi phạm về đồn.
Sau câu xin lỗi, nhận trách nhiệm về phút giây bột phát, có thể hình ảnh ông Hải sẽ dễ gần hơn khuôn mặt sắt đá thường thấy trên tranh nhất các báo.(đọc tin chính)
Công văn thể hiện chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Hà Nội thận trọng trong công tác quy hoạch, bảo đảm phát triển bền vững khi quy hoạch xây dựng khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận, đã được phát đi, sau khi có nhiều phản biện dữ dội đề án xây cao ốc đến 70 tầng ở ga Hà Nội.
Người Hà Nội đã ngộp thở với những dự án cao tầng mọc trong thành phố; đã buộc phải kiên nhẫn nhích từng mét mỗi sáng đi làm và mỗi chiều tan tầm.
Trong khi tuyến đường sắt trên cao nằm đó như một thách đố, không biết khi nào có thể hoạt động, thì người dân ước thành phố có cáp treo hoặc mình mọc cánh "để bay lên trên tổ chim cúc cu", vượt thoái khỏi những cung đường đáng sợ toàn khí thải và những khuôn mặt cau có.
Chính vì vậy, thông điệp thận trọng của công văn này, sẽ khiến những ai thiếu thận trọng, phải xem lại mình. Hà Nội là của chung, chứ không của riêng một nhóm người nào cả.
Viết đến đây tôi tự hỏi: Vụ trộm 385 triệu và đề án xây nhà ga cao tầng, có thể liên quan đến nhau ở điều gì?
Một kẻ trộm ma mãnh có thể lấy đi số tiền lớn của một người, nhưng nhiều triệu dân thủ đô thì không thể bị đánh cắp không gian sống, quyền đi lại suôn sẻ và quyền đóng góp của họ trong những quyết sách lớn.(đọc tin chính)