TIN TỐT LÀNH 23/02: Bỏ đốt tiền tỷ mỗi ngày - Hết thời lễ hội xấu xí và chỉ số cảm nhận tham nhũng ở Việt Nam tăng 6 bậc

Hoàng Anh Tú |

Có những bình luận cho rằng giá như mỗi đồng vàng mã bán ra để đốt cho người chết, cho thần linh sẽ được "chuyển hoá" lại một phần cho những người đang sống khổ sở ngoài kia hẳn điều đó mới thực là an lành và thiện tâm.

Bác sỹ lại bị thân nhân bệnh nhân hành hung ứng lời Táo Y Tế Vân Dung hôm 30 Tết gây phẫn nộ. Bộ trưởng Giáo Dục Phùng Xuân Nhạ lại xin lùi thời hạn báo cáo về quy trình xét phong tặng hàm giáo sư tiến sỹ. (Hy vọng không lùi thêm nữa giống vụ kết quả thanh tra biệt phủ Yên Bái năm trước). 

Mà thôi, cuối tuần phải để đọc Tin Tốt Lành. Hãy để Tin Tốt Lành của chúng tôi "giải độc" cho đầu óc của bạn! Nhiều Tin Tốt Lành cho một cuối tuần vẫn đang âm hưởng Tết này!

1. Đừng đốt vàng mã - Đón mùa lễ hội an lành yên vui

Một công ty lâm nông sản thực phẩm ở Yên Bái chuyên sản xuất chế biến gia công kinh doanh nông lâm sản và "làm thêm" chuyện kinh doanh… vàng mã. Công ty này vừa báo cáo tài chính với doanh thu vào khoảng 272 tỷ đồng mà trong đó, 62% doanh thu thuộc về… vàng mã: 168 tỷ đồng.

Tính ra mỗi ngày công ty này thu về 500 triệu đồng từ việc kinh doanh vàng mã.

Có bao nhiêu công ty, cơ sở kinh doanh như vậy ở ta? Và mỗi ngày bình quân chúng ta đang chi bao nhiêu tiền thật ra để mua tiền vàng mã, đồ vàng mã để đốt? Hẳn mỗi ngày, nhất là trong những dịp lễ hội thế này, phải cả tỷ đến chục tỷ đồng đang bị đốt là ít.

Thế nên hôm qua, khi Giáo hội Phật giáo lên tiếng đề nghị các chư tôn đức tăng ni khuyên nhủ người dân nên bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự thì đó thực sự là một Tin Tốt Lành. (đọc tin chính).

Vẫn biết việc đốt vàng mã đã ăn sâu, bén rễ trong người dân bao đời nay rồi không thể nói bỏ là bỏ được, Giáo hội Phật giáo cũng chỉ khuyên nhủ được thôi chứ việc cấm phải cần chế tài của Nhà nước, của pháp luật.

Nhưng tôi vẫn tin rằng việc các chư tôn đức tăng ni đức cao vọng trọng lên tiếng cũng sẽ giúp nhiều người nhận thức ra việc đốt vàng mã này vốn chẳng phải chính pháp, Phật cũng không dạy điều đó.

TIN TỐT LÀNH 23/02: Bỏ đốt tiền tỷ mỗi ngày - Hết thời lễ hội xấu xí và chỉ số cảm nhận tham nhũng ở Việt Nam tăng 6 bậc - Ảnh 1.

Thì đó, ngay sau khi đồng loạt nhiều báo đưa lời khuyên của Giáo hội Phật giáo, nhiều bình luận trên mạng xã hội đã đều ủng hộ nhiệt tình.

Có những bình luận cho rằng giá như mỗi đồng vàng mã bán ra để đốt cho người chết, cho thần linh sẽ được "chuyển hoá" lại một phần cho những người đang sống khổ sở ngoài kia hẳn điều đó mới thực là an lành và thiện tâm.

Mới là không ích kỷ cầu an, cầu lộc cho riêng mình.

Một mùa lễ hội đã bắt đầu. Những ngày này nhà nhà đi lễ, người người đi lễ. Lễ hội nào cũng đông nghìn nghịt người dân. Nhưng năm nay, mùa lễ hội bắt đầu với nhiều tin tốt lành chứ không còn như những năm trước.

Không còn những công sở vắng tanh, đìu hiu vì cả cơ quan đi lễ hết (đọc tin chính).

Năm nay, Hà Nội làm mạnh tay với nhiều đoàn kiểm tra liên tục cũng như lệnh cấm quyết liệt với việc sử dụng xe công, giờ làm việc để đi lễ lạt. Nhiều lễ hội "man rợ" năm trước cũng đã yên bình.

