Bên cạnh những tấm gương xả thân vì đồng loại trong vụ cháy chung cư Carina, một chú chó tên Kem cũng đã cứu sống một gia đình. (đọc tin chính)
Câu chuyện về chú chó trách nhiệm, tử tế khiến một đạo diễn phải thốt lên: "Chú chó làm tôi nhớ ngay đến câu chuyện người ngựa ngựa người.
Tôi tin rằng có những kẻ lắm tiền nhưng không thể tử tế bằng một con chó. Cháy nhà, lòi ra mặt chuột của không ít kẻ ngầm bán mạng sống của người khác cho bà Hoả".
Ông Đoàn Ngọc Hải đã nói một câu rất gọn gàng khi tái xuất để kiểm tra phòng cháy chữa cháy: "Mấy ông đừng dạ dạ nữa mà dẹp ngay, làm ngay cho dân đi". (đọc tin chính)
Hãy xem lâu nay, người ta đã "dạ dạ" thế nào trong vấn đề cấp bách như cứu hoả.
Một chân dung đen về phòng cháy chữa cháy vừa được chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra. Đó là một tin tốt lành có thể khiến những kẻ cố tình làm sai thấy ớn lạnh. Liên quan đến sinh mạng không thể chỉ là "phạt cho tồn tại". (đọc tin chính)
Chung cư này là điển hình của việc dạ dạ rồi để đấy: Khách hàng đến ở từ năm 2012, nhưng đến 2018 còn nguyên hàng loạt sai phạm và hệ thống phòng cháy chữa cháy vẫn chưa được nghiệm thu.
6 năm ấy, hơn 1.000 người có thể gặp thảm cảnh bất cứ lúc nào. May mà vụ cháy ở chung cư này xảy ra ban ngày, lúc 10h sáng và được phát hiện kịp thời. Nếu nó diễn ra lúc 1 giờ sáng, ai biết chuyện gì sẽ xảy ra...
Nhưng nếu chỉ nhìn thấy lỗi của cơ quan chức năng, cho chủ đầu tư vô cảm thì chưa đủ.
Tại sao chúng ta sẵn sàng ký gửi mạng sống của mình cho những kẻ vô cảm bằng cách im lặng hoặc phản ứng quá yếu ớt trước những sai phạm phòng cháy chữa cháy?
Tại sao mỗi dịp phổ biến kinh nghiệm phòng cháy chữa cháy, các chiến sĩ đều phải lắc đầu khi chỉ có vài chục người già, trẻ em tự nguyện đến dự, còn hàng ngàn người khác thờ ơ? (đọc tin chính)
Tại sao có quá nhiều người chết vì kỹ năng sai, trong khi chỉ cần lưu tâm một chút tìm hiểu thông tin về kỹ năng thoát hiểm, là họ đã có thể vượt qua cửa tử?
Tại sao khi thấy tủ phòng cháy chứa toàn vỏ lon nước ngọt, vòi chữa cháy chứa toàn...hạn hán, thấy những bảo vệ vô tư đốt thuốc dưới hầm để xe...., chúng ta không lập biên bản, không kêu, không mời quan chức và báo chí đến?
Nhiều người dân Sài Gòn thấy Hà Nội công bố những công trình vi phạm phòng cháy chữa cháy, thì thiết dài: Giá như thành phố mình cũng công khai như thế.
Lãnh đạo thành phố nghĩ gì trước những đòi hỏi tối thiểu này?
Có ai công khai trách nhiệm của những người đã kiểm tra, đã biết vi phạm nhưng thiếu cương quyết xử lý, đối tượng vẫn "dạ dạ" năm này qua năm khác, nhưng rồi cuối cùng những mạng người vẫn ra đi theo lửa khói?
Hôm qua, những người dân ở một chung cư thành phố Vinh chăng biểu ngữ cầu cứu lãnh đạo tỉnh xử lý sai phạm phòng cháy chữa cháy. Đó thực sự là một tin tốt lành. (đọc tin chính)
Họ đã không tiếp tục thoả hiệp với nguy hiểm và sự vô cảm của chủ đầu tư. Gây áp lực một cách đúng đắn với cơ quan có trách nhiệm, cũng là cách để tự cứu mình.
Còn bao toà nhà, chung cư nữa thấy nguy mà không cấp báo, thấy tiêu cực mà không đấu tranh?
Còn bao nhiều công trình sai phạm phòng cháy chữa cháy nhưng chính quyền vẫn cho tồn tại?
Những vụ cháy vẫn đang diễn ra với rất nhiều nguyên nhân bất ngờ. Hãy nhớ là không phải nhà ai cũng có con chó tử tế, thông minh như Kem để cứu thoát chủ.