TIN TỐT LÀNH 25/10: “Sức ép đặc biệt” trong vụ thanh tra biệt phủ và kết cục nghề buôn chổi đót, chạy xe ôm

Bùi Hải |

Những người chỉ có thực tài chạy xe ôm và buôn chổi đót, thì nên có cái kết của người chạy xe ôm và buôn chổi đót. Họ vừa phải trả lại dân những thứ kiếm chác trên lưng số đông, vừa bị tước đi những tháng ngày yên ổn hậu vận.

Sức ép nào lớn nhất?

Có một chi tiết đặc biệt được Cục trưởng Cục Chống Tham nhũng, Thanh tra Chính phủ Phạm Trọng Đạt hé lộ sau khi công bố kết luận thanh tra vụ biệt phủ của Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái Phạm Sĩ Quý.

Đó là việc có hay không sức ép đối với đoàn thanh tra, dẫn đến việc công bố chậm hoặc tác động làm thay đổi tính trung thực kết luận thanh tra?

Dư luận không thể không quan tâm đến câu hỏi này, khi mà ai cũng biết, dù chỉ là GĐ sở nhưng vị thế của ông Quý ở Yên Bái không hề nhỏ.

Kết luận nghiêm minh của thanh tra đã chứng tỏ lời của ông Đạt nói "Tôi phải khẳng định, cá nhân tôi cũng như đoàn thanh tra không chịu bất cứ sức ép nào của bất cứ ai, lực lượng nào cả".

TIN TỐT LÀNH 25/10: “Sức ép đặc biệt” trong vụ thanh tra biệt phủ và kết cục nghề buôn chổi đót, chạy xe ôm - Ảnh 1.

Nhưng thực tế, đã có một "sức ép đặc biệt" đè nặng lên đôi vai của các thành viên đoàn thanh tra. Nhưng đây là một sức ép tuyệt vời, sức ép lên lương tâm, trách nhiệm những người thực thi pháp luật và công lý.  Đó là "sức ép của pháp luật, của nhân dân yêu cầu phải làm cho đúng, khách quan, minh bạch" – như cách nói của ông Đạt.

Ông Đạt cảnh báo "nếu tỉnh không xử lý nghiêm túc, nương nhẹ thì chắc chắn sẽ không được với Thanh tra Chính phủ" vì cơ quan này sẽ thực hiện sát sao việc đôn đốc, giám sát sau thanh tra. (đọc tin chính)

TIN TỐT LÀNH 25/10: “Sức ép đặc biệt” trong vụ thanh tra biệt phủ và kết cục nghề buôn chổi đót, chạy xe ôm - Ảnh 2.

Còn nhớ, 5 năm trước khi khối ung nhọt Vinashin vỡ ra, theo lời Tổng thanh tra Chính phủ, đã có đến 13-14 cuộc thanh kiểm tra "con tàu đắm" này và phát hiện ra rất nhiều sai phạm. Nhưng Vinashin không chấp hành sửa sai.

Dù ông Tổng thanh tra khi ấy, cũng nói rằng họ không chịu bất kỳ một sức ép nào, nhưng ai cũng biết, những người có trách nhiệm thanh kiểm tra chưa đặt "sức ép của pháp luật, của nhân dân" lên cao nhất.

Chính vì họ đã không theo đuổi đến cùng việc giám sát, kiểm tra sau thanh tra; không khoan nhượng đến cùng với những sai trái rõ như ban ngày của Vinashin, mà hàng triệu người dân phải oằn lưng gánh thêm những khoản thất thoát khổng lồ từ con tàu nát.

Có hai cách chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước pháp luật. Một là trước khi làm gì, quyết gì cũng đặt nhân dân và pháp luật lên vị trí tối thượng. Hai là sau khi để xảy ra thiệt hại, mất mát, mới biết nhận trách nhiệm.

TIN TỐT LÀNH 25/10: “Sức ép đặc biệt” trong vụ thanh tra biệt phủ và kết cục nghề buôn chổi đót, chạy xe ôm - Ảnh 3.