Không còn chen lấn cướp lộc ở Đền Gióng, không còn chém lợn giữa thanh thiên bạch nhật trước mắt con trẻ, không còn những "màn trình diễn" hủ lậu và thổ dân, thậm chí "quái thai" như các năm trước.

Cứ nhớ lại những lễ hội và cái cách người ta dẫm đạp lên nhau, xô xát, đánh nhau, thể hiện bạo lực man rợ mà vẫn còn rùng mình. Lộc đầu năm đâu không thấy chỉ thấy toàn nạn nhân của trộm cắp, bắt chẹt, nâng giá. Phúc đầu năm đâu không thấy chỉ thấy toàn những hoạ tai máu chảy. 

Năm nay, mọi thứ đều đã khác. Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung quyết định thành lập đoàn liên ngành kiểm tra và quản lý các lễ hội trên địa bàn của mình.

Sẽ không còn các lễ hội xấu xí, không còn các kẻ buôn thần bán thánh, lợi dụng lễ hội làm kinh tế, không còn thứ "văn hoá giả truyền thống, bản sắc" nữa!

Sẽ chỉ còn những hình ảnh đẹp như 500 học sinh giỏi ở Hải Phòng làm lễ khai bút đầu xuân, viết lên ước mơ của mình.

Sẽ thật thú vị khi chứng kiến những màn đấu vật cổ truyền từ các em nhỏ, mẫu giáo, tiểu học ở sới vật làng Bùng (Thạch Thất, HN). Sẽ thích thú khi cùng các bạn trẻ tham gia lễ hội ném cà chua tán tỉnh nhau ở Thanh Hoá (đọc tin chính).

TIN TỐT LÀNH 23/02: Bỏ đốt tiền tỷ mỗi ngày - Hết thời lễ hội xấu xí và chỉ số cảm nhận tham nhũng ở Việt Nam tăng 6 bậc - Ảnh 2.

Các bạn trẻ hồ hởi trong phiên chợ ném cà chua cầu may đầu năm mới. Ảnh: VTC News

Sẽ được thấy những con trâu màu sắc rực rỡ ở lễ Tịch Điền tái hiện hình ảnh vua Lê Đại Hành. Những con trâu rực rỡ sắc xuân thế này mới thật an vui và yên ấm làm sao.

Những lễ hội thế này mới thực truyền cho lũ trẻ giá trị bản sắc thực làm sao (đọc tin chính). Và mai, thứ Bảy, mùng 9 Tết, nếu rảnh nhớ lên Hồ Tây xem đua thuyền rồng nhé (đọc tin chính).

2. Những quyết liệt ngay từ đầu năm

Hà Nội ngay trong những ngày đầu năm đã thanh tra đột xuất và phát hiện, xử lý hàng loạt các điểm trông xe trái phép, chặt chém (đọc tin chính).

Trong thời gian từ ngày 16/1/2018 đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra tổng số 40 đơn vị, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với 38 đơn vị vi phạm, phạt tiền gần 1 tỷ đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu như: thu tiền cao hơn quy định, không có bảng niêm yết giá.

Việt Nam cải thiện 6 bậc về chỉ số cảm nhận tham nhũng cũng là một Tin Tốt Lành.

Theo Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2017 được Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) có trụ sở tại Đức công bố ngày 22-2, Việt Nam đạt 35/100 điểm, đứng thứ 107/180 quốc gia toàn cầu, tăng 6 bậc so với năm 2016. Như vậy chỉ số CPI của Việt Nam năm 2017 tăng thêm 2 điểm.

Theo thang điểm của CPI, điểm càng cao thì càng trong sạch. Việc tăng điểm của Việt Nam, theo Tổ chức hướng tới minh bạch (TT) - cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam, là chỉ dấu tích cực cho các nỗ lực phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua tại Việt Nam.

Bảng xếp hạng CPI năm 2017 cũng chứng kiến một số cuộc đổi ngôi đáng chú ý tại Đông Nam Á.

Trong khi các quốc gia như Việt Nam (107), Thái Lan (96) nhích nhẹ lên các thứ hạng cao hơn, không ít nước bị tụt hạng so với năm 2016 như Malaysia (sụt 7 bậc, hạng 62/180), Philippines (sụt 10 bậc, hạng 111/180), Lào (sụt 13 bậc, hạng 135/180).

Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), tham nhũng nói chung thường bao gồm các hoạt động phi pháp, bị che giấu một cách cố ý và chỉ được đưa ra ánh sáng khi xảy ra các vụ bê bối, hay qua công tác thanh tra, điều tra và truy tố, xét xử.

