Lột xác sau 20 năm
Trong diễn văn được chuyên gia Mỹ, GS Terry Buss (Nguyên chuyên gia Học viện Hành chính công Hoa Kỳ) đánh giá là hay nhất từ trước đến giờ, ông Trump nói:
"Chỉ vài thế hệ trước đây, ít ai có thể tưởng tượng rằng những nhà lãnh đạo trên thế giới có thể cùng đến Đà Nẵng để thắt chặt tình hữu nghị, mở rộng mối quan hệ đối tác và tán dương những thành quả tuyệt vời mà các nước đã đạt được…
Thành phố cảng này đang phát triển nhộn nhịp với tàu thuyền cập bến từ khắp nơi trên thế giới. Các công trình kiến trúc như cầu Rồng chào đón hàng triệu người đến thăm quan các bãi biển chan hòa ánh nắng cùng vẻ đẹp duyên dáng cổ xưa của Đà Nẵng." (đọc tin chính)
Con số "vài thế hệ" ấy, thực sự gợi ra nhiều suy nghĩ.
Năm 1997, Đà Nẵng được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương.
Hướng đi đúng, lãnh đạo giỏi, quyết tâm cao, Đà Nẵng mất 20 năm để trở thành thành phố xinh đẹp, đáng sống nhất Việt Nam.
Nhưng đó chỉ là một thành phố trong số 64 tỉnh thành. Hành trình lột xác nghèo nàn lạc hậu của cả một quốc gia luôn gian nan hơn cuộc chuyển mình của một thành phố rất nhiều.
Tuy nhiên, không gì là không thể.
Chỉ mất vài chục năm, đất nước mặt trời mọc đã khiến thế giới gọi mình bằng cụm từ "thần kỳ Nhật Bản" trong phát triển kinh tế - xã hội và cả cải tạo giống nòi.
Cũng chỉ chừng ấy thời gian, đất nước phía Nam bán đảo Triều Tiên cũng tạo nên Kỳ tích sông Hàn, bước chân vào CLB những nước phát triển nhất trên thế giới.
Quốc đảo nhỏ bé Singapore đã kịp hóa rồng, trở thành trung tâm tài chính thế giới.
Indonesia có mặt trong G20 – nhóm các nền kinh tế lớn.
Thái Lan đã trở thành một nền kinh tế thu nhập trên trung bình trong chưa đầy một thế hệ và là điểm đến hấp dẫn nhất của thế giới.
Malaysia trở thành một trong những nước có hồ sơ kinh tế tốt nhất tại châu Á.
Việt Nam lọt top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới?
Trong bài phát biểu của mình tại Đà Nẵng, Tổng thống Trump nhắc đi nhắc lại luận điểm "nước Mỹ trên hết" và Mỹ muốn các nhà lãnh đạo khác cũng "đặt nước mình lên trên hết".
TT Trump hy vọng, nếu tất cả nỗ lực thì "nhìn vào thế giới trong vòng 50 năm sau, thì chúng ta sẽ bất ngờ trước sự phát triển kỳ diệu của "chòm ngân hà" các quốc gia. Mỗi nước mang những đặc điểm riêng biệt, độc đáo, tỏa sáng chói lọi và đầy tự hào".
Vậy 50 năm nữa, Việt Nam sẽ được hình dung như thế nào?
Một trong những nghiên cứu rất lạc quan, cho thấy 33 năm nữa – đến 2050 - Việt Nam có thể nằm trong top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới và top 10 nền kinh tế lớn nhất Châu Á.
Quy mô thị trường lớn và năng xuất thấp hiện tại lại chính là dư địa và cơ hội để có thể phát triển nhanh.(đọc tin chính)
50 năm là quãng thời gian một đời nhìn, nhưng lại không quá xa nếu là tầm nhìn phát triển quốc gia. Thế gần hơn chút nữa, Việt Nam sẽ ra sao?
Năm 2017, Việt Nam có 10% dân số ở mức sống trung lưu, nhưng 18 năm nữa, tức 2035, hơn 50% dân số sẽ có mức sống trung lưu. Tầng lớp trung lưu phát triển, thì tầng lớp triệu phú, tỉ phú đô la cũng sẽ lớn mạnh.(đọc tin chính)
Đến ngày 13/11/ 2017, người giàu nhất Việt Nam là tỉ phú Phạm Nhật Vượng, cũng đồng thời là người Việt giàu nhất thế giới, với tổng tài sản là 4,8 tỉ đô la, vượt xa tỉ phú Hoàng Kiều (2,8 tỉ đô la) và TT Donald Trump (3,1 tỉ).(đọc tin chính)
Liệu 50 năm nữa, xã hội chúng ta liệu có hội đủ điều kiện để xuất hiện những "Jack Ma của Việt Nam" (hiện có tổng tài sản 41,8 tỉ đô la)? Những Mark Zuckerberg của Việt Nam (có tài sản 74 tỉ đô la ở tuổi 33)?
