Từ khoá U23 Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt sau 3 tuần chiếm lĩnh trên mặt báo và mạng xã hội.
Mặc dù trong suốt tuần rồi, chen giữa những tin tốt lành về U23 Việt Nam thì bắt đầu xuất hiện nhiều hơn những tin không mấy tích cực. Chẳng hạn vụ doạ kiện của FLC Thanh Hoá với bản báo giá quảng cáo ngàn đô mà một công ty truyền thông đưa ra với "nhân hiệu" của thủ môn Bùi Tiến Dũng…
1. Từ bản báo giá quảng cáo ngàn đô cho "nhân hiệu" Bùi Tiến Dũng
Sáng qua, mạng xã hội và trên khắp các mặt báo, một bản báo giá quảng cáo dành cho thủ môn Bùi Tiến Dũng được tung lên. Nhiều người choáng váng với mức giá ngàn đô cho một status trên Facebook của chàng thủ môn này.
Và thế là mạng xã hội chia làm 2 phe, 3 phe, 4 phe… Người thì phản ứng gay gắt với việc thương mại hoá tình yêu của họ. Kẻ thì ủng hộ việc kiếm tiền vì đời cầu thủ vốn chẳng nhiều nhặn gì cho cam.
Lại có người cho rằng công ty truyền thông nọ làm vậy là sai vì hình ảnh của Bùi Tiến Dũng thuộc quyền quản lý của VFF và FLC Thanh Hoá. Rồi thì FLC Thanh Hoá cũng lên tiếng doạ kiện.
Câu chuyện ầm ĩ lôi kéo không ít nhà báo, người làm truyền thông và cả người hâm mộ vào cuộc cãi nhau toé lửa. Câu chuyện chỉ có vẻ hạ nhiệt khi CLB FLC Thanh Hoá thông báo không kiện nữa (đọc tin chính).
Nói là có vẻ hạ nhiệt là bởi không còn khả năng "kéo nhau ra toà", gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của không chỉ thủ thành số 1 Bùi Tiến Dũng mà còn là của hàng triệu tình cảm từ người hâm mộ.
Song câu chuyện này chắc chắn sẽ chưa dừng lại ở đây, tôi nghĩ vậy! Bởi đằng sau những tranh luận (mà trong đó, nhiều phần là tranh cãi với những ngôn từ xấu xí của cộng đồng mạng, khiến nhiều người ngao ngán lắc đầu) là đâu đó, một tín hiệu tốt lành.
Đó cũng là lý do tôi chọn sự kiện này vào mục Tin Tốt Lành hôm nay.
Là bởi nếu không có cuộc tranh luận nảy lửa này, biết đến bao giờ chúng ta mới bắt đầu có được sự quan tâm đúng mực đến hình ảnh của các cầu thủ?
Ở một thời đại mà nhân hiệu của người nổi tiếng có thể mang lại cho họ những giá trị kinh tế nhất định thì sao chúng ta chỉ cho phép các cầu thủ hưởng lương CLB? Khi mà nhiều bạn trẻ lập kênh Youtube có thể thu đến 4 triệu USD/năm như thế này (đọc tin chính) sao một cầu thủ bóng đá không thể làm giàu chính đáng nhờ những cống hiến của mình trên sân cỏ?
Để những cầu thủ như Xuân Mạnh không phải vay mượn tiền để xây nhà cho cha mẹ mà không biết đến bao nhiêu tháng lương ở CLB mới đủ để trả hết nợ nần? Thế nên, câu chuyện về bản báo giá quảng cáo ngàn đô cho nhân hiệu thủ thành số 1 lại là câu chuyện tốt lành.
Miễn sao cậu vẫn tập trung cao độ cho mỗi trận đấu, cậu vẫn giữ phong độ tốt đi thì giá trị hình ảnh của cậu sẽ được giữ và thậm chí sẽ tăng. Như clip triệu views của cậu sẽ thành tiền để cả khi giải nghệ rồi, cậu vẫn có thể yên tâm.
Và chắc chắn sẽ không có những vụ bán độ như Quốc Vượng, Văn Quyến, Văn Trương, Hải Lâm, Phước Vĩnh hồi SeaGames 2005 khi mà một status giờ cũng đã có giá lên tới 2.500 USD rồi.
Tôi luôn nhìn vào mặt tích cực của vấn đề nên tôi tin và cảm thấy thật tốt lành khi mà sau vụ này, mỗi cầu thủ danh tiếng Việt Nam đều có những người quản lý riêng bên cạnh quyền quản lý chung của CLB hay VFF.
Thêm những "phanh hãm" bằng chính giá trị kinh tế để giữ các tuyển thủ - người hùng không bị thả trôi hình ảnh của mình. Sẽ không có cầu thủ nào bay lắc, có những hành vi phi thể thao, làm xấu và mất giá đi hình ảnh của mình.
Thủ môn Bùi Tiến Dũng. Ảnh: Infonet
2. Đến trái bóng có giá gần 3 tỷ đồng được mua bằng lòng yêu U23 Việt Nam
Một trái bóng thôi, dù đó là trái bóng chính thức của VCK WorldCup U20 diễn ra ở Hàn Quốc năm 2017 thì làm gì mà thu lại được đến 2,8 tỷ đồng như thế? Nhất là định giá khởi điểm chỉ vỏn vẹn 4 triệu đồng.
Điều gì đã khiến trái bóng tăng giá gấp cả gần trăm ngàn lần như vậy? Là bởi nó có đầy đủ chữ ký của toàn bộ đội tuyển U20 Việt Nam khi đó.
Mà trong số những tuyển thủ tham dự WorldCup U20 ấy có những Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Đình Trọng, Văn Hậu… những người hùng U23 hôm nay.
Thế mới thấy trái bóng vô tri chỉ dăm bảy trăm ngàn, có thêm câu chuyện lịch sử sẽ đội giá nhiều lần và một khi vì yêu, giá của nó sẽ tăng gấp trăm ngàn lần như thế!
Điều tốt lành ở đây cũng không phải là trái bóng ấy thu về 2,8 tỷ đồng hay sức hút của U23 Việt Nam mà là số tiền ấy được chuyển giao cho quỹ thiện nguyện Nam Phương Foundation để dành cho các hoàn cảnh khó khăn trong dịp Xuân Mậu Tuất đang cận kề.
Thật ấm áp biết bao khi tình yêu dành cho U23 Việt Nam lại mang đến cái Tết ấm cho hàng trăm, hàng ngàn người nghèo khó ngoài kia.
Câu chuyện cảm động này nhất định phải chia sẻ buổi cuối tuần với nhau phải không bạn đọc của tôi? (đọc tin chính)
Sau trái bóng 2,8 tỷ, tới đây một trái bóng nữa cùng một chiếc áo đấu nữa cũng được đưa ra bán đấu giá gây quỹ.
Điều đặc biệt nhất đó là không chỉ trái bóng có đầy đủ chữ ký các tuyển thủ U23 lẫn HLV Park Hang-seo mà còn có lưu bút của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Sẽ là bài toán khó cho ông Đào Ngọc Dung (Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và ông Trương Minh Tuấn (Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) khi 2 ông được Thủ tướng giao tổ chức bán đấu giá.
Nhưng tôi tin rằng với tình yêu dành cho U23 Việt Nam và mong muốn góp thêm cùng vào cái Tết của người nghèo, sẽ có nhiều vị đại gia sẵn sàng bỏ nhiều tiền vào để mua nó. (đọc tin chính)
3. Và Việt Nam là nước giàu lên nhanh nhất thế giới trong 10 năm qua
Theo một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường New World Wealth, tổng tài sản ở Việt Nam đã tăng 210% trong khoảng thời gian giữa năm 2007 và năm 2017, dự báo sẽ tiếp tục tăng thêm 200% trong 10 năm tới.
Vượt lên trên cả Trung Quốc (198%), Ấn Độ (160%) hay Indonesia (92%), Việt Nam với hơn 200 người được xem là siêu giàu và trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu.
Việt Nam cũng trở nên hấp dẫn với người nước ngoài khi Đà Nẵng lọt vào danh sách thành phố đáng sống nhất khi ra nước ngoài của tạp chí "Live and Invest Overseas". (đọc tin chính).
Điều này cũng dễ đoán khi mà vừa qua, cập nhật của tạp chí Forbes cho thấy ông Phạm Nhật Vượng - người trước đó đang xếp hạng 453 trong danh sách tỉ phú trên thế giới đã vọt lên vị trí mới: 364 với số tài sản được định giá lên tới 5,6 tỷ USD. (đọc tin chính).
Tháng 1 vừa qua đi, bức tranh kinh tế tháng đầu tiên của năm 2018 đã khởi sắc khi mà lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều chỉ số khác cũng tăng cho những hứa hẹn 2018 thực sự bùng nổ.
Có lẽ việc U23 Việt Nam thành công cũng đã "kích nổ" được nhiều ngành nghề khác. (đọc tin chính)
Với con số "update" mới nhất, dân số Việt Nam vừa cán mốc 93,7 triệu người, tỷ lệ sinh cao nhất thuộc về Hà Nội với hơn 117.000 trẻ mới (cao gần gấp đôi TP HCM: gần 60.000 trẻ) thì chuyện Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh giỏi 132 em sau kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT 2018 có lẽ cũng là một tin vui an ủi.
Để như chàng trai Đinh Quang Hiếu cú đúp HCV Olympic Hoá Học Quốc Tế 2016-2017, gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu 2017, ẵm trọn học bổng trị giá gần 7 tỷ đồng của ĐH Top đầu thế giới (đọc tin chính).
Và cuối cùng, giàu có thế nào, giỏi giang thế nào cũng được, chỉ là hãy tình hơn nữa, yêu thương hơn nữa. Để bản Tin Tốt Lành của tôi được nuôi dưỡng đều đặn bằng những câu chuyện ăm ắp tình yêu là được.
Một năm đi qua với gần 200 bản tin đã được xuất bản, nếu không có những câu chuyện như thế, hẳn bản tin này sẽ khô không khốc và nản lòng ngay chính tôi - người đang chấp bút bản tin này.
Như câu chuyện anh chàng thủ môn U23 Văn Hoàng bỏ ô tô nhảy xuống ôm eo bố, ngồi sau chiếc xe máy cà tàng mà cười hớn hở. Những câu chuyện như thế đã khiến mỗi bản tin tốt lành được cả tốt đẹp lẫn an lành (đọc tin chính).