Im lặng rất lâu và rất lâu về trách nhiệm trước sự cố Formosa, chỉ đến khi bị đề nghị kỷ luật, cựu Bộ trưởng TN&MT Nguyễn Minh Quang mới lên tiếng: "Tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm trước Đảng và nhân dân".Cái kết cho thực tài chạy xe ôm, buôn chổi đót

Nếu ông Quang và cộng sự nghĩ đến "sức ép của nhân dân" trước khi đặt bút ký thì chắc chắn đất nước không bị tổn thất nặng nề và uy tín, danh dự, cuộc sống hưu trí của ông vẫn sóng yên biển lặng.

Cùng là nhận trách nhiệm, nhưng cái giá của việc nhận trước và nhận sau, khác biệt vô cùng lớn.

Cái kết cho thực tài chạy xe ôm, buôn chổi đót

Đã có 3 lời xin lỗi, nhận trách nhiệm được đưa ra trong vụ bác sĩ "nói xấu" Bộ trưởng Y tế: Một của Giám đốc Sở Y tế, một của Giám đốc Sở TT&TT và một của Trung tâm y tế.

Nhìn tấm ảnh tươi cười trong buổi xin lỗi của người đã bị xử phạt và người đứng đầu cơ quan ra quyết định xử phạt, tôi thầm nghĩ: Đó là một cử chỉ sửa sai đàng hoàng, nhưng nếu trước khi đặt bút ký, cơ quan xử phạt nghĩ kỹ hơn về "áp lực nhân dân", nụ cười của mỗi người sẽ tự nhiên, và sảng khoái biết bao nhiêu. (đọc tin chính)

TIN TỐT LÀNH 25/10: “Sức ép đặc biệt” trong vụ thanh tra biệt phủ và kết cục nghề buôn chổi đót, chạy xe ôm - Ảnh 4.

Ông Lê Sỹ Minh trao Quyết định Hủy bỏ quyết định xử phạt VPHC đối với bác sĩ Hoàng Công Truyện. Ảnh: Báo Giao thông

Những người xin lỗi đã cười sau khi quả bóng được xì hơi, nhưng những người ở Bộ Y tế đã gửi công văn yêu cầu làm rõ, xử lý bác sĩ Truyện, chắc chắn có thể cười được.

Thay bằng một cú điện thoại nhắc nhở người trong ngành, họ dùng hẳn một công văn với những cáo buộc không nhẹ. Động thái ấy, không chỉ răn đe bác sĩ Truyện mà còn khiến những người muốn phê bình ngành, chùn tay.

Sau động thái ấy, nếu ai đó còn lưỡng lự trước luận điểm của cư dân mạng cho rằng có những lúc Bộ này phản ứng khá chậm chạp khi bác sĩ gặp sự cố, bị đánh, bị oan, nhưng lại hành động rất nhanh khi thuộc cấp nói không tốt về mình, thì chắc họ sẽ rút ra kết luận của riêng mình.

Đúng là khi "xã hội đã nóng lên" thì không ai có thể dùng quyền lực tùy tiện để áp chế người yếu thế hơn mình, dùng quyền lực để phục vụ mục đích riêng.

Chưa bao giờ việc thanh tra trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo lại được làm nhiều và bài bản như bây giờ. (đọc tin chính)

Chưa bao giờ những vụ việc gây bức xúc trong xã hội, những vụ việc có sức ép minh bạch của nhân dân, lại đều được đưa vào tầm ngắm và làm rõ triệt để như bây giờ.

Từ một biển số xe lạ của Trịnh Xuân Thanh, đến một biệt phủ lạ; Từ những văn bản, quyết định lạ được tìm thấy nóng hổi trên mạng, đến trách nhiệm của những người cũ đã hạ cánh; từ việc làm giàu lạ bằng nghề chạy xe ôm đến buôn chổi đót… tất cả đều được thanh kiểm tra sòng phẳng, minh bạch.

Người dân có quyền hy vọng rằng, sau những cuộc thanh kiểm tra và xử lý trách nhiệm cá nhân triệt để này, những người xuất phát chỉ nhờ thực tài chạy xe ôm, buôn chổi đót, dù có quan hệ, có tiền tệ, có hậu duệ, có đồ đệ, cũng sẽ phải trở về chạy xe ôm và buôn chổi đót.

Những người không phụng sự lợi ích của nhân dân, chẳng những phải trả lại dân những thứ họ kiếm chác trên lưng số đông, mà còn phải bị tước đi những tháng ngày thanh thản hậu vận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại