Tín hiệu đáng mừng trong xuất khẩu cá tra thời hậu Covid-19

Phan Ánh |

Một thời gian dài ảnh hưởng của dịch bệnh, người nuôi và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra tại ĐBSCL phải xoay xở bằng mọi cách.

Năm 2019 và những tháng đầu năm nay, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thị trường xuất khẩu mặt hàng cá tra phi lê sụt giảm mạnh; giá cá tra nguyên liệu giảm thấp tận đáy và thời gian giảm kéo dài. Trong suốt một thời gian dài, người nuôi và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra tại ĐBSCL phải xoay xở bằng mọi cách.

Công ty cổ phần Nam Việt, một trong những công ty lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra của tỉnh An Giang, tính từ đầu năm đến nay đã xuất khẩu cá tra sang thị trường Đông Nam Á đạt 10,5 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu ở các thị trường trên thế giới của Công ty vẫn giảm gần 20% so với cùng kỳ. Trong đó, giảm mạnh nhất là ở 2 thị trường lớn là Trung Quốc và EU do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tín hiệu đáng mừng trong xuất khẩu cá tra thời hậu Covid-19 - Ảnh 1.

Từ tháng 1/2020, dịch Covid-19 bùng phát; xuất khẩu cá tra bị ảnh hưởng kép.

Theo ông Doãn Tới, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt, mặc dù xuất khẩu giảm, lượng hàng tồn kho còn nhiều nhưng rất hy vọng các thị trường sẽ khởi sắc trở lại sau dịch bệnh Covid-19. Hiện công ty đã áp dụng công nghệ cao vào mô hình sản xuất chuỗi cá tra khép kín; thả nuôi với 50 ao cá giống, 156 ao cá thương phẩm, dự kiến tổng sản lượng thu hoạch năm nay sẽ đạt hơn 100.000 tấn.

“Ngành cá này tôi đã làm 20 năm rồi, cứ mỗi lần giá cá lên cao là cực kỳ nguy hiểm. Sau đó, nhà nhà nuôi cá, người người nuôi cá, người ta ta phá hết cả quy hoạch; hậu quả chúng ta đã thấy, cung nhiều hơn cầu, giá cá quay lại 18.000 đồng/kg. Trong thời gian qua, chúng tôi đề phải tính từ xa, chuẩn bị hết, doanh nghiệp tự gồng mình để cứu mình. Tháng 1/2020, dịch Covid-19 bắt đầu, đơn hàng ký cực ít luôn. Thực sự mà nói hiện nay, ngành cá tra xuất khẩu thì thị trường Mỹ là sáng sủa nhất” - ông Doãn Tới chia sẻ.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, An Giang là một trong 2 địa phương sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra lớn nhất ĐBSCL; ngành hàng cá tra đóng vai trò chiến lược trong tăng trưởng kinh tế của các địa phương trong vùng. Đối với An Giang đầu tư, phát triển con cá tra cũng là đầu tư phát triển kinh tế địa phương; xuất khẩu mặt hàng này bị ảnh hưởng là kinh tế tỉnh gặp khó khăn.

Tín hiệu đáng mừng trong xuất khẩu cá tra thời hậu Covid-19 - Ảnh 2.

Giá cá tra thương phẩm hiện nay chỉ còn 18.000 đồng/kg.

Thực tế, những năm gần đây, giá cá luôn biến động thất thường, không ổn định, làm cho người nuôi cá và doanh nghiệp luôn gặp khó. Vấn đề hiện nay là cần giải pháp căn cơ để tạo sự ổn định trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra. Song song đó, cần có chiến lược dự báo thị trường trong ngắn hạn và dài hạn hợp lý; quy hoạch và quản lý chặt vùng nuôi về diện tích, sản lượng; đầu tư con giống để nâng chất lượng…

“Hiện nay An Giang quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2020-2030, tỉnh An Giang vẫn giữ diện tích này mà không cho chuyển thêm diện tích nuôi trồng thủy sản đối với cá tra nữa. Tôi cũng mong mỏi các tỉnh khác cũng đảm bảo như vậy, cộng với kiểm soát chế tài, thì câu chuyện về giá cá tra lên xuống, nhà nhà ùn ùn đi đào ao nuôi sẽ chấm dứt” - ông Trần Anh Thư nói.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), do ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19 đã ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu cá tra tại các thị trường như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc… đây cũng là những thị trường lớn và trọng điểm của xuất khẩu cá tra. Kim ngạch xuất khẩu cá tra đến ngày 30/3 đạt 334 triệu USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, một số thị trường tiềm năng đã có tín hiệu khởi sắc trở lại.

Tín hiệu đáng mừng trong xuất khẩu cá tra thời hậu Covid-19 - Ảnh 3.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên lượng hàng tồn kho nhiều.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, trước khó khăn của ngành hàng cá tra như hiện nay, Chính phủ cần xem xét và có chính sách hỗ trợ giảm, giãn nợ, kéo dài thời gian nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp; chính sách tài chính ngân hàng, hỗ trợ vốn vay, lãi suất phù hợp… Đồng thời có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ nuôi trong phát triển thị trường trong nước; khôi phục thị trường nước ngoài.

“Theo chúng tôi, trước mắt từ đây đến cuối năm, các bộ, ngành hỗ trợ cho các doanh nghiệp đẩy nhanh xúc tiến thương mại, tăng cường phát triển thị trường mới để giảm lượng hàng tồn trong các kho lạnh, giảm cá nguyên liệu ở dưới ao. Qua dịch Covid-19, thị trường sẽ biến động, chúng ta phải chọn, tìm và tái cấu trúc được thị trường, để tạo thị trường ổn định, bền vững cho ngành hàng cá tra; Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp làm các mặt hàng giá trị gia tăng tận dụng được các phụ phẩm cá tra” - ông Dương Quốc Nghĩa nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, để thúc đẩy cạnh tranh và tái cấu trúc ngành hàng cá tra và đồng thời xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam, các địa phương, doanh nghiệp, vùng nuôi cần tập trung cải thiện chất lượng con giống; chất lượng cá tra nguyên liệu ở khâu nuôi… Song song đó, cần tập trung xây dựng dòng sản phẩm cá tra phi lê chất lượng cao; đa dạng hóa sản phẩm, phát triển dòng sản phẩm giá trị gia tăng…

“Trước mắt, tháng 5, tháng 6 này phải dồn vào thị trường Trung Quốc; thứ hai là thị trường Châu Âu, tín hiệu hiện nay từng quốc gia đã bắt đầu mở, mở từng phần kinh tế. Sang tháng 6, tháng 7 phải tập trung vào thị trường Nhật Bản có sức tiêu thụ rất lớn, thì phải tiếp cận sâu hơn. Tôi tin tưởng chúng ta làm được điều đó nếu Hiệp hội cùng đồng hành với doanh nghiệp, người dân trong lĩnh vực ngành hàng cá tra” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu cá tra tại một số thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, trong những khó khăn này, tín hiệu đáng mừng là có những tín hiệu tốt lên từ một số thị trường lớn. Trong đó, dự báo, khả năng ngành hàng cá tra có khả năng phục hồi hoàn toàn từ quý 3 tới và riêng thị trường Trung Quốc có thể phục hồi vào cuối tháng 5 này. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra, cần có kịch bản điều tiết sản xuất từ Bộ NN và PTNT cùng các địa phương vùng ĐBSCL để tránh xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại