Quân đội Trung Quốc tập trận hải-không quân ở eo biển Đài Loan, tháng 9/2020 (Ảnh: China Military)
Lần đầu xuất hiện thông tin về "Luật thống nhất quốc gia"
Trả lời câu hỏi của Tân Hoa Xã ngày 16/12 rằng tấm poster kể trên có phải là ngụ ý Trung Quốc Đại lục sắp ban hành "Luật thống nhất quốc gia" hay không, người phát ngôn Văn phòng sự vụ Đài Loan bà Chu Phụng Liên không xác nhận hay phủ nhận, mà nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ áp dụng tất cả biện pháp cần thiết để thúc đẩy thống nhất hòa bình.
"Quy định của hiến pháp về sự thống nhất đất nước là rõ ràng, chúng tôi kiến quyết quán triệt chấp hành," bà Chu nói tại cuộc họp báo ngày 16.
"Chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết, kiên quyết thúc đẩy quan hệ hai bờ [eo biển Đài Loan] phát triển hòa bình, thúc đẩy tiến trình thống nhất đất nước một cách hòa bình, kiên quyết đập tan bất kỳ mưu đồ ly khai 'Đài Loan độc lập' nào, và bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia."
Bà Chu Phụng Liên cũng đề cập đánh giá được đưa ra gần đây tại hội nghị thường niên của Thời báo Hoàn Cầu, cho rằng khả năng Đại lục thống nhất đảo Đài Loan theo hướng hòa bình đang giảm xuống, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh ngả theo xu hướng thúc đẩy thống nhất và hòa bình bằng sức mạnh.
Bà Chu nói Trung Quốc Đại lục "sẵn sàng nỗ lực tối đa với thiện chí lớn nhất để đạt được viễn cảnh thống nhất hòa bình" với Đài Loan, cũng như sẽ theo đuổi phương án giải quyết hòa bình "dù chỉ cần một tia khả năng". Bà nhắc lại lập trường của chính phủ Trung Quốc rằng phương án thống nhất hòa bình với nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" là mô hình tối ưu và phù hợp với lợi ích của người Trung Quốc - bao gồm người dân đảo Đài Loan.
Bà Chu lên án các phong trào ly khai ở Đài Loan là "thách thức lợi ích căn bản của dân tộc Trung Quốc, làm tổn hại nghiêm trọng lợi ích thiết thân của người dân hai bờ eo biển, làm tổn hại nghiêm trọng hòa bình và ổn định ở biển Đài Loan".
Không đề cập chi tiết về giải pháp thống nhất bằng vũ lực, bà Chu Phụng Liên cảnh báo Bắc Kinh "sẽ áp dụng tất cả biện pháp cần thiết" để ứng phó với "thế lực ly khai".
"Chúng tôi kiên quyết không để cho bất kỳ hoạt động ly khai Đài Loan nào có không gian tồn tại, và luôn làm tốt công tác chuẩn bị đầy đủ để ứng phó với can thiệp từ bên ngoài và các hoạt động ly khai," Tân Hoa Xã dẫn lời bà Chu.
Người phát ngôn Văn phòng sự vụ Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, bà Chu Phụng Liên (Ảnh: VCG)
Trung Quốc dọn đường để thúc đẩy nghị trình của ông Tập về Đài Loan?
Trang tin Đa Chiều bình luận, đây là lần đầu tiên khái niệm "Luật thống nhất quốc gia" được đề cập, đặc biệt đến từ đại diện hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc. Dù đại diện chính phủ Trung Quốc không xác nhận hay bác bỏ khả năng ban hành đạo luật này, nhiều ý kiến cho rằng cuộc họp báo ngày 16 là động thái tạo dư luận, mở đường cho việc hoạch định chương trình lập pháp này.
Trong tấm poster mà Văn phòng sự vụ Đài Loan đăng tải, nội dung của hiến pháp Trung Quốc liên quan đến Đài Loan được trích dẫn: "Đài Loan là một phần lãnh thổ thần thánh của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Hoàn thành nghiệp lớn thống nhất tổ quốc là chức trách thần thánh của nhân dân toàn Trung Quốc, bao gồm đồng bào Đài Loan".
Nội dung poster còn có trích dẫn một điều khoản trong hiến pháp Trung Quốc, cho biết "Nhà nước [Trung Quốc] trong thời điểm cần thiết cần phải thiết lập khu hành chính đặc biệt. Trong khu hành chính đặc biệt thực thi chế độ căn cứ theo tình hình cụ thể, do Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) quy định theo luật pháp".
Vào ngày 14/3/2005, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua và ban hành Luật chống ly khai. Đạo luật này được mô tả là tạo ra cơ sở luật pháp để Trung Quốc Đại lục thúc đẩy thống nhất Đài Loan, cũng như kiềm chế và răn đe các thế lực ủng hộ ly khai của hòn đảo này.
Sau hơn 15 năm đạo luật được ban hành, Trung Quốc hiện là nền kinh tế số 2 thế giới. Trong khi viễn cảnh tương lai toàn cầu không rõ ràng, quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục ở mức thấp nhất kể từ năm 1979, quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan được cho là đang xuất hiện những nhân tố bất ổn và rủi ro an ninh lớn.
Sau Đại hội toàn quốc đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 vào năm 2012, với ban lãnh đạo mới do ông Tập Cận Bình đứng đầu lên nắm quyền, nghị trình về Đài Loan cũng được tăng tốc. Ông Tập từng nhấn mạnh vấn đề hai bờ "không thể cứ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác".
Tại Đại hội chào mừng 40 năm Trung Quốc cải cách mở cửa tháng 12/2018, ông Tập nói Trung Quốc cần phải"nắm chắc quyền chủ động và chủ đạo trong phát triển quan hệ hai bờ". Triển vọng từ Luật chống ly khai đến Luật thống nhất quốc gia được kỳ vọng sẽ chuyển dịch "quyền chủ động và chủ đạo" này từ Đài Loan sang Đại lục.
Dù vậy, theo Đa Chiều, hiện vẫn chưa thể xác định mối liên hệ thực tế giữa Luật chống ly khai năm 2005 với đạo luật thống nhất có tiềm năng xuất hiện trong tương lai gần.
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus