Tin không vui với Nga: Mỹ bán tên lửa hủy diệt mới cho tiêm kích mạnh nhất Ba Lan

Minh Hoàng |

Ba Lan vừa ký kết một thỏa thuận với Mỹ để mua một số lượng lớn tên lửa hiện đại cho phi đội F-16 mạnh nhất của nước này. Hợp đồng có giá trị tới 200 triệu USD.

Hôm 24-12, trang web của Bộ Quốc phòng Ba Lan đã đăng tải thông tin về hợp đồng quân sự trên:

"Vào thứ ba, ngày 20 tháng 12, Thư ký Bộ Quốc phòng Bartosz Kownacki đã có cuộc gặp riêng với lãnh đạo Lầu năm góc để ký kết thỏa thuận cung cấp tên lửa đời mới cho các máy bay đa năng F–16 đang có trong biên chế của Ba Lan".

Các giao dịch quân sự giữa Mỹ và Ba Lan đều nằm trong Chương trình buôn bán khí tài quân sự cho nước ngoài (Foreign Military Sales - FMS) mà Mỹ thành lập nhằm dễ dàng ký kết thỏa thuận khung về buôn bán các loại vũ khí cho từng quốc gia đồng minh.

Chương trình năm nay đã mở rộng thêm 3 loại tên lửa mới mà phía Ba Lan được phép sở hữu, gồm tên lửa không đối không AIM–9X Sidewinder, tên lửa không đối không tầm trung sử dụng đầu dò radar chủ động AIM–120 AMRAAM và tên lửa không đối đất AGM-158B (JASSM-ER)

Tên lửa AGM-158B (JASSM-ER) là bản nâng cấp của tên lửa không đối đất AGM-158A. Nó có tầm bắn lên tới gần 1.000 km, so với 370 km của phiên bản cũ vốn cũng đã có trong trang bị của Ba Lan.

"Để thông qua việc bán các tên lửa JASSM-ER cho nước ngoài, chính phủ Mỹ trước tiên phải nhận được sự cho phép của Quốc hội. Dự thảo sau khi được đệ trình một tháng cuối cùng cũng được các nhà lập pháp Mỹ bật đèn xanh vào ngày 16-12" - Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết.

Tin không vui với Nga: Mỹ bán tên lửa hủy diệt mới cho tiêm kích mạnh nhất Ba Lan - Ảnh 1.

Máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Ba Lan. Ảnh: Reuters

Vào năm 2002, Ba Lan đã ký kết với Tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin hợp đồng mua 48 máy bay F-16C/D Block 52+ (bao gồm 36 chiếc F-16C và 12 chiếc F-16D) nhằm thay thế các tiêm kích MiG-23 và MiG-21 đã lỗi thời.

Hợp đồng trên có giá trị lên tới 3,5 tỉ USD và là hợp đồng mua bán quân sự lớn nhất của Ba Lan từ sau Chiến tranh Lạnh. Vào cuối năm ngoái, các máy bay F-16 này cũng vừa được Lockheed Martin đại tu và nâng cấp hàng loạt.

"Hợp đồng này có giá trị rất lớn, Ba Lan là quốc gia đầu tiên và duy nhất cho đến nay được phép nhập khẩu loại vũ khí uy lực này" - trang web Bộ Quốc phòng Ba Lan ghi rõ.

Vào tháng 11, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ đưa ra thông báo rằng Ba Lan đang có ý định đặt mua 70 tên lửa JASSM-ER và một số phương tiện bảo đảm liên quan.

"Dự kiến hợp đồng này có giá trị lên tới 200 triệu USD" - Phát ngôn viên Cơ quan Mỹ trả lời báo chí, nhưng giá trị chính xác đến nay vẫn chưa được Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết.

Hiện chưa biết các tên lửa này có bị cắt giảm các tính năng so với phiên bản nội địa hay không. Tên lửa AGM-158B có tầm bắn chính xác là 930 km, trong khi đó, Mỹ lại là thành viên của Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR).

Hiệp ước này quy định các quốc gia thành viên không được phép xuất khẩu các loại tên lửa có tầm bắn trên 300 km và đầu đạn nặng quá 500 kg.

Hợp đồng quân sự khổng lồ này là một hành động nhằm thắt chặt mối quan hệ quân sự giữa Washington và Warsaw. Cũng vào đầu tháng 12, Ba Lan đã ký một bản ghi nhớ với tập đoàn sản xuất tổ hợp tên lửa phòng không Patriot là Raytheon.

Theo bản ghi nhớ này, Ba Lan được phép sản xuất một số trang thiết bị vũ khí cho tập đoàn Raytheon. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz tuyên bố đây sẽ là những bước đi đầu tiên để Ba Lan có thể tiến đến tự sản xuất các tổ hợp tên lửa phòng không Patriot.

Thông tin về hợp đồng trên của Ba Lan chắc chắn sẽ khiến Nga lo ngại bởi hai nước đang có mối quan hệ căng thẳng, đặc biệt kể từ sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên.

Ba Lan là một nước thành viên NATO nằm gần với Nga và Ukraine. Ba Lan là một trong những nước Đông Âu hàng đầu có lập trường thân phương Tây và xa rời Nga. Ba Lan luôn mong muốn và kêu gọi NATO tăng cường sự hiện diện quân sự tại nước này để đối phó với Nga.

Trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Ba Lan đã thể hiện thái độ phản đối Nga mạnh mẽ, cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình xáo trộn ở nước láng giềng và thường xuyên hăng hái kêu gọi phương Tây trừng phạt Nga.

Có thể nói, trong thời gian qua, Ba Lan đã thể hiện lập trường hiếu chiến hơn nhiều quốc gia Châu Âu khác trong việc phản ứng thế nào với cái gọi là "sự can thiệp" của Nga vào Ukraine. Ba Lan được ví như "tiền đồn" chống Nga của NATO.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại