20/11: Hãy tặng thầy cô một lòng tin
Sở Giáo dục Đào tạo Khánh Hoà yêu cầu các trường không tổ chức liên hoan, văn nghệ, các thầy cô không tiếp đón, nhận quà của cha mẹ học sinh tại nhà riêng.
Sở Giáo dục Đào tạo Quảng Nam thì muốn dùng ngày 20/11 để giải quyết các hậu quả do bão lũ. Sở Giáo dục Đào tạo TP HCM tuyên bố không đón tiếp các đoàn đến chúc mừng, tặng hoa tại trụ sở cơ quan.
Ai muốn chúc mừng xin gửi qua… thư điện tử. Từ nay đến 20/11, hy vọng nhiều Sở Giáo dục Đào tạo khác cũng sẽ có những thông báo tương tự. (đọc tin chính).
Tôi chọn đây là Tin Tốt Lành đầu tiên khai mở bản tin tốt lành chào tuần mới của mình.
Ông Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nói thì đây là truyền thống tôn sư trọng đạo của dân ta, việc tặng quà cho thầy cô là việc làm không xa lạ, thậm chí thể hiện sự trân trọng, biết ơn với người đã có công dạy dỗ mình.
Tôn sư trọng đạo có nhiều cách đâu cứ nhất thiết phải là quà cáp biếu xén? Tôi không cho rằng đó là cách thể hiện sự trân trọng, biết ơn nhất là ngày đó mỗi bông hoa đều tăng giá đến hai, ba lần, thậm chí có nơi gần cổng trường hoa còn được nâng giá đến chục lần.
Mà còn chưa kể giữa chính các thầy cô với nhau, giáo viên môn chính với giáo viên môn phụ cũng bị phân biệt đối xử trong cách thể hiện sự trân trọng, biết ơn của các phụ huynh.
Hay là vì môn chính thì công dạy dỗ nhiều hơn môn phụ? Có những thứ người ta cứ gắn cái mác "truyền thống" lên rồi gật đầu với sai trái. Tham nhũng vặt vốn bắt đầu từ những món quà theo thông lệ "truyền thống" như vậy.
Tôi cho rằng món quà lớn nhất, giá trị nhất mà các thầy cô tâm huyết với nghề mong đợi nhất trong ngày 20/11 là lòng tin của phụ huynh dành cho thầy cô nói riêng và giáo dục Việt Nam nói chung.
Khi mà trên mặt báo hàng ngày chúng ta vẫn đọc thấy những câu chuyện phụ huynh lao vào trường hành hung thầy cô, những câu chuyện thầy cô ứng xử sư phạm kém bị chính các phụ huynh nhiếc móc không tiếc lời trong các bình luận trên mạng.
Là còn chưa kể đến những phản ứng tiêu cực của phụ huynh khi nói về giáo dục Việt Nam. Đặc biệt là gần đây khi Bộ Giáo dục đề xuất ngân sách cấp 94% trong số 12,000 tỷ để đào tạo thêm 9.000 tiến sỹ- bổ sung và nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên.
Một đề xuất có lợi cho giáo dục con em họ nhưng tại sao nhiều phụ huynh đều đăng đàn trên mạng xã hội phản đối? Là vì trong tổng số hơn 24,300 tiến sỹ Việt Nam thì bao nhiêu trong đó là "tiến sỹ giấy" với những đề tài khoa học đọc tựa đề thôi đã thấy nực cười?
Là vì ngân sách ấy chính là tiền đóng của dân nhưng đào tạo ra tiến sỹ rồi bao nhiêu thầy cô sẽ ở lại giảng dạy hay nhảy việc tìm nơi lương cao hơn, sẵn sàng bồi hoàn chi phí đào tạo? Là vì giáo dục Việt Nam đang khiến chính các phụ huynh mất lòng tin nên 12.000 tỷ kia dành cho 9.000 tiến sỹ trở thành món "đầu tư mạo hiểm".
20/11, món quà nào giá trị bằng việc cha mẹ đặt lòng tin thêm một chút nữa vào các thầy cô đang dạy dỗ con mình, nhìn nhận giáo dục Việt Nam bằng con mắt công bằng và bao dung hơn.
Thay vì những thoá mạ thầy cô, bỉ bai giáo dục, tấn công xúc phạm các hệ thống giáo dục… hãy ứng trước một chút lòng tin cho họ. Tôi nghĩ đó đã là một món quà tuyệt vời lắm rồi.
Đừng hoa hoét, đừng văn nghệ hoan ca, đừng nói những lời chúc tụng sáo rỗng nữa. Đừng để đến một ngày, học dốt mà muốn đỗ Đại học thì chọn ngành Sư phạm cho dễ đậu.
Đó là khi giáo dục Việt Nam chỉ còn là ngành kinh doanh con chữ, bằng cấp.
20 năm chờ đợi cho 2 chữ "Đặc- Khu"
20 năm trước, 1997, nghị quyết TW4 khoá 8 đề ra giải pháp "... nghiên cứu xây dựng vài đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do ở những địa bàn ven biển có đủ điều kiện". Khái niệm này được nhắc lại ở Văn kiện Đại hội X năm 2006.
Tới năm 2011, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 được Đại hội XI thông qua có đoạn "lựa chọn một số địa bàn có lợi thế vượt trội, nhất là ở ven biển để xây dựng một số khu kinh tế làm đầu tàu phát triển".
Và phải đến hôm nay, hai chữ "Đặc- Khu" mới thành hình rõ nét đến thế với các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Quốc hội đang thảo luận về luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt để tạo hành lang pháp lý cho các đặc khu.
Với nhiều kỳ vọng mang đến một cơ chế phát triển nhằm thu hút các công ty quốc tế đổ vào. Từ việc làm đến thu ngân sách- thuế giá trị gia tăng.
Như đặc khu Vân Đồn với kỳ vọng tạo ra 132.000 việc làm mới vào năm 2030, thu 4 tỷ USD cho ngân sách 2021-2030, đạt 9,7 tỷ USD từ thu thuế GTGT các doanh nghiệp.
Như đặc khu Bắc Vân Phong với các con số tương ứng 65.000 lao động mới, 2,2 tỷ USD, 10 tỷ USD. Và đặc khu Phú Quốc 57.600 lao động mới, 3,3 tỷ USD và 19 tỷ USD. Những con số kỳ vọng đấy cũng được coi là tin tốt lành được chờ đợi suốt 20 năm qua.
Thế nên, không mấy ngạc nhiên khi Quốc hội luận bàn về Luật đơn vị hành chính, tranh cãi gay gắt việc giám sát quyền lực trưởng đặc khu (chứ không kiểm soát) cách nào khi mà trưởng đặc khu có quyền quyết định đến 126 thẩm quyền trong đó 77 thẩm quyền vốn thuộc về Thủ tướng.
Vấn đề cốt lõi của sự phát triển của các đặc khu là đội ngũ cán bộ lãnh đạo xứng tầm và có tâm. (đọc tin chính)
Điều đó khiến tôi nhớ đến bài diễn văn của Tổng thống Mỹ Donald Trump mấy hôm trước tại Đà Nẵng.
Không phải việc "phát hiện" ra ý chí độc lập của người Việt có từ 2.000 năm trước thời Hai Bà Trưng mà là tinh thần quốc gia trên hết trong câu: "Tôi luôn đặt nước Mỹ lên hàng đầu và tôi cũng mong mỗi người trong các bạn đặt quốc gia của mình lên hàng đầu. Như tôi". (đọc tin chính)
Tôi ước giá như các trưởng đặc khu sẽ tuyên thệ điều đó trong mỗi quyết định của mình.
Nhất là khi quyền lực càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Người tài chúng ta không thiếu nhưng vừa tài lại vừa có tâm huyết với đất nước, đặt lợi ích quốc gia lên trên cả thì mới thực sự cần thiết.
Đừng vì những lợi ích kinh tế của đặc khu (chứ chưa nói đến lợi ích kinh tế cá nhân, lợi ích nhóm) mà bỏ qua lợi ích quốc gia, tàn phá môi trường, huỷ diệt biển, lơ là quốc phòng, an ninh. Mong lắm thay!