Mặc dù các nhóm nghiên cứu của các viện nghiên cứu và các chính phủ đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc đo lường tham nhũng trong các lĩnh vực cụ thể một cách khách quan, đến nay vẫn chưa có một chỉ số khách quan nào đo lường mức độ tham nhũng của quốc gia một cách trực tiếp, toàn diện.

Bảng xếp hạng CPI của TI dựa trên dữ liệu của 12 tổ chức quốc tế trong đó có Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Phi và Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Đây là một trong những chỉ số về tham nhũng được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới.

Tiếp bước các vụ "nâng đỡ không trong sáng" ở Thanh Hoá hay "vun vén cho gia đình" ở Quảng Nam thì hôm qua ở Gia Lai, người thân của ông Phạm Thế Dũng, nguyên Chủ tịch UBND Gia Lai cũng lần lượt "ngã ngựa".

Theo đó, bà Trần Thị Lý (em cùng cha khác mẹ của ông Dũng) đang làm phó Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai đã xin thôi việc và đã được chấp thuận.

Ông Phạm Đức Mạnh (chồng bà Lý) đang làm phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Gia Lai đã bị xử lý cách chức, làm nhân viên.

Ông Phạm Trần Anh (con trai ông Dũng) chánh thanh tra Sở Nội vụ đã bị cơ quan chuyên ngành hủy quyết định bổ nhiệm chánh thanh tra.

Và cuối cùng, ngay trong những ngày đầu năm mới, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ ngành gấp rút chuẩn bị cho 10 hội nghị chuyên đề quan trọng ngay lập tức.

Tinh thần bắt tay vào làm việc ngay của Thủ Tướng hy vọng sẽ khiến các bộ ngành "nóng máy" theo. Năm nay ăn Tết muộn, vài ngày nữa đã bước sang tháng 3 rồi, 2018 chỉ còn 9 tháng nữa thôi.

3. Và những câu chuyện cuối tuần ấm áp

Đỗ Thanh Bằng (16 tuổi), học sinh lớp 10 trường THPT Trần Văn Bảy, ở huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng), cùng hai người bạn đạp xe đi chơi tối mùng 4 Tết.

Khi đến bến xe buýt, nhóm nam sinh nhặt được chiếc ví bên trong có hơn 40 triệu đồng, cùng một số giấy tờ của người đánh rơi. Phát hiện số tiền lớn, Bằng và hai người bạn liền mang đến Công an huyện Thạnh Trị trình báo, nhờ tìm người mất tài sản.

Cảnh sát phát loa thông báo, người đánh rơi sau đó liên hệ nhận lại tài sản. Trước hành động đẹp của nhóm nam sinh, Công an huyện Thạnh Trị đã gửi thông báo đến trường, đề nghị biểu dương các em.

Sáng 21/2, Trường Tiểu học Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) trở lại dạy và học. Tỷ lệ học sinh đến lớp đạt 99%, cao nhất trong nhiều năm qua.

Hiệu trưởng Nguyễn Mai Trọng giải thích, một ngày trước giáo viên đến từng nhà học sinh thiểu số có hoàn cảnh khó khăn để động viên các em trở lại trường. Để tiếp thêm động lực, giáo viên góp tiền lì xì đầu năm cho học trò.

"Hoạt động này vừa giúp các em hiểu thêm phong tục Tết của người Kinh, vừa có thêm chút trang trải để trở lại trường, tránh bỏ học", thầy Trọng nói.

Tại huyện miền núi Hướng Hóa, sau Tết Nguyên đán, tỷ lệ học sinh bỏ học thường rất cao. Ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết đã đốc thúc các trường vận động học sinh trở lại trường, tránh tình trạng bỏ học lên rương rẫy.

"Nhiều trường cử giáo viên đến tận nhà vận động, chở các em đến lớp. Trường nào vắng nhiều, Phòng hỗ trợ để đưa các em trở lại trường", ông Đức nói.

Ngày 22/2, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện đã có 5 doanh nghiệp, trong đó 3 công ty vốn đầu tư nước ngoài đồng ý tiếp nhận gần 2.000 công nhân Công ty Texwell Vina (chuyên may mặc, có vốn đầu tư Hàn Quốc) đóng tại Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom.

Trước đó, trong bản Tin Tốt Lành của mình tôi đã nhắc đến câu chuyện UBND tỉnh Đồng Nai đã tạm ứng 7 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để trả 50% tiền lương tháng 1 cho gần 2.000 công nhân công ty này. Và đây quả là một cái kết có hậu cho hơn 2.000 gia đình công nhân nghèo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại