2 triệu học sinh sinh viên nghỉ học tránh bão Tembin
Tôi và hàng triệu độc giả của mình lúc này là cơn bão số 16 Tembin sẽ tan trước khi đổ bộ vào đất liền.
Đây là cơn bão được dự báo mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây, thậm chí có thể còn mạnh hơn cả cơn bão Linda năm 1997 đã làm thiệt mạng khoảng 3.000 người trên 21 tỉnh thành Nam Bộ. (đọc tin chính)
Sức mạnh của cơn bão không ai kiểm soát được, nhưng cách mà chúng ta đối phó với cơn bão lại hoàn toàn kiểm soát được. Nó thể hiện sự bài bản và trách nhiệm cao nhất.
Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với 19 địa phương để chỉ đạo ứng phó với bão.
Hơn 2 triệu học sinh sinh viên TP HCM cũng được cho nghỉ để tránh bão. Hàng trăm ngàn người dân đã được đi sơ tán ở các địa phương như Cà Mau, Bạc Liêu, Bình Thuận, Vũng Tàu, Kiên Giang, Bến Tre.
Quân đội và Công an được điều động sẵn sàng ứng phó và giúp người dân.
Người già trẻ em cũng được yêu cầu sơ tán khẩn cấp suốt mấy ngày qua khi cơn bão đang hoành hành tại Philippines khiến gần 200 người chết. Mọi cuộc họp không cần thiết đều bị huỷ. (đọc tin chính)
Xin nhắc lại, thiên tai là thứ mà chúng ta không thể chế phục hay ngăn chặn. Chúng ta cũng không thể cầu xin một phép màu. Nhưng chúng ta có thể hạn chế mức độ thảm hoạ bằng sự đoàn kết, đồng lòng. Bằng sự tận tâm của mỗi người lãnh đạo, bằng sự nỗ lực của mọi phương tiện, tài chính lẫn sức người.
Để đừng có bất cứ một ai bị kỷ luật vì thiếu trách nhiệm trong việc ứng phó với bão.
Cần lắm những tinh thần chống bão
Trước cơn bão thứ 16 trong năm, nhìn lại 15 cơn bão đã đi qua trong năm nay, 2017, thứ khiến tôi nhớ không phải chỉ là những thiệt hại, tổn thất mà chúng ta đã phải gánh chịu. Nó là thứ không thể nguôi quên.
Nhưng thứ khiến tôi nhớ và ấm lòng là tinh thần của người Việt trước- trong và sau cơn bão. Chúng ta không thể ngăn chặn được thiên tai nhưng chúng ta luôn có cách để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bằng sự đồng lòng của người dân, sự tận tuỵ phụng sự của các lãnh đạo và nhiều hơn cả là sự xả thân, dốc sức của những người lính, hàng triệu người Việt từ khắp nơi hướng về vùng bị bão, nhân dân vùng bị bão.
Tôi cho đó là thứ đã giúp chúng ta đi qua những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc suốt bao đời nay. Có lẽ dân tộc Việt là thế, luôn biết đồng lòng khi đất nước gặp khó khăn, trước giặc dữ xâm lược.
Thế nên, ngay trong chính những ngày qua, tôi thấy một tinh thần như thế trước "giặc nội xâm": tham nhũng. Tôi thấy một tinh thần như thế, sự đồng lòng như thế. Từ người đứng đầu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động.
Những gì ông Trọng đã làm- đang làm là thứ mà không phải ai cũng làm được, đã dám làm.
Cuộc chiến chống tham nhũng này không thể chiến thắng hay quét sạch trong ngày một ngày hai. Nó giống như những cơn bão vẫn cứ đến và chúng ta vẫn cứ phải chiến đấu với những cơn bão ấy.
Nói như triết lý của Tổng Bí thư: "Chần chừ, chậm trễ sẽ bỏ lỡ thời cơ, sẽ ngày càng tụt hậu; song nóng vội, sao chép giản đơn kinh nghiệm nước ngoài, triển khai ồ ạt theo kiểu phong trào mà không tính đến đầy đủ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước cũng sẽ dẫn đến thất bại." (đọc tin chính)
Và cuộc chiến này Tổng Bí thư không đơn độc! Ông không chỉ có sự ủng hộ của các Đảng viên mà ông còn đang nhận được sự ủng hộ của hơn 90 triệu người dân Việt chưa kể hàng triệu người Việt ở khắp nơi trên thế giới đang hướng về quê hương qua báo chí với những Đinh La Thăng, Ngô Văn Tuấn, Nguyễn Xuân Anh, Trịnh Xuân Thanh, Lê Phước Hoài Bảo, Vũ Nhôm, Hà Văn Thắm… (đọc tin chính)
Năm nay, Ban Bí thư Trung Ương Đảng chỉ thị về việc tổ chức Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 "Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên "tranh thủ" cấp dưới với mọi hình thức; nghiêm cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, lễ hội…".
Tôi tin rằng trước những "nhãn tiền" vừa qua, chắc chắn chỉ thị này sẽ được tuân thủ.
Và những điều tốt lành lấp lánh
Cuối tuần qua, một câu chuyện tốt lành được chia sẻ với tốc độ chóng mặt: Người dân Đồng Nai nhặt bia giùm tài xế.
Hàng ngàn lon bia bị rơi ra giữa đường, không còn tình trạng "hôi bia" Biên Hoà của năm xưa nữa, người dân đã xúm lại để nhặt giùm tài xế.
Tôi tin vào sự tử tế đang ngày một tốt lên, ngày một nhân rộng ra trong chính đời sống của chúng ta. Mỗi ngày đang một tốt lên! (đọc tin chính)
Bộ Y tế cũng có 2 điểm sáng tốt lành cần được chia sẻ. Là việc các bệnh viện tại Hà Nội sẽ có kiosk đánh giá mức độ hài lòng của người bệnh, phản ánh các vấn đề chưa hài lòng của người đi khám chữa bệnh.
Thông tin sẽ được chuyển trực tiếp tới Sở Y tế Hà Nội (đọc tin chính).
Tin Tốt Lành thứ 2 của Bộ Y tế là việc tinh giản- cắt giảm từ 82 đơn vị trực tiếp quản lý xuống còn 20 đơn vị.
Giao tự chủ kinh tế để cắt giảm trả lương qua ngân sách đến 18.277 người. Ước tính nếu mỗi người lương trung bình 6 triệu đồng/tháng thì Bộ Y tế đã tiết kiệm cho ngân sách nhà nước lên đến 1.306 tỷ đồng/năm.
Đối với tuyến y tế địa phương, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, tính đến hết tháng 10/2017, có 70/2.040 đơn vị tuyến tỉnh, thành phố đã tự chủ kinh phí thường xuyên, với khoảng 35.000 biên chế không phải chi lương từ ngân sách nhà nước, tiết kiệm khoảng 2.520 tỷ/năm (tính trung bình lương 6 triệu đồng/người/tháng).
Ở tuyến huyện, có 202/420 đơn vị tổ chức thực hiện hợp nhất Trung tâm Y tế huyện và bệnh viện huyện thành Trung tâm y tế huyện.
Theo tính toán, nếu hợp nhất 420 Trung tâm y tế huyện và 420 bệnh viện đa khoa huyện, riêng ngân sách nhà nước chi cho lãnh đạo 840 đơn vị sự nghiệp công lập này sẽ giảm 120.960 tỷ/năm.
Đồng thời sẽ giảm được số lượng người làm hành chính khoảng 10.899 người (lái xe, thủ quỹ, văn thư, kế toán…), ngân sách sẽ không phải chi khoảng 784 tỷ đồng/năm. (đọc tin chính)
Một Tin Tốt Lành nữa đến từ Bộ Xây dựng là Bộ đã chính thức có văn bản bác việc Hà Nội dự định xây cao ốc 70 tầng ở khu vực Ga Hà Nội. (đọc tin chính)
Và cuối cùng, 36 tỷ USD là con số vốn FDI đổ vào Việt Nam năm 2017- con số cao nhất từ năm 2009 đến nay cho thấy sự tin tưởng vào môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Nhật Bản đứng thứ nhất với tổng vốn đầu tư 9,11 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng vốn đầu tư.
Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 8,49 tỷ USD, chiếm 23,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng thứ ba với tổng vốn đăng ký 5,3 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư. (đọc tin chính)