Thêm 47 đối tượng bị khởi tố
Ngày 2 tháng 2, Công an tỉnh Quảng Nam thông báo đã thực hiện lệnh khởi tố 47 đối tượng về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự". 47 bị can bị khởi tố thuộc giai đoạn 2 của chuyên án điều tra đường dây cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, có quy mô lên tới hơn 20.000 tỷ đồng đã bị triệt phá vào tháng 7 năm 2023.
Liên quan đến đường dây này, ngày 28/12/2023, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố, bắt tạm giam 2 đối tượng gồm Nguyễn Quang Tứ (37 tuổi), trú tỉnh Thái Bình, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc điều hành một tập đoàn - đơn vị vận hành kênh trung gian thanh toán và Đỗ Minh Trí (28 tuổi), trú tỉnh Hưng Yên, trưởng nhóm kinh doanh.
Trước đó, ngày 24/7/2023, Cơ quan an ninh điều tra, Công an tỉnh Quảng Nam đã có quyết định khởi tố vụ án Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, Cưỡng đoạt tài sản, Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới và khởi tố bị can, bắt tạm giam 45 người để điều tra.
Bên cạnh việc khởi tố, Công an tỉnh Quảng Nam cũng thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp đối với 3 công ty thanh toán trung gian và 28 địa điểm; triệu tập 60 đối tượng có liên quan để làm việc.
Qua đó, thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan đến đường dây này gồm: 2 xe ô tô, 1 xe mô tô phân khối lớn, phong toả giao dịch 11 bất động sản (trị giá trên 70 tỷ đồng), hơn 100 máy tính, điện thoại các loại và nhiều tài liệu, chứng cứ quan trọng khác; phong toả 88 tài khoản ngân hàng với số tiền hơn 36 tỷ đồng.
Lực lượng công an thông qua chuyên án này đã làm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động và hành vi của các đối tượng có liên quan; thành công triệt phá đường dây tội phạm hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia gồm nhiều băng nhóm hoạt động dưới sự quản lý điều hành của 11 đối tượng cầm đầu (trong đó có 3 đối tượng quốc tịch Trung Quốc) và hàng chục đối tượng người Việt Nam giúp sức.
Mánh khoé của đường dây cho 1 triệu người vay 20.000 tỷ, lãi 8.000 tỷ
Kết quả điều tra xác định, tổng số tiền các đối tượng phạm tội thông qua các công ty trung gian thanh toán tổ chức cho vay nặng lãi tính đến thời điểm bị bắt giữ là hơn 20.000 tỷ đồng, thu lợi bất chính số tiền trên 8.000 tỷ đồng, tổ chức "rửa tiền" và chuyển tiền thu lợi bất chính trái phép ra khỏi Việt Nam với số tiền hơn 5.000 tỷ đồng.
Từ tháng 12/2020 đến tháng 7/2023, nhóm đối tượng người nước ngoài chủ mưu cấu kết với các đối tượng người Việt Nam sử dụng nhiều công ty "ma" để tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng với lãi suất 2.346,4%/năm cho hơn 1.000.000 người trên toàn quốc thông qua ứng dụng "Great Vay" trên điện thoại di động (trong đó có nhiều ứng dụng nhỏ hơn, như: Abc Tien, cashGo, Like Tiền, Vi Dong) và liên kết lưu trữ dữ liệu người vay tại website có địa chỉ đặt tại sever của Alibaba Cloud Singapore.
Thượng tá Phạm Văn Sơn, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Nam cho biết: Các đối tượng hoạt động với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi. Các đối tượng thành lập các pháp nhân thương mại "ma" sử dụng không gian mạng, thuê máy chủ tại nước ngoài, xây dựng các ứng dụng cho vay trên diện thoại di động, khi người vay tải ứng dụng, đăng ký bằng CMND/CCCD, tài khoản ngân hàng, số điện thoại chính chủ và đồng ý với điều khoản, điều kiện vay thì tất cả các thông tin về điện thoại được đồng bộ về cơ sở dữ liệu của đối tượng nhằm phục vụ cho hoạt động thu hồi nợ sau này.
Chu kỳ áp dụng cho mỗi gói vay là 07 ngày. Tiền lãi của gói vay thường là 45%/tuần, tương đương 2.346,4%/ năm và được các đối tượng trừ thẳng vào số tiền gốc người vay đăng ký khi giải ngân, nếu trong thời gian 07 ngày người vay không trả được tiền thì các đối tượng cho vay sẽ yêu cầu trả tiền gia hạn thêm 07 ngày với số tiền gia hạn là 45% số tiền vay.
Để tránh sự theo dõi, kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu còn tổ chức nhiều nhóm nhỏ, tại nhiều địa bàn khác nhau trên toàn quốc thực hiện việc: nhắc nợ, đòi nợ bằng nhiều hình thức vi phạm pháp luật.
Đối với số tiền thu lợi bất chính qua hoạt động phạm tội, nhóm đối tượng người nước ngoài tổ chức “rửa tiền” qua bất động sản, chuyển tiền trái phép ra khỏi Việt Nam bằng “Tiền ảo” và “Kênh chuyển tiền bất hợp pháp”.
Thượng tá Phạm Văn Sơn, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh cho biết thêm: “ Các đối tượng phạm tội khai thác triệt để không gian mạng để hoạt động, chúng sử dụng các công ty “ma” và các công ty trung gian để thanh toán hoạt động hợp pháp để “cho vay” và “thu hồi vốn” nên “ẩn danh”, đối với số tiền thu lợi bất chính, các đối tượng sử dụng trên 5.000 tài khoản ngân hàng “không chính chủ” để luân chuyển dòng tiền phạm tội, qua đó tổ chức "rửa tiền" và sử dụng nhiều phương thức chuyển tiền trái phép ra khỏi Việt Nam số tiền "đặc biệt lớn” như: qua tiền ảo, các kênh chuyển tiền trái pháp luật.
Địa bàn tổ chức hoạt động phạm tội xảy ra trên địa bàn toàn quốc, qua đó rất khó khăn trong công tác tổ chức trinh sát, thu thập thông tin về hoạt động phạm tội. Các đối tượng phạm tội người nước ngoài chia ra nhiều nhóm nhỏ và phân công luân phiên thay đổi nhau nhập cảnh vào Việt Nam nên đây cũng là vấn đề rất khó khăn trong công tác thu thập tài liệu về đối tượng.