Câu hỏi ấy không dễ trả lời, chỉ biết rằng, trong khi chúng ta đang vật vã tìm cách bật vọt thì các quốc gia đang xếp trên ta cũng đang cựa mình rất mạnh. Họ không đứng lại chờ các nước phía sau phả hơi nóng lên gáy và soán ngôi.
Cưỡi sóng lớn
Việt Nam vừa có một APEC 2017 thành công về mọi mặt. Trong 2 ngày, TT Donald Trump đã cảm ơn Việt Nam tới hai lần về những điều tuyệt vời ông có được tại Đà Nẵng và Hà Nội.(đọc tin chính)
Nhiều nguyên thủ khác và truyền thông quốc tế cũng đã có một ấn tượng khó phai về hiệu quả, thái độ trọng thị và cách tổ chức bài bản của nước chủ nhà.(đọc tin chính)
Tuy lịch trình kín đặc của các nguyên thủ không cho phép họ khám phá nhiều văn hóa và ẩm thực Đà Nẵng, Hội An, Hà Nội (để những cơm gà, bún chả được vang danh trên truyền thông quốc tế), nhưng nhiều sản phẩm khác của Việt Nam vẫn kịp tạo được những ấn tượng lớn với khách VIP toàn cầu.
Đó là những biểu tượng rất đẹp như cầu Rồng, cầu Nhật Tân đã được lên sóng của Thủ tướng Lý Hiển Long và Tổng thống Donal Trump.
Đó là những khu nghỉ dưỡng đẹp nhất thế giới như InterContinental, resort đẳng cấp nằm cạnh những bãi biển đẹp nhất hành tinh như Furama... mà cảnh sắc chắc chắn sẽ lọt vào ống kính selfie và sự trầm trồ của quan khách.
Đó là cơ hội để những kiệt tác của gốm sứ Minh Long (trong đó có bộ chén bát Hoàng Liên mạ vàng tặng nguyên thủ), vươn xa hơn nữa trên thế giới, dù sản phẩm Minh Long đã xuất khẩu được sang những thị trường khó tính nhất như Đức, Pháp, Nhật, Hà Lan, Tiệp Khắc, Mỹ…(đọc tin chính)
Đó là cơ hội để ông lớn Vinamilk nối dài thêm danh sách xuất khẩu đi 43 nước trên thế giới, kéo gần thêm một bước giấc mơ trở thành một trong 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới, sau khi hãng này là đại diện Việt Nam duy nhất được cung cấp hơn 500.000 sản phẩm sữa và nước uống phục vụ cho khách VIP APEC 2017.
Đó còn là bánh mì, café, trà đá vỉa hè made in VietNam – những thực phẩm được nguyên thủ suýt xoa khen ngon sau khi trải nghiệm.
Đó là nhiều hợp đồng kinh tế lớn, nhiều trao đổi khoa học, giáo dục, được ký kết. Sự thấu hiểu và chia sẻ giữa các quốc gia được nâng cao.
Đó là một đất nước thân thiện, cởi mở, thanh bình, nơi nguyên thủ có thể chạy dọc bờ sông tập thể dục và selfie thoải mái với những người dân bình dị.
Nhưng với tôi, một trong những điều quan trọng nhất mà APEC mang lại, chính là thêm một lần nữa, người Việt được nhắc nhớ rằng "Nước Việt trên hết".
Một siêu cường như Mỹ, mà thông điệp "nước Mỹ trên hết" luôn được Tổng thống nhắc đi nhắc lại, thì với những nước đang phát triển như Việt Nam, điều ấy càng quan trọng.
Hàn Quốc sẽ thế nào, nếu họ không coi hàng hóa Hàn, đất nước Hàn là trên hết?
Nhật Bản sẽ thế nào nếu tinh thần tự tôn dân tộc và lợi ích quốc gia không được đặt lên trên hết?
Làng chài nghèo Singapore sẽ thế nào nếu họ không quyết độc lập và vươn dậy bằng nội lực dân tộc?
Dù có những chỉ báo lạc quan về triển vọng phát triển trong 50 năm nữa, nhưng chúng ta cũng rất nhớ những con số dự báo đầy thách thức khác.
Nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đưa ra cảnh báo: "Sau 15 năm, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ tăng 1.600 USD, trong khi đó con số này ở Thái Lan là 3.600 USD, Malaysia là 6.500 USD và Hàn Quốc là 16.000 USD, và khoảng cách này của Việt Nam so với các nước lớn ngày càng xa".
Một báo cáo khác cũng của này cho thấy: Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang thụt lùi so với Hàn quốc khoảng 30-35 năm, Malaysia khoảng 25 năm, Thái Lan khoảng 20 năm, Indonesia và Philippines khoảng 5-7 năm.
50 năm nữa, liệu người Việt đã có thể nói với nhau và bạn bè mà không ngượng nghịu về một "nước Việt vĩ đại" hoặc một "Kỳ tích rồng tiên thời đại mới"?
Phải bắt đầu câu trả lời ấy, ngay từ hôm nay, và chìa khóa quan trọng nhất vẫn chính là tạo ra một bộ máy "phục vụ và kiến tạo", "liêm chính và sáng tạo".