Ông Hải, ông Thuận, ông Đại sứ Nhật và học sinh Lê Hồng Phong
Sau khi tốn nhiều thời gian mới có thể đưa ra bức thư xin lỗi người dân U Minh, hôm qua, ông Đoàn Ngọc Hải đã rút kinh nghiệm.
Vị Phó chủ tịch sắt đá trong cuộc chiến vỉa hè, đã gửi lời xin lỗi 2 du khách Ấn Độ bị giật mất túi xách và điện thoại.(đọc tin chính)
Giống như hành động đẹp mấy ngày trước: Mua toàn bộ vé số cho một người nghèo trong cơn mưa tầm tã (đọc tin chính), ông Hải rút 2 triệu đồng tặng hai du khách Ấn Độ.
Thật tuyệt, hai du khách ấy đã không cúi đầu nhận tiền. Lòng tự trọng khiến họ có thể ngẩng cao đầu, ngay cả trong mất mát vật chất.
Lòng tự trọng cũng đã khiến NSUT Quốc Tuấn từ chối nhận ủng hộ vật chất cho đứa con trai kiên cường của anh bởi anh rất cảm ơn "nhưng không muốn mắc nợ cả vạn người" và vì "còn nhiều số phận khó khăn hơn cần giúp đỡ".
Một năm trước, bức thư xin lỗi và nhận bồi thường của cậu học sinh lớp 11 ở Hải Phòng gài vào chiếc ô tô đã bị cậu vô tình va vào gương, đã gây sốt mạng.
Một năm sau, clip những học sinh PTTH Lê Hồng Phong lễ phép cúi chào bác bảo vệ cũng lại gây nên một cơn sốt tuyệt vời.(đọc tin chính)
Tôi nhớ, từ nhiều năm trước, bạn bè người Bắc của tôi, thường rất ngạc nhiên khi chứng kiến sự lễ phép của học trò một số trường miền Nam: Cúi đầu, khoanh tay chào và dạ thưa lễ phép khi gặp thầy cô.
Những đoàn từ thiện lên vùng sâu vùng xa phía Bắc, luôn muốn quay lại nơi ấy, một phần vì để được gặp, được nghe những tiếng chào "ấm cả cung đường", được thấy sự lễ phép, ngoan ngoãn, hồn nhiên của học sinh sơn cước.
Hơn 10 năm trước, khi sang Đài Loan, tôi được nghe một ý kiến rất hay của lãnh đạo ngành dân số xứ sở này: "Bùng nổ kinh tế thì các quốc gia có thể làm được trong 15, 30 năm, nhưng để xây dựng được một xã hội nhân văn, biết liêm xỉ, phải mất vài thế hệ".
Hôm qua, ông Bí thư Thành ủy Vũng Tàu Mai Ngọc Thuận đã cúi đầu xin lỗi nhân dân vì thái độ phục vụ chưa đúng mực của thuộc cấp.
Lời xin lỗi ấy, không những không làm cho vị thế của ông thấp đi, mà ngược lại, có thể ghi điểm và làm xì hơi quả bóng mâu thuẫn đã căng lâu ngày.(đọc tin chính)
Khi đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, xuống tận Hưng Yên để cúi đầu xin lỗi gia đình cháu bé bị sát hại ở Nhật Bản, ông đã xoa dịu đi nhiều nỗi đau tưởng không thể nào bù lấp được của người thân em.
Cái cúi đầu ấy còn giúp cho người Nhật có thể ngẩng cao đầu với thế giới về sự cầu thị, khiêm nhường và dám nhận trách nhiệm.(đọc tin chính)
Những câu hỏi tại sao và đáp án mở
Ngay từ lớp 1, học sinh đã được dạy điều tối thiểu trong cuộc sống: Biết nói câu cảm ơn và xin lỗi.
Thế nhưng tại sao khi lớn lên, không ít thanh niên rút dao đâm người khác khi họ chưa kịp mở miệng nói lời xin lỗi vì trót "nhìn đểu", vì va chạm xe, vì vô ý hát to, vì cười không đúng lúc…?
Tại sao một học sinh lớp 4 bị cuốn vào miệng cống trên đường phố, thi thể trôi xa đến 10km, mà không có một ai cúi đầu xin lỗi, trái lại còn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau?
Tại sao xã hội lại khan hiếm những lời xin lỗi của những người có vai vế, uy tín?
Tại sao suốt một thời gian dài, chúng ta không được thấy những cái cúi đầu tự trọng trong đời sống, mà chỉ quen hình ảnh những bị cáo cúi đầu trên vành móng ngựa?.
Không ít người trong số họ, trước đây đã dương dương tự đắc ngẩng cao đầu trên truyền thông, trong các cuộc hội nghị và trước thuộc cấp.
Đó là lỗ hổng của nền giáo dục tại trường, tại gia đình, hay là chế tài chưa đủ mạnh?
Nhìn lại câu chuyện này, thì thấy, mặc dù vẫn tồn tại nhiều quy định hà khắc và máy móc, nhưng trường Lương Thế Vinh của PGS Văn Như Cương, vẫn có những điểm rất sáng trong việc góp phần dạy học sinh làm người tử tế, chuẩn mực.
Không thể có những tin tốt lành trong một xã hội mà mỗi chúng ta chỉ biết đi hỏi tại sao, chỉ biết phê phán mà không hành động để thay đổi.
Nếu mỗi người đều học được cách xin lỗi và cúi đầu như các em học sinh Lê Hồng Phong, xã hội sẽ thay đổi. Đó thực sự là một đáp án mở cho bài toán khó.
Nhân viên thú y cúi đầu và vụ trưởng ngẩng đầu
Một tin rất tốt lành đã được phát đi trong dịp cuối tuần: Thịt của gần 5000 con heo bị tiêm thuốc an thần ngủ li bì (trong đó có trên dưới 1000 con bị lở mồm long móng) đã không thể tuồn ra thị trường làm hại hàng trăm ngàn thượng đế.
Bên cạnh chiến công sau hơn một tháng mật phục, cải trang nhập vai của công an và cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT, thì có một câu hỏi rất quan trọng: Tại sao gần 5000 con heo mê man trước khi lên bàn mổ ấy lại "chui lọt ổ khóa" của 17 nhân viên thú y có nhiệm vụ kiểm tra giám sát ngay tại lò mổ này?(đọc tin chính)
17 nhân viên thú y đang phải giải trình. Nếu nhúng chàm vì cúi đầu trước đồng tiền, họ sẽ phải cúi đầu trước pháp luật. Nếu chỉ thiếu trách nhiệm, họ cũng sẽ phải cúi đầu trước nhân dân tạ lỗi.
Xin kết thúc bản tin tốt lành này, bằng 2 cái ngẩng đầu.
Cái ngẩng đầu đầu tiên, rất đáng ngóng đợi là việc ông lớn taxi Mai Linh, đã không chỉ ngồi than vãn và mắng mỏ đối thủ. Họ đã cựa quậy thực sự để tự cứu mình.(đọc tin chính)
Cái ngẩng đầu thứ hai, rất đáng nhân rộng, là cơ chế thi tuyển công khai vào những vị trí quan trọng của một cơ quan quan trọng. 3 vị vụ trưởng này hẳn sẽ tự tin hơn nhiều vì họ đi đường thẳng, chiến thắng thực sự trong cuộc thi đấu không dễ dàng với 9 ứng viên nhiều tiềm năng khác.(đọc tin chính)
Khi các VĐV thể thao giành HCV, chúng ta đều thấy nụ cười sáng bừng và giọt nước mắt tự hào của họ.
Nếu trọng tài không thiên vị, nếu chiến thắng bằng chính nỗ lực lớn lao của mình, các VĐV sẽ để lại những khoảnh khắc ấn tượng trên đấu trường khắc nghiệt và trong chính cuộc đời mình.
Hy vọng, những quan chức trúng tuyển bằng thực lực, cũng sẽ để lại dấu ấn như thế.