Bộ Xây dựng ủng hộ xây mới đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tốc độ 350km/h
Trong văn bản góp ý về đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vừa gửi tới Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị - thành viên ban chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án đã thống nhất đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam theo kịch bản 3, cụ thể như sau:
Tổng vốn đầu tư dự án theo kịch bản này khoảng 68,98 tỷ USD. Trong trường hợp đầu tư ngay hạ tầng, thiết bị, phương tiện để phục vụ khai thác tàu hàng chạy Bắc - Nam, vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỷ USD.
Với kịch bản 3, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được làm mới hoàn toàn với 60% là cầu, 10% hầm, 30% chạy trên nền đất. Toàn tuyến có 23 ga khách, 5 khu tập kết, sửa chữa, bảo dưỡng, 40 cơ sở bảo trì hạ tầng, 5 ga hàng, 4 đề pô, 28 km tuyến nối ga để khai thác chạy tàu hàng khi nhu cầu hàng hóa vượt quá năng lực khai thác.
Dự án cần mua sắm 74 đoàn tàu động lực phân tán, với 1.184 toa xe, năng lực chạy tàu đáp ứng 175 đôi tàu/ngày đêm (đường sắt tốc độ cao 150 đôi tàu, đường sắt hiện hữu 25 đôi tàu), vận chuyển khoảng 133,5 triệu hành khách/năm và 20 triệu tấn hàng hóa/năm, báo Tiền phong đưa tin.
Tàu tốc độ cao của Mỹ. Ảnh: Amtrak
Ngoài kịch bản 3, hai kịch bản còn lại đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Trong đó, kịch bản 1: Xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, chiều dài 1.545km, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng trục 17 tấn/ trục, khai thác riêng tàu khách; nâng cấp cải tạo đường sắt Bắc – Nam hiện hữu để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng mức đầu tư dự kiến cho kịch bản này khoảng 67,32 tỷ USD.
Kịch bản 2: Xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc - Nam, đường đôi, khổ ray 1.435mm, tải trọng 22.5 tấn/ trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng; tốc độ thiết kế khoảng 200 - 250km/h, chạy tàu hàng tối đa 120km/h, hiện đại hoá đường sắt Bắc – Nam hiện hữu để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng mức đầu tư dự án theo phương án này khoảng 72,02 tỷ USD.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ủng hộ phương án làm đường sắt Bắc - Nam 250km/h
Trước đó, cuối năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản trả lời Bộ Giao thông Vận tải về phương án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án làm đường sắt Bắc - Nam tốc độ khoảng 250km/h.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc -Nam đi qua 20 tỉnh/thành phố là một trong những dự án rất quan trọng, góp phần vào sự phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, tạo cơ sở cho ngành đường sắt phát huy lợi thế, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Việc xây dựng Dự án là một bước triển khai, cụ thể hoá kết luận của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án làm đường sắt Bắc - Nam tốc độ khoảng 250km/h. Ảnh minh hoạ. Nguồn: HS2
Trên cơ sở tham khảo các kết quả nghiên cứu của Liên danh tư vấn thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, tổng hợp ý kiến thẩm định của các thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước, các cơ quan liên quan và ý kiến phản biện của xã hội và tổng kết kinh nghiệm của thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị lựa chọn phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với các nội dung sau:
- Mô hình thực hiện dự án theo hình thứ đối tác công - tư.
- Quy mô đầu tư khổ đường đôi 1.435mm, khai thác hỗn hợp; tốc độ thiết kế tối đa 250km/h cho tàu khách và tàu hàng cao tốc, 180km/h cho tàu khách liên vùng và tàu hàng container.
- Tiêu chuẩn châu Âu.
- Tổng chiều dài tuyến khoảng 1.508,6km (điểm đầu Ngọc Hồi, điểm cuối Thủ Thiêm). Cùng với đó sẽ có khoảng 50 ga hành khách và 20 ga hàng hoá.
- Hướng tuyến cần rà soát kỹ, theo hướng gần phía biển để tối ưu và duỗi thẳng đảm bảo êm thuận trong quá trình khai thác; không bám theo các khu dân cư hiện hữu để giảm chi phí giải phóng mặt bằng và tạo ra không gian phát triển mới TOD cho các địa phương tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua; tránh các vùng có nguy cơ sạt lở và lũ quét, thuận tiện cho việc kết nối các trung tâm kinh tế, công nghiệp, du lịch và cảng biển.
Bên cạnh đó, về tổng mức đầu tư, Bộ này đề nghị làm rõ cơ sở xác định và chuẩn xác lại cho phù hợp.
Cũng liên quan đến việc định hướng nghiên cứu phương án, kịch bản cho dự án đường sắt tốc độ cao này, ngày 14/9/2022 ban Cán sự Đảng Chính phủ đã họp dưới sự chủ trì của Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đã thống nhất kết luận: ĐSTĐC Bắc Nam là tuyến ĐSTĐC vừa chở hàng, vừa chở khách. Tốc độ thiết kế khoảng 200 - 250km/h, tốc độ khai thác khoảng 200 km/h.
Ban cán sự Đảng Chính phủ cũng giao Bộ GTVT thống nhất với Bộ KH&ĐT nghiên cứu 2 phương án cải tạo đường sắt Bắc - Nam hiện có hoặc xây tuyến mới, đề xuất một phương án để xin ý kiến Bộ Chính trị.
Đến ngày 12/10, Bộ GTVT dự kiến kiến nghị lựa chọn thiết kế đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam ở dải tốc độ 180-225 km/h, chi phí đầu tư khoảng 64,8 tỷ USD. Lần đầu tiên sau nhiều năm nghiên cứu, Bộ GTVT đã không còn nhắc đến dải tốc độ 350 km/h như các đề xuất trước đó.